Loãng xương là gì?
Loãng xương là một bệnh mất xương tiến triển theo thời gian làm tăng nguy cơ gãy xương.
Bệnh thường không được chú ý phát hiện trong nhiều năm vì không có triệu chứng hoặc khó chịu gì cho đến khi gãy xương xảy ra. Loãng xương thường làm giảm chiều cao và gây còng lưng nghiêm trọng.
Loãng xương (Nguồn ảnh: coconutcreamcare.com)
Tại sao chúng ta phải quan tâm đến loãng xương ?
Loãng xương là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Hiện nay ước tính có hơn 200 triệu người trên thế giới bị loãng xương bao gồm khoảng 30% phụ nữ sau mãn kinh ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Tình trạng lão hóa dân số trên thế giới cũng là nguyên nhân chính cho sự gia tăng đáng kể tỷ lệ mắc bệnh loãng xương sau mãn kinh ở phụ nữ.
Cứ một trong hai phụ nữ và một trong bốn đàn ông lớn hơn 50 tuổi bị gãy xương do loãng xương. Nhiều trường hợp gãy xương do loãng xương kèm đau đớn xảy ra ở đùi, cột sống, cổ tay, cánh tay, và chân sau khi bị té ngã. Tuy nhiên, ngay cả làm những việc nhà đơn giản cũng có thể dẫn đến gãy xương của cột sống nếu xương đã bị yếu trước đó do loãng xương.
Gãy xương đùi là gãy xương do loãng xương gây hậu quả nghiêm trọng và nặng nề nhất cho bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân sau gãy xương đùi, dù trước đó sống độc lập, sẽ phải cần sự giúp đỡ từ các thành viên khác trong gia đình hoặc chăm sóc tại nhà. Tất cả các bệnh nhân gãy xương đùi cần có sự giúp đỡ để đi lại được cho một vài tháng. Gần một nửa bệnh nhân sẽ vĩnh viễn cầm gậy hoặc thiết bị hỗ trợ để di chuyển trong nhà hoặc đi ra ngoài. Gãy xương đùi cũng gây nhiều tốn kém cho bệnh nhân và gia đình.
Nguyên nhân gây loãng xương ?
Các bác sĩ không biết nguyên nhân chính xác của bệnh loãng xương, nhưng họ đã xác định nhiều yếu tố quan trọng có thể dẫn đến căn bệnh này.
Lão hóa
Tất cả mọi người đều bị mất xương theo tuổi tác. Sau 35 tuổi, cơ thể chúng ta dần tạo ra xương mới ít hơn để thay thế các xương cũ bị mất đi. Nói chung, tuổi càng cao thì tổng khối lượng xương của bạn càng giảm và nguy cơ gãy xương do loãng xương càng cao.
Di truyền
Tiền căn gia đình bị gãy xương, cơ thể nhỏ và thanh mảnh, làn da trắng và sắc dân Châu Âu hoặc Châu Á làm tăng nguy cơ loãng xương. Yếu tố di truyền cũng giúp giải thích tại sao một số người phát triển bệnh loãng xương sớm hơn người khác.
Dinh dưỡng và lối sống
Dinh dưỡng kém bao gồm một chế độ ăn uống ít Canxi, trọng lượng cơ thể thấp, và một lối sống ít vận động đều làm tăng nguy cơ loãng xương. Ngoài ra hút thuốc và uống rượu quá mức cũng là một nguy cơ gây bệnh.
Thuốc và bệnh tật khác
Loãng xương cũng có liên quan đến việc sử dụng một số loại thuốc bao gồm thuốc chứa Steroid, và các căn bệnh khác trong đó có một số bệnh tuyến giáp.
Những gì tôi có thể làm để ngăn ngừa loãng xương hoặc tránh loãng xương nặng hơn?
Để ngăn ngừa, làm chậm tiến triển của loãng xương và bảo vệ mình khỏi gãy xương thì bạn nên có một chế độ ăn uống đầy đủ Canxi, Vitamin D, tập luyện thể dục thường xuyên.
Canxi
Trong những năm đầu phát triển, cơ thể chúng ta cần Canxi để xây dựng xương chắc khoẻ và tạo nguồn dự trữ Canxi khi cần. Xây dựng khối lượng xương đầy đủ khi còn trẻ là một đầu tư tốt cho tương lai của chúng ta. Vì nếu không cung cấp đầy đủ Canxi trong quá trình phát triển sẽ làm tăng khả năng phát triển của bệnh loãng xương sau này trong cuộc sống.
