Tương tự như mụn, lẹo xuất hiện khi tuyến bã nhờn ở mí mắt bị tắc nghẽn và kích ứng. Nếu không chữa lẹo mắt kịp thời và đúng cách, lẹo sẽ có nguy cơ tái phát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.
Nếu một ngày nào đó bạn phát hiện ở mí mắt (trong hoặc ngoài) xuất hiện một vết sưng nhỏ, đỏ và mềm, bạn có thể đã bị lẹo. Lẹo mắt hay chắp mắt trông như mụn và khiến khu vực ảnh hưởng trở nên đau nhức. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe này thường không nghiêm trọng cũng như không ảnh hưởng tiêu cực đến tầm nhìn.
Lẹo mắt xuất hiện khi một hoặc nhiều tuyến bã nhờn ở mí mắt bị tắc nghẽn và kích ứng. Trường hợp này tương tự tình trạng nổi mụn trên da vì các lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Thông thường, lẹo chỉ xuất hiện ở một mí mắt, nhưng cũng có tình huống nó xuất hiện cùng lúc ở cả hai mắt. “Mụn” này có nguy cơ tái phát nếu bạn không chữa lẹo mắt kịp thời và đúng cách.
Bạn có thể muốn đọc thêm: Bệnh chắp mắt ở trẻ sơ sinh: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị.
Triệu chứng của lẹo mắt
Khi lẹo lần đầu xuất hiện, mí mắt có thể sưng đỏ và có xu hướng sụp xuống. Ngoài ra, bạn còn bắt gặp một số triệu chứng khác, chẳng hạn như:
- Lẹo có thể có mủ (đốm trắng nhỏ nổi lên ngay phần trung tâm của lẹo) hoặc không
- Cảm giác bị cộm trong mắt
- Mắt nhạy cảm với ánh sáng
- Cảm thấy có sức nặng đè trên mí mắt
- Khó chịu hoặc ngứa
- Chảy nước mắt nhiều
Bạn có thể muốn tìm hiểu: Những dấu hiệu của bệnh về mắt bạn không được bỏ qua.
Một số biện pháp chữa lẹo mắt thông dụng
Hầu hết tất cả trường hợp lẹo đều vô hại và sẽ tự động biến mất trong khoảng một tuần. Tuy nhiên, nếu đã từng bị lẹo mắt, bạn sẽ hiểu những phiền phức mà khối u ngay mắt này đem lại.
Dù vậy, bạn cũng không cần lo lắng quá. Bạn có thể lựa chọn áp dụng một hoặc vài biện pháp chữa lẹo mắt sau để hỗ trợ thuyên giảm cơn đau, cũng như làm giảm sự khó chịu và sưng tấy của lẹo.
Biện pháp chữa lẹo mắt thứ nhất: Giữ vệ sinh cho mí mắt
Điều đầu tiên bạn nên làm khi lẹo xuất hiện là làm sạch mí mắt. Bạn hãy pha nước cho ít muối và thấm dung dịch này bằng một miếng bông gòn, khăn lau hoặc bông tẩy trang sạch để vệ sinh khu vực này. Sau đó, hãy rửa sạch mí mắt bằng nước ấm và nhẹ nhàng vỗ cho đến khi khô.
Ngoài ra, bạn phải luôn nhớ rửa tay trước và sau khi chạm vào lẹo mắt. Đồng thời, bạn không nên dùng chung khăn lau mặt với người khác. Tốt hơn hết, bạn nên có riêng một bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân.
Bên cạnh đó, hạn chế trang điểm trong khoảng thời gian này cũng là một cách chữa lẹo mắt. Bởi vì nếu hóa chất trong mỹ phẩm tiếp xúc với lẹo thường xuyên sẽ có nguy cơ kéo dài bệnh trạng. Thêm vào đó, bạn nên vứt những mỹ phẩm đã mua từ lâu hoặc dụng cụ trang điểm có khả năng bị nhiễm khuẩn.
