Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có 4 giai đoạn và mức độ thông khí của phổi hạn chế hơn qua từng cấp độ. Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối có những triệu chứng nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân tác động đến chức năng thông khí của phổi.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng bệnh tiến triển ảnh hưởng đến khả năng thở bình thường, bao gồm khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính.
(function() { var qs,js,q,s,d=document, gi=d.getElementById, ce=d.createElement, gt=d.getElementsByTagName, id="typef_orm", b="https://embed.typeform.com/"; if(!gi.call(d,id)) { js=ce.call(d,"script"); js.id=id; js.src=b+"embed.js"; q=gt.call(d,"script")[0]; q.parentNode.insertBefore(js,q) } })()Ngoài việc khả năng hít vào và thở ra giảm sút, các triệu chứng khác của COPD còn có ho và tăng sản xuất đờm.
Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về các cách để giảm bớt các triệu chứng và ảnh hưởng của các yếu tố của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối đến cuộc sống tương lai như thế nào.
Dấu hiệu của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối được biểu hiện bằng tình trạng khó thở nghiêm trọng, ngay cả khi bạn nghỉ ngơi. Ở giai đoạn này, các loại thuốc không còn có tác dụng tốt như trước. Các hoạt động thường ngày cũng khiến bạn cảm thấy khó thở hơn.
Đối mặt với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối cũng có nghĩa là bạn sẽ tăng số lần đến khoa cấp cứu hoặc nhập viện vì các biến chứng hô hấp, nhiễm trùng phổi hoặc suy hô hấp.
Bên cạnh đó, tăng huyết áp phổi cũng thường gặp ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối, có thể dẫn đến suy tim phải. Bạn có thể cảm thấy nhịp tim lúc nghỉ ngơi tăng mạnh (nhịp tim nhanh) hơn 100 nhịp mỗi phút. Một triệu chứng khác của COPD giai đoạn cuối là giảm cân liên tục.
Chung sống với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối
Nếu bạn đang hút thuốc thì từ bỏ thuốc lá là một trong những việc tốt nhất bạn có thể làm ở bất kỳ giai đoạn nào của COPD.
Bác sĩ cũng sẽ kê đơn thuốc điều trị COPD giúp giảm các triệu chứng bệnh, trong đó sẽ có thuốc giãn phế quản, giúp đường hô hấp thông thoáng hơn.
Có hai loại thuốc giãn phế quản: thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh (cắt cơn) sử dụng cho những cơn khó thở xuất hiện đột ngột và thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài có thể sử dụng mỗi ngày giúp kiểm soát các triệu chứng.
Glucocorticosteroid, một loại thuốc giảm viêm, được đưa vào phổi nhờ vào ống hít hoặc máy phun sương để giảm phù nề trong đường thở. Các thuốc glucocorticosteroid thường được dùng kết hợp với thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Ống hít là một dụng cụ y tế nhỏ gọn, bạn có thể dễ dàng mang theo bên mình. Một ống nhựa nhỏ đệm thêm được gắn vào ống hít cho phép bạn sử dụng dễ hơn. Đồng thời, miếng đệm này cũng làm thuốc đi vào phổi nhiều hơn và ít bị mắc kẹt sau cổ họng.
Máy phun sương sẽ biến thuốc thành một màn sương phun liên tục, bạn sẽ hít được thuốc thông qua mặt nạ hoặc ống thở ngậm trong miệng khoảng 5—10 phút mỗi lần.
Liệu pháp oxy sẽ cần thiết nếu bạn đang ở giai đoạn cuối của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (giai đoạn 4).
Chế độ ăn và tập thể dục
Các chương trình tập thể dục từ các nhà trị liệu sẽ hướng dẫn bạn kỹ thuật thở dễ dàng hơn, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn.
Bạn cũng được khuyến khích nên ăn các bữa ăn nhỏ, giàu protein trong mỗi bữa. Một chế độ ăn giàu protein có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa việc giảm cân quá mức.
Điều kiện thời tiết
Bạn có khả năng khó thở hơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như nhiệt độ cao và ẩm hoặc nhiệt độ lạnh, khô.
Mặc dù bạn không thể thay đổi được thời tiết nhưng bạn có thể hạn chế tiếp xúc với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như:
- Luôn luôn giữ một ống hít khẩn cấp, không để nơi nhiệt độ quá nóng hay lạnh. Nhiều ống hít hoạt động hiệu quả nhất khi được giữ ở nhiệt độ phòng.
- Đeo khăn quàng cổ hoặc khẩu trang khi ra ngoài vào ngày lạnh có thể giúp làm ấm không khí hít vào.
- Tránh ra ngoài vào những ngày mà không khí không trong lành, có nhiều khói bụi và mức độ ô nhiễm cao.
Chăm sóc giảm nhẹ (palliative care)
Chăm sóc giảm nhẹ giúp cải thiện cuộc sống người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối rất nhiều. Chăm sóc giảm nhẹ liên quan đến việc xác định các phương pháp điều trị có thể nâng cao chất lượng cuộc sống và giúp người khác chăm sóc bạn hiệu quả hơn. Mục tiêu chính của chăm sóc giảm nhẹ là giảm đau và kiểm soát các triệu chứng càng nhiều càng tốt.
