Rối loạn đa nhân cách: Những mảnh ghép đầy ám ảnh

(3.89) - 23 đánh giá

Bạn có nhận ra đôi lúc mình mang những nét tính cách đối lập nhau như vừa dịu dàng xong lại nóng nảy, lúc bao dung khi ích kỷ… Nếu tính cách thay đổi một cách thất thường, rất có thể bạn bị rối loạn đa nhân cách mà không hề biết đấy!

Tùy vào từng đối tượng giao tiếp khác nhau như ba mẹ, bạn bè, cấp trên… mà chúng ta có cách cư xử, nói chuyện riêng và đây là chuyện bình thường. Tuy nhiên, sự thay đổi cách hành xử của bệnh nhân rối loạn đa nhân cách nghiêm trọng hơn nhiều.

Bộ phim Split (2017) và Glass vừa ra mắt đầu năm 2019 đã dấy lên làn sóng tìm hiểu về bệnh rối loạn đa nhân cách. Câu chuyện về những mảnh ghép nhân cách vừa thú vị vừa ám ảnh của anh chàng Kevin, nhân vật chính trong phim đã khiến hàng triệu người xem tò mò muốn hiểu thêm về căn bệnh tâm lý bí ẩn này.

Rối loạn đa nhân cách là một bệnh tâm lý

Chứng rối loạn đa nhân cách thường được gọi là đa nhân cách (multiple personality disorder). Chứng bệnh tâm lý này còn có tên tiếng Anh là Dissociative Identity Disorder (DID) vốn là một vấn đề rất phức tạp đối với cả những chuyên gia tâm lý.

1. Rối loạn đa nhân cách là gì?

Có thể bạn đã từng có những giây phút mơ màng, không còn nhận thức được những gì đang xảy ra và tách biệt về thế giới xung quanh khi làm việc quá căng thẳng. Rối loạn đa nhân cách cũng là một dạng tách biệt với môi trường xung quanh nhưng nghiêm trọng hơn. Đây là một quá trình tâm lý khiến bạn mất kết nối với suy nghĩ, ký ức, cảm xúc, hành động hoặc nhân cách của chính mình.

Người bệnh có thể đã gặp phải một số tổn thương trong quá khứ và phải bảo vệ bản thân bằng cách tách mình ra khỏi những trải nghiệm quá bạo lực hoặc quá đau đớn. Họ tách mình khỏi thực thể bằng cách tạo ra những bản thể khác nhau để thay mình giải quyết những căng thẳng, đau buồn trong cuộc sống.

Các bản thể không phải một nhân cách hoàn chỉnh mà chỉ là những mảnh tính cách rời rạc. Thường sẽ có một bản thể chính mang tên thật của bệnh nhân. Tuy nhiên, bản thể chính thường không biết đến sự hiện diện của các bản thể khác mà chỉ nhận thức được sự có mặt của những bản thể này khi được mọi người xung quanh kể lại.

Những bản thể khác nhau có tuổi, giới tính hoặc thậm chí là chủng tộc riêng. Mỗi bản thể có tư thế, cử chỉ và cách nói chuyện riêng biệt. Ngoài những bản thể là người, bệnh nhân có thể có những bản thể là động vật.

Quá trình một bản thể chiếm quyền kiểm soát hình vi và suy nghĩ của bệnh nhân gọi là quá trình chuyển đổi. Việc chuyển đổi có thể mất vài giây, vài phút hoặc có khi đến vài ngày. Kích thích từ môi trường hoặc các sự kiện trong cuộc sống có thể khiến việc chuyển đổi giữa các bản thể xảy ra bất ngờ.

Ban đầu, người bệnh có thể chỉ thể hiện 2 – 4 bản thể khi được thăm khám. Tuy nhiên, sau một thời gian chữa trị, bác sĩ có thể tìm ra trung bình từ 13 – 15 bản thể. Cũng có trường hợp người bệnh có tới hơn 100 bản thể.

Việc xác định tính xác thực của bệnh rối loạn đa nhân cách rất khó khăn. Nhiều người cho rằng chứng rối loạn đa nhân cách chỉ do sự hoang tưởng của người bệnh. Một số chuyên gia lại cho rằng chứng này là một nhánh của bệnh rối loạn nhân cách ranh giới. Thống kê cho thấy tỷ lệ mắc rối loạn đa nhân cách là từ 0,01% đến 1% dân số thế giới.

