Tìm hiểu chung
Viêm gân cơ quay khớp vai là bệnh gì?
Viêm gân cơ quay khớp vai là viêm các gân tại chóp xoay vai. Vai có phạm vi di chuyển lớn hơn tất cả các khớp khác và cũng thường bị chấn thương hơn.
Cơ delta lớn và khỏe cung cấp nhiều lực cho các cử động của vai nhất. Bên dưới cơ này là bốn cơ quay khớp vai. Chúng được gắn vào xương bởi dây chằng. Cơ quay khớp vai được làm từ những cơ và dây chằng này. Chúng gắn cánh tay và khớp vai với nhau và cho phép cánh tay chuyển động.
Viêm kéo dài hoặc chấn thương có thể khiến gân cơ quay khớp vai của bạn bị rách.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm gân cơ quay khớp vai là gì?
Nếu bạn bị viêm gân cơ quay khớp vai, bạn sẽ có triệu chứng chủ yếu là đau vai, đặc biệt là khi giơ tay cao sang một bên. Bạn sẽ đau nhiều hơn khi thực hiện các hoạt động phải đưa tay cao hơn đầu như chải tóc. Cánh tay và vai bị tác động cũng có thể cảm thấy yếu.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Khi bạn gặp phải các triệu chứng như trên nên tìm gặp bác sĩ để có sự tư vấn và điều trị tốt nhất, đặc biệt nếu bạn bị chấn thương vùng vai. Nếu bạn có cơn đau kéo dài hơn vài tuần, bạn cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị tốt nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra viêm gân cơ quay khớp vai?
Nguyên nhân gây ra viêm gân cơ quay khớp vai thường là do tham gia chơi các môn thể thao đòi hỏi các hoạt động vung tay qua đầu lặp đi lặp lại như bóng chày, bơi, nâng tạ và tennis. Trong một số công việc như sơn nhà và nghề mộc, cánh tay phải nâng lên hạ xuống thường xuyên. Chuyển động này gây áp lực lên vai của bạn, từ đó gây viêm các cơ và dây chằng.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải viêm gân cơ quay khớp vai?
Viêm gân cơ quay khớp vai khá phổ biến, tuy nhiên bệnh thường xảy ra nhiều ở những người trên 40 tuổi hoặc người sử dụng hoạt động cánh tay quá nhiều và lặp đi lặp lại.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm gân cơ quay khớp vai?
Các yếu tố sau sẽ khiến bạn tăng nguy cơ mắc viêm gân cơ quay khớp vai:
- Độ tuổi: càng lớn tuổi, bạn càng dễ có nguy cơ bị viêm gân cơ quay khớp vai, đặc biệt là độ tuổi trên 40.
- Một số hoạt động thể thao: thường xảy ra ở các vận động viên thường xuyên chuyển động cánh tay để thi đấu, chẳng hạn như người giao bóng chày, người bắn cung và người chơi tennis.
- Công việc trong lĩnh vực xây dựng: điển hình như thợ mộc hay thợ sơn nhà, công việc của họ đòi hỏi phải di chuyển cánh tay lặp lại, thường là quá đầu, dần theo thời gian sẽ dẫn đến viêm gân cơ quay khớp vai.
- Tiền sử bệnh lý của gia đình: bệnh cũng có thể liên quan đến yếu tố di truyền.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm gân cơ quay khớp vai?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán từ tiền sử bệnh và khám sức khỏe cho bạn. Bác sĩ thường tìm ra vấn đề bằng cách chỉnh các cử động của vai để biết cử động nào gây đau đớn. Bác sĩ sẽ kiểm tra vai và lưng và cho cánh tay di chuyển theo nhiều cách. Chụp cộng hưởng từ (MRI) vai có thể giúp ích nếu bác sĩ nghĩ rằng có vết rách ở cơ quay khớp vai.
Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm gân cơ quay khớp vai?
Trước hết, bệnh nhân nên thử dùng các phương pháp điều trị như nghỉ ngơi, dùng thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen và hạn chế các hoạt động gây ra cơn đau. Nếu các phương pháp này không hiệu quả, bệnh nhân có thể cần áp dụng vật lý trị liệu để duy trì sự linh hoạt của vai.
Nếu tất cả các cách trên đều không thể giúp làm giảm đau, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để điều trị. Phẫu thuật thường chỉ được dùng cho các cơn đau nghiêm trọng khi các phương pháp khác không có tác dụng.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm gân cơ quay khớp vai?
Những thói quen sinh hoạt sau sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm gân cơ quay khớp vai:
- Để tay và vai nghỉ ngơi. Đôi lúc đó là tất cả những gì bạn cần làm để giúp cho quá trình phục hồi. Cố gắng làm việc bằng cánh tay không bị ảnh hưởng.
- Dùng thuốc giảm đau không kê toa nếu cần.
- Gọi bác sĩ nếu cơn đau làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và không thể kiểm soát bằng thuốc không kê toa.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.