Chứng gai đen là một rối loạn sắc tố da khá phổ biến, thế nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng hiểu rõ về căn bệnh này.
Bé Minh Ngọc (7 tuổi) vốn rất khỏe mạnh, hoạt bát nhưng dạo gần đây, mẹ bé phát hiện phần da ở cổ bỗng nhiên đen sì. Nghĩ rằng bé nghịch ngợm nên bị bẩn, chị đưa bé đi tắm nhưng dù kì cọ thế nào những vết bẩn này cũng không biến mất.
Sợ rằng bé có vấn đề về sức khỏe, mẹ bé đã đưa bé đến bệnh viện kiểm tra nhưng bác sĩ kết luận cô bé chỉ đơn giản mắc phải chứng gai đen. Thế nhưng, gai đen là bệnh gì và chứng bệnh này có nguy hiểm không? Nếu bạn đang có những thắc mắc này, hãy xem tiếp những chia sẻ sau của Chúng tôi nhé.
Gai đen là bệnh gì?
Gai đen là tình trạng da đổi màu sạm, bề mặt mượt như nhung ở một số vùng da nếp gấp trên cơ thể như khuỷu tay, nách, cổ, xung quanh vùng háng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, khớp ngón tay. Một số người còn có thể bị ở chân, tay và mặt. Chứng gai đen không phải là một căn bệnh truyền nhiễm. Trẻ có thể cảm thấy ngứa ở vùng da bị đen hoặc vùng da này có thể có mùi nhẹ.
Nguyên nhân gây ra chứng gai đen
Theo các bác sĩ, gai đen không phải là một chứng bệnh nghiêm trọng và cũng không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống đời thường nhưng nó lại là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh nguy hiểm. Bệnh gai đen thường có liên quan đến:
- Di truyền: Đây có thể là lý do khiến một số bé khỏe mạnh bị bệnh gai đen.
- Rối loạn nội tiết: Chứng gai đen thường xuất hiện ở những trẻ bị các rối loạn như suy tuyến giáp, u nang buồng trứng và các vấn đề về liên quan đến tuyến thượng thận.
- Kháng insulin: Trẻ sẽ có nguy cơ mắc chứng gai đen cao nếu bị đái tháo đường tuýp 2.
- Béo phì: Trẻ béo phì không chỉ có nguy cơ bị bệnh gai đen mà còn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, béo phì còn làm tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn về da.
- Ung thư: Bệnh gai đen có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh u lympho hoặc khi khối ung thư bắt đầu phát triển trong cơ quan nội tạng như dạ dày, đại tràng hoặc gan.
- Thuốc: Việc sử dụng liệu pháp hormone và corticosteroid cũng có thể khiến trẻ bị chứng gai đen.
Triệu chứng của bệnh gai đen
Theo kidhealth.org các triệu chứng của bệnh gai đen rất dễ phát hiện. Khi mắc phải chứng bệnh này, một số vùng da nếp gấp trên cơ thể sẽ bị sạm đen, dày lên và mềm mịn hơn những vùng da khác. Triệu chứng này có thể xuất hiện dần dần trong một khoảng thời gian hoặc đột ngột xuất hiện.
Chẩn đoán chứng gai đen ở trẻ nhỏ
Bác sĩ sẽ chẩn đoán chứng gai đen thông qua việc quan sát những thay đổi trên da. Nếu cần thiết, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn cho trẻ thực hiện một số xét nghiệm thông thường như chụp X-quang, xét nghiệm máu và nội soi để xác định nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn cho bé sinh thiết da để xác định chính xác nguyên nhân.
Điều trị chứng gai đen ở trẻ nhỏ như thế nào?
Để điều trị chứng bệnh này, việc quan trọng nhất là phải xác định được nguyên nhân gây bệnh. Một khi giải quyết được nguyên nhân thì chứng bệnh này cũng “tự động” biến mất:
- Nếu nguyên nhân gây ra bệnh là do béo phì thì giảm cân chính là phương pháp tốt nhất để cải thiện tình trạng này. Bạn nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm tốt cho sức khỏe như: rau xanh, trái cây, tránh các loại đồ ăn vặt và thường xuyên tập thể dục.
- Nếu nguyên nhân là do thuốc, bạn hãy ngưng cho bé dùng và đưa bé đi khám. Bác sĩ có thể cho bé dùng một số loại thuốc khác phù hợp hơn.
- Điều trị các bệnh gây ra chứng gai đen như đái tháo đường hoặc ung thư cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng.
- Sử dụng thuốc mỡ có chứa ammonium lactate cũng có thể làm cho vùng da bị ảnh hưởng bớt sạm đen hơn.
Chăm sóc trẻ bị chứng gai đen như thế nào?
Sự xuất hiện của các mảng da tối, dày có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti, xấu hổ với mọi người. Là cha mẹ, bạn cần tìm cách để giúp con vượt qua điều này:
- Bạn chỉ nên cho bé bôi các loại thuốc mà bác sĩ chỉ định, đừng tự ý thoa bất kỳ loại kem hoặc mỹ phẩm nào bởi việc này có thể khiến các triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Giải thích cho bé hiểu về chứng bệnh này. Nếu có bạn bè hỏi, hãy khuyến khích bé chia sẻ vì khi những đứa trẻ khác hiểu rõ, chúng sẽ không còn tò mò hay trêu ghẹo trẻ nữa.
- Dạy trẻ tầm quan trọng của một lối sống lành mạnh.
Qua những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã có thêm một số thông tin hữu ích về chứng gai đen ở trẻ em. Nếu vẫn còn thắc mắc, bạn nên đến gặp bác sĩ để xin lời khuyên nhé.
Ngân Phạm/ HELLO BACSI