Liệu pháp xông hơi đã xuất hiện từ lâu với khả năng hoạt động như một cách trị liệu vật lý hiệu quả cho cả thể chất và tinh thần. Ở một số quốc gia, ví dụ như Phần Lan, tắm hơi hàng tuần là một thói quen tốt có lợi cho sức khỏe.
Ngày nay, xông hơi đang dần trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam. Bạn không chỉ cảm thấy sảng khoái tức thời mà còn nhận được nhiều lợi ích về mặt sức khỏe khác nhờ liệu pháp xông hơi.
Vậy, bạn đã biết gì về phương pháp này rồi? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Các loại phòng xông hơi
Dựa theo cơ chế hoạt động, các chuyên gia thường chia kiểu phòng xông hơi thành ba loại gồm:
- Xông hơi khô: phòng tắm hơi được thiết kế dựa trên phòng tắm hơi truyền thống của Phần Lan. Độ ẩm trong đây rất thấp nhưng nhiệt độ thì ngược lại (80–100ºC).
- Xông hơi ướt: độ ẩm cao và nhiệt độ thấp hơn so với phòng xông hơi khô. Tuy nhiên, liệu pháp này gây căng thẳng và khiến người thực hiện khó tiếp nhận hơn.
- Xông hơi hồng ngoại: phòng xông hơi sử dụng tia hồng ngoại (ánh sáng có bước sóng dài) để tạo nhiệt.
Cơ thể bạn phản ứng với liệu pháp xông hơi như thế nào?
Thực tế, quá trình “làm mát” cơ thể bằng cách đổ mồ hôi không thể nào chống lại sức nóng từ liệu pháp xông hơi. Do đó, tùy thuộc vào độ ẩm, nhiệt độ hiện tại và thời gian xông hơi, lúc này cơ thể bạn có khả năng sẽ:
- Tăng nhiệt độ ở miệng từ 1–3ºC
- Tăng nhiệt độ trực tràng lên 0,9ºC
- Tăng nhịp tim lên đến 130%
Nhờ vậy, cung lượng tim cũng sẽ tăng theo. Đồng thời, khi đó huyết áp sẽ có xu hướng hạ xuống.
Ngoài ra, hệ nội tiết còn phản ứng với nhiệt độ cao bằng cách gia tăng một số hormone, chẳng hạn như:
- Beta-endorphin chịu trách cho các hiệu ứng giảm đau xảy ra
- Norepinephrine đẩy nhanh tốc độ đập của tim
Những lợi ích sức khỏe của liệu pháp xông hơi mà không phải ai cũng biết
Các tác động sinh lý từ phòng xông hơi đem lại rất nhiều ích lợi sức khỏe, bao gồm:
Tăng cường miễn dịch
Xông hơi có khả năng kích thích hoạt động của hệ miễn dịch bằng cách gia tăng số lượng của các tế bào bạch cầu, ví dụ như:
- Bạch cầu trung tính (neutrophil)
- Bạch cầu ái kiềm (basophil)
- Bạch cầu lympho (lymphocyte)
Điều này cũng đồng nghĩa với khả năng mắc bệnh của cơ thể cũng giảm bớt.
Theo kết quả từ một cuộc nghiên cứu kéo dài trong nửa năm, người thường xông hơi có số lần bị cảm lạnh ít hơn đáng kể so với người không áp dụng liệu pháp này trong cùng khoảng thời gian.
Hỗ trợ chống oxy hóa
Liệu pháp xông hơi cũng có thể làm giảm bớt tình trạng stress oxy hóa liên quan đến bệnh tim mạch, ung thư và bệnh thoái hóa.
Theo một số chuyên gia, tắm hơi sau 30 phút tập luyện aerobic sẽ giúp bạn thuyên giảm các dấu hiệu stress oxy hóa đáng kể.
