Sốt xuất huyết là bệnh phổ biến khiến chúng ta dễ chủ quan, lơ là và nghĩ rằng không cần phải quan tâm. Tuy nhiên, suy nghĩ này có thể rất nguy hiểm bởi nếu không điều trị sớm, bạn sẽ có nguy cao đối mặt với những biến chứng sốt xuất huyết cực kỳ nghiêm trọng.
Trước đây, phần lớn chúng ta đều cho rằng sốt xuất huyết là bệnh của trẻ nhỏ bởi hơn 90% các trường hợp mắc sốt xuất huyết xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ở Việt Nam, tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến ngày một phức tạp ở cả trẻ nhỏ lẫn người lớn. Nếu lơ là, chủ quan không điều trị sớm, sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Hãy cùng Chúng tôi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để biết thêm một số thông tin hữu ích về các biến chứng thường gặp của bệnh sốt xuất huyết nhé.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Khi bị sốt xuất huyết, bạn sẽ sốt cao liên tục từ 3 – 4 ngày, ho, đau nhức mình mẩy, nôn và có thể tiêu chảy. Trong 3 ngày đầu, việc dùng thuốc hạ sốt đôi khi không có tác dụng, đến khi sốt bắt đầu giảm, bạn sẽ thấy xuất hiện hiện tượng xuất huyết do cô đặc máu. Từ ngày thứ 3, bệnh sẽ có diễn tiến nặng, nhất là ở trẻ nhỏ. Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, bệnh có nguy cơ diễn biến xấu, gây sốc hoặc tổn thương các cơ quan khác.
7 biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm
Sốt xuất huyết là bệnh diễn tiến rất khó lường. Hiện nay, theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, mỗi tuần có trung bình khoảng 500 – 1000 ca mắc mới trên cả nước. Không ít trường hợp đến khám trong trạng thái sốt cao, khó thở, mê sảng, vật vã… Những bệnh nhân này nếu bị cấp cứu chậm trễ, có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm sau:
1. Sốc do mất máu
Ở giai đoạn nặng, người bệnh thường có các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu chân răng… Nguyên nhân là do virus sốt xuất huyết làm tăng tính thấm mao quản, thoát huyết tương và cô đặc máu đến một ngưỡng nhất định sẽ gây sốc khiến máu bị đẩy ra ngoài. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải tình trạng xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não với biểu hiện chính là nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh…
2. Biến chứng về mắt
Sốt xuất huyết có thể dẫn đến 2 biến chứng về mắt. Thứ nhất là mù đột ngột do xuất huyết võng mạc, làm cho mạch máu của võng mạc tổn thương khiến thị lực giảm sút. Thứ hai là xuất huyết trong dịch kính mắt. Dịch kính là một loại chất nhầy trong nhãn cầu giúp ta nhìn rõ mọi vật. Khi bị xuất huyết, lớp dịch này sẽ bị che phủ và hòa tan khiến bạn gần như mù mắt.
3. Suy tim, thận
Sốt xuất huyết có thể dẫn đến suy tim do chảy máu liên tục, khiến tim không đủ máu tuần hoàn. Một khi tim không đủ sức bơm máu, cộng với dịch huyết tương xuất huyết khiến màng tim bị tràn dịch gây ứ đọng. Không những vậy, thận còn phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua nước tiểu. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến suy thận cấp.
4. Tràn dịch màng phổi
Huyết tương trong cơ thể bị tràn sẽ xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp. Nếu không được cấp cứu, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa.
5. Hôn mê
Khi bị xuất huyết, dịch huyết tương có thể ứ đọng trong màng não qua các thành mạch, gây phù não và các hội chứng về thần kinh, dẫn đến hôn mê.
6. Tụt huyết áp, đau đầu dữ dội
Do huyết áp giảm đột ngột, người bị sốt xuất huyết sẽ cảm thấy khó khăn khi đứng hoặc đi bộ. Nếu không khắc phục hiệu quả, người bệnh sẽ có biểu hiện của sốt xuất huyết là cảm thấy đau đầu dữ dội. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất bởi nó có thể gây xuất huyết não, rất dễ dẫn đến tử vong.
7. Sinh non, sẩy thai xảy ra ở phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong những ngày đầu mắc bệnh, bà bầu có thể bị sốt cao, khiến nhịp tim thai đập nhanh hơn, làm ảnh hưởng đến thai nhi. Những ngày tiếp theo, bà bầu có nguy cơ giảm tiểu cầu dẫn đến hiện tượng sốt xuất huyết chảy máu. Nếu bị sốt xuất huyết trong những tháng đầu của thai kỳ, bà bầu rất dễ bị sẩy thai.
