Bệnh ghẻ là một dạng bệnh lý ngoài da phổ biến, dễ xảy ra ở những nơi điều kiện vệ sinh kém, thiếu nước sạch sinh hoạt… Hầu hết trường hợp, vấn đề da liễu này không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu tiếp tục kéo dài, tình trạng ghẻ ngứa có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng, chàm hóa hoặc thậm chí là viêm cầu thận…
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh da liễu này, đồng thời cung cấp một số cách điều trị ghẻ nhanh chóng và hiệu quả.
Tìm hiểu chung
Bệnh ghẻ là gì?
Bệnh ghẻ là tình trạng ngứa da do một loại rệp nhỏ sarcoptes scabiei gây ra. Sau khi bám vào bề mặt da, rệp chui sâu vào trong để đẻ trứng, khiến vùng da đó ngứa dữ dội do cơ thể phản ứng dị ứng với tác nhân lạ. Rệp có thể sống trong da đến 2 tháng.
Ngoài ra, tình trạng ghẻ ngứa sẽ dữ dội hơn về đêm. Điều này có thể khiến bạn gãi nhiều, từ đó dẫn đến các tình trạng xấu hơn như lở loét, nhiễm trùng da.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh ghẻ là gì?
Sau khi bị ghẻ, các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện sau sáu tuần. Nếu đã từng mắc bệnh, các triệu chứng có thể xuất hiện sớm hơn, chỉ trong vòng một vài ngày sau khi bị bệnh.
Các triệu chứng và dấu hiệu bệnh ghẻ thường bao gồm:
- Ngứa dữ dội và phát ban, thường nặng hơn vào ban đêm
- Có những dấu vết nhỏ, ngoằn ngoèo của hang rệp trên da
- Xuất hiện những mụn nước hay u nhỏ nhạt màu trên da
- Nếu bị ghẻ đóng vảy, trên da xuất hiện lớp vỏ dày chứa hàng ngàn con ve và trứng
- Lớp vảy thường xám, dày và hay vỡ vụn ra khi chạm vào
Ở người trưởng thành và trẻ vị thành niên, dấu hiệu bị ghẻ lở thường xuất hiện ở:
- Giữa các ngón tay
- Trong nách
- Vùng eo
- Các nếp gấp ở cổ tay
- Vùng khuỷu tay bên trong
- Lòng bàn chân
- Vùng quanh vú
- Xung quanh khu vực bộ phận sinh dục nam
- Trên mông
- Đầu gối
- Bả vai
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vị trí nhiễm ghẻ thường ở các vùng sau:
- Da đầu
- Mặt
- Cổ
- Lòng bàn tay
- Lòng bàn chân
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kì thắc mắc nào về dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên khám bác sĩ nếu có triệu chứng, dấu hiệu bị ghẻ ngứa. Các triệu chứng bệnh ghẻ như ngứa và vết sưng nhỏ trên da cũng giống như một số bệnh da khác như viêm da hoặc chàm. Với sự giúp đỡ của bác sĩ, bạn có thể biết được nguyên nhân chính xác và có các phương pháp thích hợp điều trị bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh
Những nguyên nhân nào gây ra bệnh ghẻ?
Nguyên nhân bị ghẻ là do rệp, loài vật nhỏ có 8 chân và chỉ được thấy trên kính hiển vi. Rệp cái sẽ đào một đường hầm trong da để đẻ trứng. Sau khi trứng nở, ấu trùng di chuyển tới bề mặt của da để tiếp tục trưởng thành và lây lan sang các khu vực khác hoặc lây qua da của người khác. Những con ve, trứng và chất thải của chúng kích hoạt hệ miễn dịch cơ thể, gây ra các triệu chứng như ngứa, nổi ban đỏ.
Nếu bạn có tiếp xúc cơ thể gần gũi về hay sử dụng chung vật dụng cá nhân như quần áo, ngủ chung giường với người bị ghẻ, rệp có thể lây lan và làm tổ trên da bạn.
Da bạn cũng có thể phản ứng khi bị lây rệp từ các vật chủ khác như gia súc hay vật nuôi. Trong thực tế, mỗi loài rệp chỉ ký sinh trên một vật chủ, do đó chúng sẽ chết sớm nếu không sống với vật chủ thích hợp.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị bệnh ghẻ?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ghẻ như:
- Hệ thống miễn dịch bị suy yếu
- Sử dụng thuốc steroid hoặc phương pháp điều trị tương tự khác như thuốc trị viêm khớp dạng thấp
- Tiếp xúc da trực tiếp với một ai đó bị ghẻ
- Đang trải qua hóa trị liệu
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh ghẻ?
Bác sĩ chẩn đoán bệnh ghẻ bằng cách kiểm tra làn da để tìm kiếm dấu hiệu của rệp, bao gồm các hang đặc trưng. Các bác sĩ có thể đưa ra kết luận dựa vào các triệu chứng cùng với tiền sử tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Để xác định bệnh hoặc trong trường hợp không thấy được rệp, bác sĩ có thể cạo một vùng da nghi ngờ chứa hang rệp và soi dưới kính hiển vi. Sau khi xác định được sự hiện diện của bọ ve và trứng, các bác sĩ sẽ đưa ra kết quả chẩn đoán cuối cùng.
Bị ghẻ thì phải làm sao?
Để điều trị ghẻ, bạn cần phải dùng thuốc để loại bỏ rệp. Bác sĩ thường chỉ định một số loại kem dưỡng hay thuốc mỡ bôi để trị rệp. Bạn cần bôi toàn cơ thể từ cổ trở xuống và giữ trong vòng ít nhất 8 tiếng.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu điều trị cho tất cả các thành viên trong gia đình và người thân cận khác, mặc dù họ không có dấu hiệu bị bệnh, để ngăn chặn rệp lây lan.
Bạn có thể được chỉ định các loại kem trị ghẻ sau:
- Kem permethrin 5%
- Benzyl benzoat lotion 25%
- Thuốc mỡ lưu huỳnh 10%;
- Kem crotamiton 10%
- Lindan lotion 1%
Ngoài ra, ivermectin (thuốc uống dành cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch) cũng có thể được kê toa cho người bị đóng vảy ghẻ hoặc không đáp ứng với các loại kem dùng ngoài.
Mặc dù các loại thuốc có thể diệt rệp nhanh, nhưng bạn vẫn cần vài tuần để các triệu chứng ngứa biến mất hoàn toàn.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn biến bệnh?
Bạn có thể kiểm soát bệnh ghẻ nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Dùng thuốc giúp giảm ngứa
- Ngâm và làm mát da trong nước lạnh hoặc dùng khăn ướt lau các vùng bị kích thích trên da có thể giảm thiểu ngứa
- Sử dụng kem dưỡng da dịu nhẹ. Bạn có thể dùng dưỡng da có chứa calamine để giảm kích ứng da
- Sử dụng thuốc kháng histamine để giảm các triệu chứng dị ứng do ghẻ
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.