Bất kể tuổi tác hay tình trạng sức khỏe, bạn luôn cần canxi để giữ cho xương của mình khỏe mạnh. Canxi là một dưỡng chất thiết yếu ngay cả sau thời kỳ tăng trưởng bởi vì cơ thể chúng ta tiếp tục bị mất canxi mỗi ngày. Mặc dù không thể ngăn ngừa sự mất xương dần dần sau thời kỳ mãn kinh. Nhưng Canxi vẫn tiếp tục đóng một vai trò thiết yếu trong việc duy trì chất lượng xương. Ngay cả khi phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh hoặc đã có loãng xương, tăng lượng canxi và vitamin D cung cấp cho cơ thể cũng làm giảm nguy cơ gãy xương .
Lượng canxi chúng ta cần bao nhiêu mỗi ngày phụ thuộc vào tuổi và các yếu tố khác. Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoa Kỳ đưa ra khuyến cáo lượng canxi cung cấp hàng ngày như sau:
+ Trẻ em nam và nữ 0-6 tháng: 200 mg mỗi ngày
+ Trẻ em nam và nữ 7-12 tháng: 260 mg mỗi ngày
+ Trẻ em nam và nữ 1-3 tuổi: 700 mg mỗi ngày
+ Trẻ em nam và nữ 4-8 tuổi: 1.000 mg mỗi ngày
+ Thiếu niên nam và nữ 9-18 tuổi: 1.300 mg mỗi ngày
+ Phụ nữ và nam giới 19-50 tuổi: 1.000 mg mỗi ngày
+ Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú 14-18 tuổi: 1.300 mg mỗi ngày
+ Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú 19-50 tuổi: 1.000 mg mỗi ngày
+ Phụ nữ và nam giới trên 50 tuổi: 1.200 mg mỗi ngày
Các sản phẩm sữa, trong đó có sữa chua và pho mát, là nguồn cung cấp Canxi rất tốt. Một ly sữa 250ml có chứa khoảng 300 mg canxi. Các loại thực phẩm giàu canxi khác bao gồm cá mòi và các loại rau có lá xanh bao gồm bông cải xanh và rau xanh.
Nếu chế độ ăn uống không chứa đủ lượng canxi, bạn cần bổ sung thêm canxi vào chế độ ăn. Bạn cần nói chuyện với bác sĩ trước khi uống bổ sung thêm canxi.
Vitamin D
Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi. Liều lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể chúng ta mỗi ngày là 200-600 IU (đơn vị quốc tế). Các sản phẩm sữa cũng là một nguồn bổ sung tuyệt vời vitamin D với một ly sữa trung bình có chứa 100 IU vitamin D. Việc bổ sung vitamin D nên được thực hiện nếu chế độ ăn uống của bạn không chứa đủ vitamin D. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng vitamin D bổ sung vì quá nhiều vitamin D có thể gây độc cho cơ thể.
Tập thể dục thường xuyên
Giống như cơ bắp, xương cũng cần tập thể dục để khỏe mạnh. Ở bất cứ độ tuổi nào, việc tập thể dục không những giúp giảm thiểu mất xương mà còn có nhiều lợi ích sức khỏe khác. Các bác sĩ tin rằng một chương trình tập thể dục thường xuyên vừa phải (3-4 lần một tuần) có hiệu quả để phòng ngừa và làm chậm quá trình loãng xương. Các bài tập vận động cơ thể như đi bộ, chạy bộ ngoài trời hay trên máy, đi bộ đường dài, leo cầu thang, khiêu vũ, cử tạ là tốt nhất. Té ngã gây ra 50% gãy xương do loãng xương, vì vậy ngay cả khi bạn có mật độ xương thấp, bạn có thể ngăn ngừa gãy xương nếu bạn tránh bị té ngã. Chương trình tập luyện chú trọng vào cân bằng cơ thể như dưỡng sinh nên được chú trọng. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào.
Làm thế nào để chẩn đoán loãng xương ?