Khi bị sốt xuất huyết, bạn nên làm gì để tránh gặp phải biến chứng?
Để tránh nguy cơ gặp phải hàng loạt biến chứng “đáng sợ” của bệnh sốt xuất huyết, ngay ngày đầu tiên khởi sốt, bạn nên chú ý một số điều sau:
Dùng thuốc hạ sốt an toàn
Khi hệ miễn dịch chiến đấu với virus gây bệnh sốt xuất huyết, bạn sẽ sốt cao 3 – 4 ngày. Lúc này, bạn chỉ nên dùng thuốc hạ sốt chứa paracetamol theo đúng liều lượng và thời gian được chỉ định. Tránh uống quá liều bởi điều này có thể dẫn đến suy gan cấp.
Đặc biệt, không nên uống thuốc hạ sốt aspirin hay ibuprofen bởi những loại thuốc này có tác dụng phụ ngăn tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Người bị sốt xuất huyết vốn đã giảm tiểu cầu, uống thêm thuốc này càng dễ tụt tiểu cầu hơn nữa, gây xuất huyết dạ dày, chảy máu nội tạng ồ ạt không cầm được, nguy hiểm đến tính mạng.
Ăn các thực phẩm giúp tăng tiểu cầu
Vào ngày thứ 4 bị sốt, số lượng tiểu cầu sẽ giảm mạnh, gây xuất huyết dưới da và chảy máu nội tạng. Để giảm nguy cơ rơi vào tình huống nguy hiểm, bạn nên tránh tiêu thụ các thực phẩm có thể làm giảm tiểu cầu như nước tăng lực, rượu, việt quất, sữa bò, sốt mè. Đồng thời, bạn nên bổ sung thêm các thực phẩm giúp làm tăng loại tế bào máu như:
- Thực phẩm giàu vitamin B12 như gan bò, sò huyết, trứng giúp giữ cho tiểu cầu khỏe mạnh.
- Thực phẩm giàu axit folic như đậu phộng, đỗ đen, nước cam để bồi bổ các tế bào máu.
- Thực phẩm chứa nhiều sắt như đậu lăng, thịt bò, nho khô làm tăng số lượng tiểu cầu.
Ngoài ra, bạn cũng nên thêm các loại thực phẩm giàu vitamin C và vitamin K vào chế độ ăn như xoài, dứa, bông cải xanh, ớt chuông, cà chua, súp lơ, húng quế, cải bó xôi, cải xoong, cần tây, măng tây, đậu bắp và bắp cải để tập hợp và tái tạo tiểu cầu.
Bù nước cho cơ thể
Sốt xuất huyết gây sốt cao, nôn ói, khiến cơ thể mất nước. Tình trạng mất nước sẽ gây cô đặc máu khiến bạn càng sốt cao hơn. Nếu không tích cực bù nước, bạn sẽ dễ gặp biến chứng thoát huyết tương, cơ thể bứt rứt khó chịu, da khô, tiểu ít, vã mồ hôi lạnh… rất nguy hiểm.
Bạn có thể bổ sung nước cho cơ thể bằng cách uống nước sôi để nguội, nước hầm xương, nước cháo pha muối, nước trái cây, nước ép rau củ… Những thức uống này sẽ giúp cho thành mạch máu khỏe hơn, giảm biến chứng thoát mạch.
Người bệnh sốt xuất huyết có nên tắm không?
Đây là thắc mắc phổ biến của phần lớn những người mắc căn bệnh này. Theo các chuyên gia, trong 3 ngày đầu, bạn vẫn có thể tắm rửa bình thường, tuy nhiên từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, bạn nên hạn chế tắm bởi đây là giai đoạn nguy hiểm, rất dễ gặp phải biến chứng. Nếu người bệnh tắm sẽ làm giãn thành mạch máu, có thể làm cho tình trạng xuất huyết trở nên trầm trọng hơn.
Do đó, tốt nhất, bạn chỉ nên dùng khăn nhúng nước ấm lau người, tuyệt đối không dùng nước lạnh vì sẽ làm co mạch dưới da, giãn mạch nội tạng, nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, cũng không được kỳ gãi hay chà xát mạnh bởi nhẹ thì gây tụ máu bầm, nặng sẽ gây xuất huyết.
Ngân Phạm / HELLO BACSI