2. Nguyên nhân rối loạn đa nhân cách

Nhân vật Kevin trong phim Split (Tách biệt)

Bệnh rối loạn đa nhân cách đặc biệt dễ phát triển trong những năm đầu đời. Trẻ bị bỏ bê hoặc lạm dụng về mặt tâm lý trong giai đoạn này rất dễ bị ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách. Có đến 99% người mắc chứng rối loạn đa nhân cách từng bị lạm dụng liên tục, quá sức chịu đựng và ảnh hưởng đến tính mạng ở giai đoạn phát triển nhạy cảm (trước 9 tuổi).

Nhân vật Kevin Wendell Crumb trong phim Split cũng từng trải qua một tuổi thơ dữ dội với những tổn thương tâm lý dai dẳng đến khi trưởng thành. Anh chàng này mắc chứng rối loạn đa nhân cách và có tới 24 bản thể vì bị mẹ của mình đánh đập, trừng phạt quá tàn nhẫn khi chỉ mới 3 tuổi.

Rối loạn đa nhân cách cũng có thể xảy ra do người bệnh bị bỏ bê trong thời gian dài hay bị lạm dụng về mặt tâm lý ngay cả khi không có lạm dụng thể chất hoặc tình dục.

Các nghiên cứu cho thấy trong những gia đình ba mẹ quá hung dữ hay biến động, con cái có nguy cơ bị rối loạn đa nhân cách.

3. Phân biệt đa nhân cách và tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt và rối loạn đa nhân cách thường bị nhầm lẫn nhưng thật ra hai chứng bệnh này rất khác nhau.

• Tâm thần phân liệt: Đây là một bệnh tâm lý nghiêm trọng. Những người bị tâm thần phân liệt không có nhiều bản thể và có ký ức khá liền mạch về các sự kiện xảy đến với mình. Đặc trưng chủ yếu của bệnh này là nghe hoặc nhìn thấy những thứ không có thật (ảo giác) và suy nghĩ hoặc tin vào những điều không có cơ sở trong thực tế (ảo tưởng).

• Rối loạn đa nhân cách: Đây là một rối loạn làm ảnh hưởng tới cách hành xử của người mắc bệnh. Những bệnh nhân mắc chứng này có nhiều bản thể và đôi khi có những khoảng trống không ký ức của mình. Đặc trưng của rối loạn đa nhân cách là mỗi bản thể có suy nghĩ và niềm tin hoàn toàn riêng biệt.

Cả bệnh nhân tâm thần phân liệt và rối loạn đa nhân cách đều có nguy cơ tự tử. Tuy nhiên, người mắc rối loạn đa nhân cách tự tử thường xuyên hơn so với các bệnh nhân tâm thần.

Làm sao biết bạn bị rối loạn đa nhân cách?

Để xác định một người có mắc rối loạn đa nhân cách hay không, trước tiên bản thân người bệnh cần ý thức được những triệu chứng bệnh của mình. Khi biết mình có những triệu chứng rối loạn đa nhân cách, bệnh nhân cần đến bác sĩ tâm lý để được chẩn đoán.

Các triệu chứng của rối loạn đa nhân cách

Bạn hãy tự quan sát bản thân và nhờ những người xung quanh quan sát cùng để xem mình có những triệu chứng sau đây không:

• Có nhiều nhân cách khác nhau: Triệu chứng đặc trưng của bệnh rối loạn đa nhân cách là sự hiện diện của ít nhất hai bản thể riêng biệt liên tục kiểm soát hành vi của một người.

• Có những khoảng trống trong ký ức: Từng bản thể của người bị rối loạn đa nhân cách cũng có những ký ức rất khác nhau nên người bệnh sẽ không có một ký ức hoàn chỉnh về những sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Bệnh nhân thường có những khoảng đen trong ký ức và nghĩ rằng mình đã ngủ trong những khoảng thời gian đó.

• Quên thông tin cá nhân: Những bệnh nhân bị rối loạn đa nhân cách cũng có thể quên những thông tin cá nhân quan trọng của mình như nơi làm việc, sở thích cá nhân, nơi sống…

Bên cạnh việc có nhiều bản thể và mỗi bản thể lại có những ký ức rất khác nhau, người bị rối loạn đa nhân cách còn có thể gặp một số vấn đề tâm thần khác như:

  • Trầm cảm
  • Muốn tự tử
  • Rối loạn ăn uống
  • Cảm thấy bị cưỡng chế
  • Liên tục thay đổi cảm xúc
  • Lạm dụng rượu và ma túy
  • Ảo giác thính giác và thị giác
  • Bị lo lắng, hoảng loạn và các chứng ám ảnh
  • Bị rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, sợ bóng tối hay mộng du)

Các triệu chứng khác của rối loạn đa nhân cách có thể bao gồm đau đầu, mất trí nhớ, mất nhận thức về thời gian, lơ mơ và có “trải nghiệm thoát xác”.