Bạn sẽ được thảo luận với một nhóm các bác sĩ và y tá trong việc lên kế hoạch cho các mục tiêu điều trị và chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần nhiều nhất có thể.
Các giai đoạn của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có 4 giai đoạn và mức độ thông khí của phổi hạn chế hơn qua từng giai đoạn.
Các tổ chức khác nhau có thể định nghĩa từng giai đoạn COPD khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các phân loại dựa vào xét nghiệm chức năng phổi được gọi là xét nghiệm FEV1. Đây là thể tích không khí thở ra từ phổi trong một giây.
Kết quả của xét nghiệm này biểu thị bằng phần trăm và đo thể tích không khí bạn có thể thở ra gắng sức trong giây đầu tiên. Sau đó, kết quả được so sánh với chỉ số của người khỏe mạnh ở độ tuổi tương tự.
Theo hiệp hội Sáng kiến toàn cầu cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (GOLD) năm 2018, các giai đoạn và mức độ tắc nghẽn đường thở của bệnh nhân COPD như sau:
Giai đoạn | Tên gọi | Giá trị FEV1 (%) |
1 | COPD nhẹ | ≥ 80% so với trị số lý thuyết |
2 | COPD trung bình | 50% ≤ FEV1 < 80% trị số lý thuyết |
3 | COPD nặng | 30% ≤ FEV1 < 50% trị số lý thuyết |
4 | COPD rất nặng hoặc COPD giai đoạn cuối | < 30% trị số lý thuyết |
Các giai đoạn đầu COPD có thể không kèm theo các triệu chứng mạn tính như tăng sản xuất chất nhầy, khó thở khi cố gắng thở gắng sức, ho mạn tính. Những triệu chứng này xuất hiện phổ biến hơn ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối.
Ngoài ra, GOLD cũng phân loại bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thành các nhóm A, B, C hay D. Các nhóm được phân chia bởi mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, mức độ bệnh can thiệp vào cuộc sống hàng ngày cũng như các đợt cấp tính bùng phát nghiêm trọng.
Các đợt trầm trọng là giai đoạn mà các triệu chứng trở nên tồi tệ rõ rệt, như ho nặng hơn, tăng đờm có màu vàng hoặc xanh lá cây, thở khò khè nhiều hơn và nồng độ oxy trong máu giảm thấp.
Triển vọng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối
Khi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối, bạn có khả năng cần bổ sung oxy để thở và thực hiện các hoạt động hàng ngày, kèm theo mệt mỏi. Tình trạng bệnh đột ngột xấu đi ở giai đoạn này có thể đe dọa đến tính mạng.
Mặc dù việc xác định giai đoạn và cấp độ của COPD sẽ giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, song bác sĩ cũng sẽ để ý đến những vấn đề sau.
Cân nặng
Thừa cân có thể làm cho việc thở trở nên khó khăn hơn nếu bạn bị COPD, nhưng những người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối thường bị thiếu cân. Lý do là vì ngay cả hành động ăn uống cũng khó khăn hơn.
Ngoài ra, ở giai đoạn này, cơ thể bạn sử dụng rất nhiều năng lượng chỉ để thở đủ. Điều này dẫn đến giảm cân nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn.
Khó thở khi hoạt động
Bác sĩ sẽ xem xét mức độ bạn bị hụt hơi khi đi bộ hoặc thực hiện các hoạt động thể chất khác, từ đó giúp xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Quãng đường đi được trong 6 phút
Khả năng bạn đi được bao xa trong thời gian 6 phút sẽ thể hiện mức độ COPD có nghiêm trọng hay không.
Tuổi tác
COPD sẽ tiến triển nghiêm trọng và có xu hướng trở nên tệ hơn sau nhiều năm, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Tiếp xúc với ô nhiễm không khí
Tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm hay hít khói thuốc lá thụ động sẽ phá hủy đường thở.
Theo một nghiên cứu năm 2009, hút thuốc làm tuổi thọ những người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối giảm xuống gần 6 năm.
Đến gặp bác sĩ thường xuyên
Tiên lượng của bạn có thể tốt hơn nếu bạn tuân thủ theo các liệu pháp y tế được đề nghị, khám và tái khám theo lịch trình cũng như thông báo cho bác sĩ về bất kỳ thay đổi nào trong các triệu chứng hoặc tình trạng bệnh.
Bạn nên theo dõi các triệu chứng và chức năng phổi thường xuyên.
Đối mặt với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bạn có thể hỏi thăm những người cũng mắc COPD để có được kinh nghiệm quý giá, chẳng hạn như phản hồi về các loại điều trị khác nhau mà bạn phải sử dụng.
Duy trì chất lượng cuộc sống là rất quan trọng khi mắc phải bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Có những phương pháp thay đổi lối sống bạn có thể thực hiện, ví dụ như kiểm tra chất lượng không khí và thực hành các bài tập thở. Tuy nhiên, khi COPD đã tiến triển nghiêm trọng, bạn có thể nhận được chăm sóc giảm nhẹ.