Rách âm đạo khi sinh con là vấn đề phổ biến trong quá trình chuyển dạ nhằm giúp thiên thần nhỏ chào đời dễ dàng hơn. Để loại bỏ nỗi lo về vấn đề này, bạn cần biết tường tận về nó.
Mang thai và sinh con là một điều tuyệt vời. Tuy nhiên, vẫn có những điều không may có thể xảy ra trong quá trình sinh con. Một trong những số đó là rách âm đạo khi sinh con.
Rách âm đạo khi sinh con nghĩa là gì?
Rách âm đạo khi sinh con là một vết rách bất ngờ xảy ra ở vùng đáy chậu hay còn gọi là tầng sinh môn (khu vực ở giữa âm đạo và trực tràng) khi sinh con theo ngả âm đạo. Trong suốt quá trình sinh con, âm đạo phải kéo giãn đủ rộng để em bé có thể đi ra ngoài. Đối với một số phụ nữ, việc kéo giãn âm đạo sẽ không gây nên bất cứ vấn đề gì, nhưng cũng có người gặp phải tình huống rách âm đạo.
Hầu hết các bà mẹ sinh con đầu lòng đều có 95% khả năng gặp phải vấn đề này, vì các mô ở bộ phận sinh dục ít linh hoạt so với những bà mẹ đã từng sinh con. Những yếu tố khác góp phần khiến âm đạo bị rách là vì việc mẹ bầu quá cân hoặc chuyển dạ nhanh khiến các mô có rất ít thời gian để thích ứng và kéo giãn khi em bé đi ra ngoài. Ngôi thai cũng là một yếu tố góp phần gây nên tình trạng rách âm đạo, nhất là trong trường hợp thai ngôi mông với đầu hướng lên trên, mông hướng xuống dưới gây quá nhiều sức ép lên âm đạo của người mẹ.
Việc sử dụng máy hút, kẹp forceps hoặc thời gian chuyển dạ kéo dài có thể dẫn đến sưng âm đạo nặng làm tăng nguy cơ rách. Tuy nhiên, thông thường, sau khi sinh lần đầu tiên, âm đạo, mô của bạn sẽ trở nên linh hoạt hơn. Vì vậy, nguy cơ rách sẽ ít hơn.
Có những kiểu rách âm đạo nào?
Có 4 mức độ rách âm đạo, dù ở mức độ nào, bạn cũng đều cảm thấy rất đau. Bạn sẽ cần được khâu lại một số mũi và cơ co thắt hậu môn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Mức độ 1: Vết rách chỉ đến thành âm đạo, không ảnh hưởng đến phần cơ. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định khâu lại âm đạo bằng một vài mũi.
Mức độ 2: Đây là vết rách thường xuyên nhất, gây ảnh hưởng đến thành âm đạo và sâu hơn một chút vào mô của âm đạo. Bạn cần được khâu nhiều mũi hơn.
Mức độ 3: Vết rách đi sâu hơn vào âm đạo và các cơ thắt hậu môn. Các bác sĩ sẽ chỉ định khâu từng lớp riêng biệt, đặc biệt chú ý khâu kín lớp cơ hỗ trợ cơ thắt hậu môn.
Mức độ 4: Vết rách này đi sâu bao gồm toàn bộ các tình trạng của 3 mức độ ở trên và còn mở rộng qua thành ruột. Vết rách này cần được chữa trị cực kỳ tỉ mỉ và cẩn thận. Tình trạng này rất ít khi xảy ra. Mức độ 3 và 4 chỉ xảy ra khi vai của em bé bị mắc lại bên trong âm đạo của mẹ hoặc khi mẹ sinh con khó, cần phải hút và kẹp thai nhi.
Hồi phục như thế nào sau khi sinh con?
Nếu bạn chỉ bị rách âm đạo ở mức độ 1 hoặc 2, bạn sẽ cảm thấy khó chịu 1 – 2 tuần, đặc biệt là khi ngồi thẳng lưng. Ngoài ra, việc đi vệ sinh và làm những hành động gây áp lực xuống bộ phận dưới cơ thể như ho hoặc hắt hơi cũng gây đau. Vào tuần thứ hai, vết rách sẽ dần liền lại và chỉ khâu sẽ tự tan đi. Tuy nhiên, các dây thần kinh và sức lực của các cơ có thể mất thêm vài tuần để hồi phục như trước.
Đối với phụ nữ gặp phải tình trạng rách âm đạo ở mức độ 3 và 4, việc phục hồi phải mất nhiều thời gian hơn. Cảm giác đau nhức và khó chịu có thể kéo dài đến 3 – 4 tuần và cần đến vài tháng mới có thể hồi phục hoàn toàn. Những vết rách nghiêm trọng vào âm đạo và trực tràng có thể dẫn đến rối loạn chức năng khung sàn chậu, sa dạ con, các vấn đề về bài tiết, đi ngoài khó khăn và không thoải mái trong việc quan hệ chăn gối. Bạn nên nói rõ các triệu chứng này với bác sĩ nhé.
Làm thế nào để tránh tình trạng rách âm đạo khi sinh con?
Trong suốt quá trình sinh con, cố gắng giữ các tư thế ít gây áp lực lên ruột và sàn âm đạo như nằm nghiêng hoặc tập các động tác squat thẳng lưng. Tư thế tay đặt trên đầu gối và nghiêng người về phía trước có thể làm giảm nguy cơ rách vùng đáy chậu.
Trước khi sinh từ 4 – 6 tuần, hãy massage vùng đáy chậu mỗi ngày từ 10 – 15 phút. Massage thường xuyên phần dưới âm đạo với chất bôi trơn có thể làm mềm các mô, giúp các cơ vùng này linh hoạt hơn.