Tìm hiểu chung
Chứng ăn cắp vặt là gì?
Chứng ăn cắp vặt (kleptomania), hay còn gọi là trộm cắp bệnh lý, là tình trạng người bệnh không thể ngăn cản ham muốn lấy trộm một vài đồ vật nhưng không phải do nhu cầu hoặc giá trị của chúng. Đây là một rối loạn tâm thần hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Chứng bệnh này có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của chính người bệnh hoặc người thân nếu không được điều trị.
Trộm cắp bệnh lý thuộc loại rối loạn kiểm soát xung động (impulse control disorder) – một rối loạn đặc trưng bởi các vấn đề liên quan đến khả năng tự kiểm soát cảm xúc và hành vi. Những người bị rối loạn kiểm soát xung động có thể thực hiện những hành động làm tổn thương chính mình hoặc người khác. Họ không có khả năng chống lại các xung động thần kinh và gây ra những hành vi lặp đi lặp lại.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng chứng ăn cắp vặt
Các triệu chứng cho thấy một người có khả năng mắc chứng ăn cắp vặt gồm:
- Không thể ngừng lại ham muốn lấy trộm các đồ vật mà bản thân không có nhu cầu sử dụng
- Tăng cảm giác căng thẳng, lo lắng hoặc kích thích dẫn đến hành vi trộm cắp
- Có cảm giác thỏa mãn, nhẹ nhõm hay vui thích trong lúc trộm đồ
- Cảm thấy tội lỗi, hối hận, tự ghê sợ bản thân, xấu hổ hoặc sợ bị bắt giữ sau khi lấy trộm đồ
- Ham muốn trộm đồ cứ tái diễn liên tục tạo thành chu kỳ
Những người mắc phải chứng bệnh này còn thể biểu hiện một số đặc điểm như:
- Không giống như những tên trộm cắp giả vờ làm khách mua hàng, người mắc bệnh này thường không trộm những đồ vật vì mục đích cá nhân, do bị thách thức, để trả thù hay hành động nổi loạn. Họ lấy trộm đồ đơn giản vì cảm thấy có sự ham muốn mạnh mẽ đến mức không tự cưỡng lại được.
- Các đợt ăn cắp vặt thường xảy ra ngoài ý muốn, không có kế hoạch trước và không có sự giúp đỡ hay hợp tác từ người khác.
- Hầu hết người bệnh thường lấy trộm đồ từ những nơi công cộng, chẳng hạn như tạp hóa, siêu thị. Một vài người có thể lấy trộm đồ của bạn bè, người quen.
- Thông thường, các món đồ bị lấy cắp đều không có giá trị đối với người bệnh, thậm chí họ có đủ khả năng để mua chúng.
- Người bệnh thường sẽ cất những món đồ lấy trộm được vào một chỗ, không bao giờ sử dụng đến. Đôi khi, các đồ vật này được đem tặng cho người thân trong gia đình.
- Ham muốn thôi thúc hành vi ăn cắp có thể tự đến rồi đi hoặc xảy ra với cường độ tăng hoặc giảm dần theo thời gian.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Nếu bạn không thể tự dừng lại hành vi trộm cắp vặt, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Nhiều người mắc phải chứng bệnh này thường không tự điều trị vì sợ sẽ bị tố cáo và bắt giam. Tuy nhiên, các bác sĩ, chuyên gia sức khỏe tâm thần thường không báo cáo hành động trộm cắp này cho cơ quan chức năng.
Bạn nên làm gì nếu nhận thấy người thân có khả năng mắc chứng ăn cắp vặt?
Nếu bạn nghi ngờ một người thân quen mắc phải chứng bệnh này, hãy nhẹ nhàng, tinh tế nói chuyện với họ. Bạn cần nhớ rằng đây là một rối loạn sức khỏe tâm thần, không phải là một khiếm khuyết trong nhân cách, nên hãy nhẹ nhàng trò chuyện thay vì đổ lỗi hay buộc tội họ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của chứng ăn cắp vặt là gì?
Nguyên nhân gây ra chứng bệnh này vẫn chưa được biết rõ. Một số giả thuyết cho rằng những thay đổi trong não bộ có thể là nguyên nhân chính của rối loạn tâm thần này. Tuy cần có nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh nhưng đã có nghiên cứu cho thấy chứng ăn cắp vặt có thể liên quan đến:
- Những vấn đề xảy ra với một chất dẫn truyền thần kinh tự nhiên trong não bộ có tên gọi là serotonin. Hóa chất này giúp điều chỉnh tâm trạng và cảm xúc. Ở những người có hành vi bốc đồng, không kiểm soát được thường có nồng độ serotonin thấp.
- Rối loạn hành vi nghiện. Hành động trộm cắp có thể làm giải phóng dopamine (một chất dẫn truyền thần kinh khác trong não) và gây ra cảm giác dễ chịu. Một số người muốn có được cảm giác này nên dẫn đến hành vi trộm cắp lặp đi lặp lại.
- Hệ thống opioid của não. Sự thúc đẩy ham muốn được điều hòa bởi hệ thống opioid trong não bộ. Nếu có sự mất cân bằng diễn ra trong hệ thống này, người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc chống lại ham muốn.