Quan trọng nhất, nếu bạn bị tật khúc xạ ở mắt, hãy chọn kính đeo mắt thay vì sử dụng kính áp tròng cho đến khi lẹo biến mất.
Bạn có thể muốn biết: Khi nào bạn cần đến kính đeo mắt?
Biện pháp chữa lẹo mắt thứ hai: Sử dụng miếng vải thấm nước ấm
Bạn có thể thúc đẩy quá trình biến mất của lẹo bằng cách áp một miếng vải thấm nước ấm lên mí mắt trong 10–15 phút và lặp lại 3–4 lần mỗi ngày.
Một số người lựa chọn túi trà để thực hiện phương pháp này. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị nên sử dụng một miếng vải hoặc khăn lau, bông tẩy trang sạch vì tính an toàn và dễ chuẩn bị hơn. Những gì bạn cần làm là nhúng miếng vải vào nước ấm, vắt cho thật khô, sau đó hãy áp nhẹ nhàng lên mí mắt.
Mục đích của liệu pháp này là khiến lẹo khô đầu, giống như các biện pháp làm khô còi mụn. Tuy nhiên, bạn không nên hấp tấp dẫn đến nặn vỡ lẹo. Hơi ấm từ miếng vải sẽ khiến lẹo mắt tự biến mất mà không gây tổn thương vật lý đến mí mắt hay nhiễm trùng.
Loại bỏ sự khó chịu
Sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen và ibuprofen có thể không hữu ích cho việc chữa lẹo mắt, nhưng có thể làm giảm sự khó chịu rất nhiều.
Bác sĩ nhãn khoa cũng có thể giúp bạn giải quyết những cơn đau liên quan đến lẹo. Đôi khi, họ sẽ đề nghị tiến hành phẫu thuật lẹo mắt nếu lẹo quá lớn để giảm bớt sự khó chịu do nó gây ra, đồng thời ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Thực tế, bạn không nhất định phải đến gặp bác sĩ nếu bị lẹo. Tuy nhiên, bạn nên đi khám nếu nằm trong những trường hợp sau:
- Bệnh không cải thiện sau nhiều ngày hoặc có xu hướng càng lúc càng nặng
- Toàn bộ khu vực mắt đều đau rát
- Tầm nhìn bị ảnh hưởng nặng nề
- Mí mắt sưng to, chuyển sang màu đỏ và không có khả năng mở mắt hoàn toàn
- Lẹo tái phát
Nếu lẹo không tự biến mất trong vòng một tuần (hoặc lâu hơn) hay thị lực gặp vấn đề, bác sĩ có thể tiến hành chẩn đoán để đánh giá lại tình hình của bạn. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ kê đơn thuốc cho bạn một loại kem kháng sinh để thoa lên khu vực mí mắt hoặc phẫu thuật hút lẹo ra hết sau khi gây tê khu vực xung quanh nó (trong một số trường hợp hiếm).
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy đau mắt, hãy vệ sinh mí mắt bằng dung dịch pha loãng từ dầu gội trẻ em thấm trong miếng bông tẩy trang sạch.
Mặc dù lẹo có thể tự khỏi mà không cần đến sự can thiệp y tế, bạn đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ nhãn khoa nếu cảm thấy tình trạng không ổn. Họ có thể khuyến nghị phương pháp chữa lẹo mắt theo chỉ định y tế để giúp giải quyết tình trạng này nhanh hơn.
Phòng ngừa lẹo tái phát
Vệ sinh mí mắt đúng cách có thể hỗ trợ làm giảm đáng kể nguy cơ lẹo mắt xuất hiện. Bạn cần lưu ý làm sạch mí mắt trước khi đi ngủ, đặc biệt là khi có thói quen trang điểm mắt hàng ngày.
Ngoài ra, nếu bạn đôi khi gặp vấn đề với viêm mí mắt, hãy nhanh chóng liên hệ với các chuyên gia để sớm nhận điều trị vì những vấn đề này cũng là yếu tố khiến lẹo xuất hiện.