Chẩn đoán loãng xương thường được thực hiện bởi bác sĩ dựa trên sự kết hợp giữa bệnh sử và khám lâm sàng, chụp X-quang xương, đo mật độ xương và các xét nghiệm chuyên khoa khác. Sau khi chẩn đoán bạn có khối lượng xương thấp, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm bổ sung khác để loại trừ khả năng các bệnh khác có thể gây mất xương bao gồm nhuyễn xương (osteomalacia) hoặc cường tuyến cận giáp.
Đo mật độ xương là một kỹ thuật chụp X-quang an toàn và không đau để so sánh mật độ xương của bạn với mật độ xương trung bình mà một người cùng giới tính và dân tộc với bạn đạt được ở độ tuổi 20 đến 25 (T-score, không dùng cho trẻ em) hoặc ở cùng độ tuổi với bạn (Z-score). Theo Tổ Chức Y tế Thế Giới, T-score có giá trị:
+ Từ -1.0 trở lên: xương bình thường
+ Giữa -1.0 đến -2.5: thiếu xương
+ Từ -2.5 trở xuống: loãng xương
Đo mật độ xương thường được thực hiện ở những phụ nữ mãn kinh. Ngày nay, có nhiều kỹ thuật đo mật độ xương được sử dụng để phát hiện mất xương ở các vùng khác nhau của cơ thể. Đo hấp thụ tia X năng lượng kép DEXA (dual-energy X-ray absorptiometry) hoặc đo đậm độ xương là một trong những phương pháp chính xác nhất, nhưng các kỹ thuật khác cũng có thể giúp xác định loãng xương, bao gồm đo hấp thụ photon năng lượng đơn/ kép (single/dual- photon absorptiometry), chụp cắt lớp điện toán định lượng (quantitative computed tomography), đo hấp thu tia X bằng hình X quang và siêu âm. Bác sĩ sẽ xác định phương pháp tốt nhất cho bạn.
Xem thêm bài Đo đậm độ xương của BS. Lâm Xuân NhãLàm thế nào điều trị bệnh loãng xương?
Vì xương khi bị mất đi theo thời gian nên việc điều trị loãng xương tập trung vào việc phòng chống mất xương nhiều và nhanh hơn. Điều trị thường cần sự hợp tác giữa các bác sĩ nội khoa, chấn thương chỉnh hình, phụ khoa và nội tiết với nhau.
Mặc dù tập thể dục và liệu pháp dinh dưỡng là phương pháp chính của việc điều trị loãng xương, còn có nhiều phương pháp điều trị khác như:
Liệu pháp estrogen thay thế
Liệu pháp thay thế Estrogen (ERT) thường được khuyến cáo dùng cho phụ nữ có nguy cơ cao bệnh loãng xương để ngăn ngừa mất xương và giảm nguy cơ gãy xương. Đo mật độ xương khi mãn kinh bắt đầu có thể giúp bạn quyết định ERT có phù hợp với bạn không. Nội tiết tố Estrogen cũng giúp ngăn ngừa bệnh tim, cải thiện chức năng nhận thức, và cải thiện chức năng tiết niệu. Tuy nhiên, ERT không phải không có rủi ro, bao gồm nguy cơ ung thư vú. Vì vậy, cần cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích của ERT với bác sĩ của bạn.
Chọn lọc điều hòa thụ thể estrogen
Phương pháp mới này vừa giúp làm tăng khối lượng xương, giảm nguy cơ gãy xương cột sống và đồng thời giảm nguy cơ ung thư vú trên bệnh nhân nữ.
Calcitonin
Calcitonin là một loại thuốc được sử dụng để làm giảm mất xương dưới dạng thuốc xịt mũi giúp làm tăng khối lượng xương noi chung, hạn chế gãy xương cột sống và giảm triệu chứng đau.
Bisphosphonates
Bisphosphonates (bao gồm Alendronate) giúp làm tăng khối lượng xương và có tác dụng tốt giúp ngăn chặn gãy xương cột sống cũng như gãy xương đùi.
Các phương pháp trên cung cấp bệnh nhân bị loãng xương một cơ hội để không chỉ làm tăng khối lượng xương mà còn làm giảm đáng kể nguy cơ gãy xương. Việc phòng ngừa loãng xương bao giờ cũng tốt hơn là chờ đợi cho đến khi điều trị là cần thiết.
Xem thêm bài Loãng xương : Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa của TS.BS Phạm Nguyên QúyTài liệu tham khảo