Liệu pháp xông hơi có tác dụng bảo vệ tim mạch
Trước đây, người mắc bệnh tim mạch từng được khuyến cáo không nên áp dụng liệu pháp xông hơi. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, số lượng nghiên cứu chứng minh xông hơi là biện pháp an toàn cho người gặp vấn đề về tim đang ngày càng tăng.
Ví dụ, một nghiên cứu triển vọng năm 2015 đã theo dõi 2.315 đàn ông Phần Lan ở độ tuổi trung niên trong 20 năm. Kết quả cho thấy những người thường xuyên tắm hơi (4–7 lần mỗi tuần) có ít rủi ro tử vong đột ngột do vấn đề về tim mạch (đau tim, bệnh mạch vành…) hơn so với những người không hoặc ít áp dụng (2–3 lần/tuần).
Mặt khác, không ít nghiên cứu cũng cho thấy các lợi ích cho tim mạch mà liệu pháp xông hơi đã đem lại, đặc biệt là loại hình xông hơi hồng ngoại, bao gồm:
- Cải thiện phân suất tống máu thất trái
- Nâng cao khả năng chịu đựng
- Tăng cung lượng tim
- Tiên lượng tốt hơn người bị suy tim mãn tính
- Giảm thiểu stress oxy hóa
Duy trì chỉ số huyết áp ổn định
Oxit nitric là thành phần phổ biến trong thuốc giãn mạch. Loại hợp chất này có thể được tìm thấy nhiều trong liệu pháp xông hơi. Nhờ đó, các chuyên gia đánh giá tắm hơi hoàn toàn có khả năng duy trì chỉ số huyết áp trong phạm vi cho phép.
Theo kết quả từ một số nghiên cứu, xông hơi khoảng hai lần mỗi tuần liên tục trong 3 tháng có thể đưa chỉ số huyết áp ở nam giới từ 166/101mmHg xuống còn 143/92mmHg. Kết quả này hoàn toàn tương tự với hiệu quả khi dùng thuốc điều trị tăng huyết áp.
Bên cạnh đó, dù thói quen rèn luyện thể chất thường xuyên cũng hỗ trợ người bị cao huyết áp rất nhiều, nhưng việc phối hợp vận động và tắm hơi còn nâng cao hiệu quả đến bất ngờ, cụ thể là:
- Hạ huyết áp tâm trương nhiều hơn 1,8 lần so với tập thể dục đơn thuần
- Giảm huyết áp tâm thu nhiều hơn 3,3 lần so với vận động thông thường
Ngoài ra, cân nặng cũng như lượng mỡ trong cơ thể bạn cũng sẽ có những thay đổi tích cực.
Kiểm soát nồng độ lipid
Một ích lợi khác của liệu pháp xông hơi là cải thiện hàm lượng lipid trong cơ thể bạn:
- Ở nam giới: chỉ số cholesterol toàn phần và cholesterol “xấu” (LDL) giảm sau ba tuần xông hơi, đồng thời lượng huyết tương cũng tăng lên.
- Ở nữ giới: nồng độ cholesterol toàn phần cũng như LDL giảm tương tự như ở đàn ông. Không những thế, sau 14 ngày áp dụng liệu pháp xông hơi, chỉ số cholesterol “tốt” HDL ở phụ nữ có xu hướng tăng lên.
Tăng cường hiệu quả của việc tập luyện thể dục thể thao
Nhờ vào những tác động tích cực đến tim mạch, liệu pháp xông hơi còn có khả năng nâng cao hiệu suất tập luyện. Theo một nghiên cứu chéo, sau khi áp dụng biện pháp trên, khả năng chịu đựng cũng như số lượng hồng cầu của những người thường chạy bộ, đặc biệt là vận động viên điền kinh, tăng lên đáng kể.
Ngoài ra, xông hơi còn giúp vận động viên đua xe đạp tăng cường hiệu suất rèn luyện bằng cách tăng thể tích huyết tương, đồng thời phục hồi nhịp tim tốt hơn sau khi luyện tập.