Những yếu tố nguy cơ gây ra chứng ăn cắp vặt
Chứng bệnh này thường bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi thiếu niên hoặc mới trưởng thành, có thể trễ hơn. Khoảng 2/3 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh là phụ nữ.
Các yếu tố nguy cơ gây ra chứng ăn cắp vặt có thể là:
- Tiền sử gia đình. Nếu có người thân trong gia đình như cha, mẹ hoặc anh, chị, em mắc chứng bệnh này hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn nghiện chất… có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn này ở bạn.
- Mắc phải một bệnh tâm thần khác. Những người mắc chứng ăn cắp vặt thường mắc phải một bệnh tâm thần khác, chẳng hạn như rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống hoặc rối loạn nhân cách.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán chứng ăn cắp vặt?
Bác sĩ thường đưa ra chẩn đoán cho chứng bệnh này dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng của người bệnh. Bởi vì đây là một loại rối loạn kiểm soát xung động nên bác sĩ có thể thực hiện các việc sau để xác nhận lại chẩn đoán ban đầu:
- Đặt những câu hỏi liên quan đến hành vi mất kiểm soát và cảm giác sau khi thực hiện các hành vi đó.
- Xem lại các tình huống có thể kích thích hành vi trộm cắp của bạn.
- Yêu cầu bạn điền vào bảng câu hỏi tâm lý hoặc tự đánh giá bản thân.
- Sử dụng các tiêu chí đánh giá về các rối loạn tâm thần chuyên môn.
Những phương pháp điều trị chứng ăn cắp vặt
Chứng bệnh này rất khó để có thể tự bản thân vượt qua. Do đó, dù có cảm thấy xấu hổ, sợ hãi, bạn cũng cần tìm đến chuyên gia để nhận được sự giúp đỡ và điều trị kịp thời. Nếu không, chứng bệnh này sẽ kéo dài và không thể chấm dứt.
Việc điều trị chứng trộm cắp bệnh lý thường bao gồm sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý hoặc cả hai. Không có một phác đồ tiêu chuẩn để điều trị cho chứng bệnh này, các chuyên gia vẫn đang cố gắng tìm hiểu để đưa ra biện pháp tốt nhất. Tuy nhiên, bạn có thể phối hợp với bác sĩ để thử các phương pháp điều trị và tìm ra cách thức phù hợp nhất để kiểm soát bệnh.
Sử dụng thuốc
Những nghiên cứu khoa học về việc sử dụng thuốc tâm thần trong điều trị chứng ăn cắp vặt vẫn còn rất hạn chế. Thực tế, không có loại thuốc nào được FDA phê duyệt để điều trị bệnh lý này. Tuy nhiên, một số thuốc có thể mang lại tác dụng, tùy vào tình trạng bệnh và các bệnh tâm thần khác (nếu có) như trầm cảm hay lạm dụng chất gây nghiện.
Một số thuốc thường được bác sĩ xem xét để kê đơn gồm:
- Naltrexone
- Thuốc chống trầm cảm, cụ thể là nhóm ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin
- Phối hợp nhiều loại thuốc khác nhau
Khi nhận được đơn thuốc, hãy hỏi bác sĩ về những tác dụng phụ hoặc tương tác có thể xảy ra khi dùng những thuốc này.
Trị liệu tâm lý
Liệu pháp nhận thức hành vi có thể giúp bạn xác định lại những niềm tin không tích cực và hành vi không lành mạnh để thay thế chúng bằng các suy nghĩ đúng đắn hơn. Bác sĩ sẽ sử dụng một vài kỹ thuật trong liệu pháp này để kiểm soát ham muốn khiến người bệnh muốn trộm cắp.
Để tránh tái phát bệnh, hãy luôn tuân thủ theo kế hoạch điều trị. Nếu bạn vẫn cảm thấy muốn lấy trộm đồ vật, hãy liên lạc ngay với bác sĩ hoặc một người thân đáng tin cậy.
Biến chứng
Những biến chứng có thể xảy ra của chứng ăn cắp vặt là gì?
Nếu không được điều trị, người bệnh có thể gặp những vấn đề nghiêm trọng trong cảm xúc, tình cảm gia đình, hay những vấn đề trong công việc, pháp lý và tài chính.
Các biến chứng và những vấn đề khác liên quan đến chứng bệnh này có thể xảy ra là:
- Những rối loạn kiểm soát xung động khác, chẳng hạn như nghiện mua sắm hay nghiện đánh bạc
- Lạm dụng rượu và chất gây nghiện
- Rối loạn nhân cách
- Rối loạn ăn uống
- Trầm cảm
- Rối loạn lưỡng cực
- Lo âu
- Có suy nghĩ tự sát, cố gắng tự sát và tự sát
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa chứng ăn cắp vặt?
Bởi vì nguyên nhân gây ra chứng bệnh này chưa được biết rõ nên rất khó để có thể phòng ngừa nó xảy ra hay tái phát. Không có cách nào có thể chắc chắn ngăn chặn được hành vi ăn cắp vặt diễn ra ở người bệnh.
Việc điều trị sớm ngay khi nhận thấy bản thân có thể bị rối loạn trong kiểm soát hành vi có thể giúp ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng và những hậu quả tiêu cực khác.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.