Một số người mắc chứng rối loạn đa nhân cách có thể làm những việc trái với tính cách của mình như lái xe quá tốc độ hoặc trộm cắp. Tuy nhiên, họ lại cho rằng mình bị ép buộc chứ không có chủ ý làm những việc trên.

Cách chẩn đoán rối loạn đa nhân cách

Khi xác định được mình có các dấu hiệu của bệnh đa nhân cách, bạn cần tìm đến một bác sĩ tâm lý để được chẩn đoán một cách chuyên nghiệp hơn.

Quá trình chẩn đoán rối loạn đa nhân cách cần rất nhiều thời gian. Người ta ước tính rằng những người bị chứng rối loạn này phải đi thăm khám sức khỏe tâm lý 7 năm mới có được chẩn đoán chính xác, bởi vì những triệu chứng của bệnh rối loạn đa nhân cách rất giống với nhiều bệnh tâm thần. Trên thực tế, nhiều người mắc chứng rối loạn đa nhân cách cũng mắc các bệnh khác như rối loạn nhân cách ranh giới, trầm cảm hay lo lắng.

Tuy nhiên, nếu bạn thấy mình có các triệu chứng kể trên thì hãy đến bác sĩ tâm lý để được giúp đỡ. Bác sĩ sẽ dùng 5 tiêu chí sau để chẩn đoán chứng rối loạn đa nhân cách:

1. Người bệnh có nhiều bản thể: Người bệnh có ít nhất hai bản thể khác nhau, mỗi bản thể có cách nhận thức và suy nghĩ về thế giới xung quanh và bản thân khá rõ ràng.

2. Người bệnh bị mất ký ức: Bệnh nhân không thể nhớ hoàn toàn các sự kiện trong ngày, thông tin cá nhân quan trọng hoặc các chuyện buồn.

3. Người bệnh không sinh hoạt bình thường: Người bệnh gặp căng thẳng hoặc khó khăn trong một mặt quan trọng của cuộc sống vì căn bệnh rối loạn đa nhân cách. Họ không thể làm việc hiệu quả hay không xây dựng được một mối quan hệ bền vững.

4. Người bệnh có trải nghiệm bị tổn thương: Người bệnh trải nghiệm những sự kiện đau buồn vượt ngoài khuôn khổ văn hóa hay tôn giáo thông thường. Ví dụ như trẻ em bị bạo hành, phụ nữ bị lạm dụng tình dục…

5. Người bệnh không bị ảnh hưởng bởi chất kích thích: Người bệnh gặp phải các triệu chứng rối loạn đa nhân cách không phải do tác động của các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá.

Cách điều trị rối loạn đa nhân cách

Những bệnh nhân mắc rối loạn đa nhân cách thường rất khó sinh hoạt bình thường vì ảnh hưởng của bệnh. Tuy nhiên, người bệnh có thể giảm nhẹ những ảnh hưởng này nếu chịu kiên nhẫn điều trị.

Ảnh hưởng của rối loạn đa nhân cách

Mốt số triệu chứng của chứng rối loạn đa nhân cách có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh như sau:

• Rối loạn giải thể nhân cách: Bệnh rối loạn giải thể nhân cách là cảm giác bạn không còn ở trong cơ thể mình mà chỉ đang quan sát cơ thể từ xa. Đây thường được gọi là “trải nghiệm thoát xác” và khiến bạn không thể tập trung vào công việc mình đang làm.

• Tri giác sai thực tại: Đây là cảm giác thế giới xung quanh không có thật hoặc rất mù mờ.

• Quên thông tin quan trọng: Đôi khi người rối loạn đa nhân cách quên thông tin cá nhân của mình hay quên nội dung của một cuộc nói chuyện quan trọng.

• Nhầm lẫn hay thay đổi nhân cách bản thân: Bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc xác định những mối quan tâm, quan điểm chính trị, tôn giáo, xã hội, xu hướng tình dục, tham vọng nghề nghiệp của mình. Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp lẫn lộn về thời gian và địa điểm.