Thải độc: tác dụng còn đang gây tranh cãi
Thông thường, cơ chế đào thải độc tố trong người bạn chủ yếu theo hai con đường là mồ hôi và nước tiểu. Bên cạnh đó, khi xông hơi, tuyến mồ hôi cũng tăng cường hoạt động nhằm “làm mát” cơ thể, đồng thời đối phó với nhiệt độ môi trường cao.
Vì vậy, một số chuyên gia tin rằng liệu pháp xông hơi cũng có khả năng giúp cơ thể loại bỏ các độc tố tích tụ bên trong. Tuy nhiên, giả thiết trên cần có nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn về cơ chế hoạt động trước khi có thể công bố rộng rãi.
Một số lợi ích sức khỏe khác của liệu pháp xông hơi
Ngoài những ích lợi được đề cập bên trên, liệu pháp xông hơi còn được đánh giá cao về những khả năng như:
- Giảm đau ở người mắc hội chứng đau cơ xơ hóa
- Thuyên giảm mệt mỏi, lo lắng và trầm cảm ở những người bị chứng mệt mỏi kinh niên
- Giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và mất trí nhớ
- Nâng cao tinh thần cũng như tâm trạng của người bị trầm cảm
- Cải thiện độ nhạy insulin
- Làm dịu các triệu chứng liên quan đến hệ hô hấp
Do đó, hiện nay, không ít bác sĩ khuyến khích người bệnh nên kết hợp xông hơi cùng các thói quen sinh hoạt lành mạnh, nhằm tăng cường hiệu quả nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đẩy lui bệnh tật.
Những đối tượng nào không nên áp dụng liệu pháp xông hơi?
Dù tắm hơi là phương pháp trị liệu hiệu quả, nhưng thực tế, không phải ai cũng có thể áp dụng biện pháp này. Những người cần hạn chế hoặc thậm chí tránh xa liệu pháp xông hơi gồm:
Phụ nữ mang thai
Mẹ bầu là đối tượng đầu tiên nên tránh xa phòng xông hơi. Mặc dù trong nhiều năm qua, không ít nghiên cứu đã đi đến kết luận tắm hơi không tác động đến sự phát triển của thai nhi nhưng một số chuyên gia cho rằng, phụ nữ mang thai ở giai đoạn đầu nếu tiếp xúc với liệu pháp này có nguy cơ làm tăng rủi ro phát triển khối u não ở bào thai.
Đàn ông đang muốn có con
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra áp dụng phương pháp xông hơi có nguy cơ ảnh hưởng tạm thời đến khả năng sinh sản ở nam giới do tác động đến tinh trùng về những khía cạnh như:
- Số lượng (ít hơn)
- Khả năng hoạt động (kém hiệu quả hơn)
- Tốc độ di chuyển trung bình (chậm hơn)
Mặc dù vấn đề trên chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, nhưng nếu bạn gặp khó khăn trong việc có con, hãy thử tạm thời ngưng thói quen này trong một quãng thời gian.
Người nhạy cảm với nhiệt độ
Thêm vào đó, người nhạy cảm với nhiệt độ cao, ví dụ như người mắc bệnh đa xơ cứng, nên tránh dùng phương pháp trị liệu này.
Người vừa uống rượu, bia
Mặt khác, người vừa dùng thức uống chứa cồn (bia, rượu…) không được vào phòng tắm hơi. Điều này có nguy cơ gây tử vong rất lớn.
Liệu pháp xông hơi giúp bạn cảm thấy thư thái về cả thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, việc tắm hơi quá lâu rất dễ gây phản tác dụng, khiến cơ thể chịu thêm áp lực nặng nề. Do đó, mỗi lần tắm hơi bạn chỉ nên thực hiện trong vòng 20–30 phút.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Mách bạn 5 bài tập cho người bệnh tim mạch
- Bí quyết giúp bạn thư giãn với phòng xông hơi ướt
- Bà bầu có nên xông hơi vùng kín không? 5 lưu ý khi xông cửa mình