Nhiễm trùng máu là căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng toàn thân và có khả năng gây tử vong cao. Bệnh dẫn đến một loạt vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể như tổn thương mô, hạ huyết áp và suy đa tạng.
Nguồn gốc của nhiễm trùng máu là nhiễm trùng đơn thuần, sau đó tiến triển thành nhiễm trùng máu và cuối cùng là sốc nhiễm trùng. Sốc nhiễm trùng là giai đoạn nghiêm trọng nhất với tỷ lệ tử vong lên đến hơn 50%.
Những nguy cơ gây nhiễm trùng máu
Bất kỳ một nhiễm trùng nào dù nhỏ như vết xước, đứt tay, vết cắn động vật, vết loét do mụn… đến nghiêm trọng hơn như viêm phổi, viêm màng não, viêm đường tiết niệu… cũng đều gây nguy cơ nhiễm trùng máu. Thế nhưng, không phải lúc nào bạn cũng dễ bị nhiễm trùng máu. Một số người sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn người khác. Họ là:
- Trẻ sơ sinh
- Người trên 75 tuổi
- Người có hệ miễn dịch yếu
- Người mắc bệnh tiểu đường
- Những người đang hóa trị
- Phụ nữ mới sinh con hoặc mới mang thai (bao gồm cả những người đã bị sảy hoặc phá thai)
- Những người thực hiện phẫu thuật gần đây
Trẻ em có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn khi chúng sinh non hoặc người mẹ bị nhiễm trùng trong lúc mang thai.
Các giai đoạn của nhiễm trùng máu
Nhiễm trùng máu được chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Hội chứng đáp ứng viêm toàn thân (SIRS)
Hội chứng đáp ứng viêm toàn thân (SIRS) là tình trạng viêm ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể nhằm chống lại tình trạng nhiễm trùng. Hội chứng này không phải là nhiễm trùng máu mà chỉ đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp giữa nhiễm trùng sang nhiễm trùng máu. Giai đoạn 1 thường kéo dài trong vòng 5 ngày với các biểu hiện như:
- Nhiệt độ cơ thể rất cao (hoặc rất thấp)
- Nhịp tim nhanh
- Thở gấp
- Số lượng bạch cầu trong cơ thể tăng cao (hoặc hạ thấp)
Các xét nghiệm chẩn đoán hội chứng đáp ứng viêm toàn thân là:
- Xét nghiệm công thức máu toàn bộ
- Nuôi cấy máu, nước tiểu, đờm, dịch ở vết thương (nếu có vết thương)
- Theo dõi chức năng gan
- Định lượng axit lactic
- Đo các khí máu
- Đo dịch não tủy
Việc điều trị SIRS chủ yếu là dùng kháng sinh để giải quyết nguyên nhân gây ra bệnh.
Giai đoạn 2: Nhiễm trùng máu
Ở giai đoạn 2, các rối loạn chức năng của cơ thể bắt đầu xảy ra, dẫn đến những triệu chứng:
- Giảm lượng nước tiểu
- Tinh thần bất ổn
- Giảm số lượng tiểu cầu trong máu
- Khó thở
- Chức năng bơm máu bất thường
- Đau bụng
- Hạ huyết áp
- Giảm tưới máu (giảm lưu lượng máu qua các cơ quan)
Giai đoạn 2 sẽ bắt đầu từ ngày thứ 5 và kéo dài đến ngày thứ 15.
Ngày nay, với sự hỗ trợ của các thuốc mới cũng như trang thiết bị y tế hiện đại, việc điều trị nhiễm trùng máu không còn quá khó khăn. Phương pháp điều trị chính vẫn là loại bỏ nhiễm trùng bằng nhiều cách, trong đó thông dụng nhất vẫn là dùng kháng sinh.
Khi dùng kháng sinh, bệnh nhân cần cấy máu để xác định loại vi khuẩn gây ra bệnh, từ đó tìm ra loại thuốc phù hợp nhất.
Các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng máu phổ biến gồm vi khuẩn gram âm, vi khuẩn gram dương và vi khuẩn kỵ khí. Vi khuẩn gram âm chủ yếu là vi khuẩn đường ruột như Salmonella, Escherichia coli, Klebsiella, Serratia… Vi khuẩn gram dương thường gặp là Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus, Streptococcus suis… Vi khuẩn kỵ khí thường gặp là Clostridium perfringens và Bacteroides fragilis.
Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn sẽ được cho dùng các kháng sinh phổ rộng trước khi có kết quả xét nghiệm để tránh trường hợp điều trị muộn.
Giai đoạn 3: Sốc nhiễm trùng
Sốc nhiễm trùng là giai đoạn nặng nhất của nhiễm trùng máu. Sốc nhiễm trùng xảy ra khi nhiễm trùng máu nặng gây hạ huyết áp đến mức thấp nhất, dẫn đến suy đa tạng và tử vong.
Cách điều trị cho bệnh nhân trong giai đoạn này là:
- Truyền dịch
- Dùng thuốc vận mạch
- Dùng kháng sinh
- Dùng thuốc hydrocortisone
- Kiểm soát lượng đường trong máu
- Thông khí nhân tạo, dùng liệu pháp oxy cao áp
- Phẫu thuật cắt bỏ ổ nhiễm trùng
- Lọc máu liên tục
Sốc nhiễm trùng có nguy cơ tử vong cao nhất, ước tính dao động từ 30-50%. Giai đoạn 3 bắt đầu từ ngày thứ 15 cho đến khi kết thúc bệnh (chữa khỏi hoặc tử vong).
Cách phòng tránh bệnh nhiễm trùng máu
- Tiêm phòng: 35% các trường hợp nhiễm trùng máu bắt nguồn từ nhiễm trùng phổi. Tiêm phòng bệnh cúm hàng năm sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp dẫn đến nhiễm trùng phổi. Từ đó, khả năng bị nhiễm trùng máu của bạn cũng giảm xuống.
- Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu kịp thời: 1/4 các trường hợp nhiễm trùng máu là do nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Vậy nên, khi có các dấu hiệu như nóng rát khi đi tiểu, nước tiểu sậm màu hoặc có máu trong nước tiểu, bạn nên đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị ngay lập tức, tránh dẫn đến biến chứng nhiễm trùng máu trong tương lai.
- Làm sạch vết thương đúng cách: Cứ 10 trường hợp nhiễm trùng máu thì có 1 trường hợp bắt nguồn từ da. Vì vậy, chăm sóc vết thương đầy đủ và đúng cách cũng giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng máu.
- Tránh nhiễm trùng bệnh viện: Có rất nhiều tình trạng nhiễm trùng bắt nguồn từ bệnh viện. Do đó, bác sĩ hoặc y tá khi chăm sóc cho bệnh nhân cần hết sức cẩn thận.