Cách điều trị rối loạn đa nhân cách

Mặc dù không có cách chữa nhất định cho chứng rối loạn đa nhân cách nhưng một số phương thức điều trị có thể hiệu quả nếu bệnh nhân kiên nhẫn điều trị lâu dài. Một số liệu pháp điều trị hiệu quả bao gồm trò chuyện, tâm sự với bác sĩ tâm lý hoặc thực hiện tâm lý trị liệu và liệu pháp thôi miên. Ngoài ra, những liệu pháp bổ trợ như nghệ thuật trị liệu hoặc liệu pháp vận động cũng có thể có ích.

Không có phương pháp điều trị bằng thuốc dành riêng cho bệnh rối loạn đa nhân cách nên các phương pháp chữa trị tâm lý vẫn là cách điều trị chính. Tuy nhiên, thuốc điều trị những bệnh đi kèm rối loạn đa nhân cách như trầm cảm đôi khi cũng được sử dụng để nâng cao hiệu quả điều trị tâm lý.

Bệnh nhân cần kết hợp điều trị rối loạn đa nhân cách cùng các bệnh tâm lý khác như trầm cảm hay nghiện chất kích thích để cải thiện bệnh tình tốt hơn.

Rối loạn đa nhân cách thực sự là một cuộc chiến đối với những ai mắc bệnh chứ không chỉ là ảo tưởng. Đây là căn bệnh cần sự chăm sóc tâm lý và y tế phù hợp từ bác sĩ và mọi người xung quanh để đưa người bệnh dần trở lại với cuộc sống bình thường. Nếu kiên trì điều trị đúng hướng, người rối loạn nhân cách vẫn có thể thoát khỏi những mảnh ghép ám ảnh để trở thành người có ích cho xã hội.

Như Vũ | HELLO BACSI

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Khi nào bạn nên thực hiện tái tạo da?

(26)
Trong khi các sản phẩm chăm sóc da đòi hỏi một thời gian nhất định để thấy rõ hiệu quả, liệu pháp tái tạo bề mặt da lại có thể làm thay đổi làn da ... [xem thêm]

Đánh bại đau lưng do thoát vị đĩa đệm nhờ thiết bị Vertetrac

(96)
Thoát vị đĩa đệm đang dần trở thành một căn bệnh gây nguy hiểm và tổn thương đến cột sống của người bệnh. Vậy chúng ta sẽ mất thời gian bao lâu ... [xem thêm]

Dùng kem tẩy lông trong thai kỳ an toàn không?

(77)
Sự phát triển của lông và tóc trong thời gian mang thai có thể khiến bạn khó chịu. Để giải quyết vấn đề này, kem tẩy lông là phương pháp được nhiều ... [xem thêm]

Bạn có biết làm thế nào để phục hồi thể lực hiệu quả?

(53)
Thực tế, phục hồi thể lực tốt là một trong nhiều yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả của việc chăm chỉ rèn luyện thể chất.Ngày nay, không ít người xem ... [xem thêm]

Tại sao bạn lại có cảm giác chán ăn?

(81)
Bạn muốn nâng cao sức khỏe và bồi dưỡng cơ thể nhưng lại cảm thấy không ngon miệng khi ăn? Cảm giác chán ăn có thể khiến bạn sụt cân nhanh chóng và gây ... [xem thêm]

4 câu hỏi bạn cần trả lời trước khi giảm cân

(33)
“Chọn đúng phương pháp giảm cân và một chút kiên trì, bạn sẽ thành công sở hữu một vòng eo thon!” Đúng là nói thì dễ hơn làm, có phải bạn đang nghĩ ... [xem thêm]

Yếu tố nào gây ra bệnh vẩy nến?

(51)
Dầu dừa có nhiều lợi ích cho da, ví dụ như dưỡng ẩm, giảm viêm, diệt vi khuẩn… Ngoài ra, dầu dừa còn là một liệu pháp giúp loại bỏ các vảy đóng trên ... [xem thêm]

Nhận biết 8 dấu hiệu mang thai 2 tuần

(55)
Tăng dịch tiết âm đạo, miệng có vị giác kim loại, vùng kín đổi màu, trễ kinh… là các dấu hiệu mang thai 2 tuần có thể dễ nhận biết hơn bạn nghĩ ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN