Nhiều bà bầu vẫn duy trì thói quen tập thể dục khi mang thai. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé trong thai kỳ, bạn nên tránh bất kỳ hoạt động nào có nguy cơ té ngã hoặc làm tăng khả năng chấn thương bụng.
Những tai nạn ở những mức độ khác nhau có thể làm mẹ bầu tổn thương ở mức độ khác nhau. Tốt nhất là bạn cần cân bằng giữa việc duy trì sức khỏe bản thân với sở thích hoạt động cá nhân của mình khi mang thai.
Những hoạt động thể thao mà mẹ bầu KHÔNG nên thực hiện
Bạn cần chú ý cẩn thận khi đi du lịch đến những vùng cao hoặc những nơi có ít ô-xy, ví dụ như việc đi du lịch trên độ cao trên 2.400 m có thể làm bạn sợ hãi (chứng sợ độ cao) và không an toàn cho cả mẹ và bé.
Dưới đây là danh sách một số hoạt động có thể gây ra các vấn đề trong thai kỳ:
- Những trò chơi ở công viên giải trí: Trượt nước và vòng quay tại công viên vui chơi giải trí rất nguy hiểm cho bạn và bé, nhất là khi các thao tác bắt đầu hay dừng lại đột ngột có thể gây tổn hại cho em bé của bạn;
- Đạp xe: Nếu bạn không có thói quen đạp xe thì bạn không nên thử hoạt động này khi mang thai. Tuy nhiên, đối với các bạn phải sử dụng xe đạp thường xuyên, bạn vẫn có thể tiếp tục đạp xe đến ba tháng giữa của thai kỳ. Lúc này, bạn cảm giác không thoải mái khi đạp xe vì trọng tâm cơ thể thay đổi nhiều và có thể làm cho việc đi xe đạp trở nên nguy hiểm. Thay vì vậy, bạn có thể sử dụng loại máy đạp xe tập thể dục trong nhà;
- Các môn thể thao: Các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Vì đây là những môn thể thao dễ gây chấn thương, va chạm hay té ngã trong quá trình chơi;
- Lặn: Lặn là hoạt động khá thú vị, tuy nhiên, đối với mẹ bầu, bạn nên hạn chế vì hoạt động này có thể gây hại cho em bé khi bạn lặn sâu;
- Trượt tuyết: Nếu bạn đang ấp ủ ước muốn trượt tuyết khi mang thai, bạn nên cân nhắc vì theo hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyên các bà mẹ không xuống dốc trượt tuyết khi mang thai. Nguy cơ chấn thương của trò chơi này là rất cao. Nếu bạn vẫn quyết định trượt tuyết, hãy chọn đường trượt nhẹ nhàng có thể giúp bạn tập thể dục tim mạch;
- Thể dục dụng cụ: Đây là hoạt động có nguy cơ cao té ngã và gia tăng chấn thương bụng. Tốt nhất là các mẹ bầu nên hạn chế hoạt động này;
- Cưỡi ngựa: Bạn nên tránh xa trò chơi này, ngay cả khi bạn là một tay đua cừ khôi, nó vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến mẹ bầu và thai nhi;
- Sử dụng bồn nóng và phòng tắm hơi: Ngâm mình trong bồn tắm nước nóng, jacuzzi (bể tắm lớn có các tia nước phun lên để massage cơ thể) hay ngồi trong một phòng tắm hơi cũng có thể gây nguy hiểm cho thai nhi vì nước quá nóng sẽ làm gia tăng các dị tật bẩm sinh cho thai nhi;
- Chạy bộ: Bạn không nên chạy bộ trong lúc mang thai. Đặc biệt, khi bạn mang bầu từ 3 tháng trở lên, nguy hiểm sẽ trở nên lớn hơn đối với mẹ và con;
- Lặn bằng bình khí: Đây là một hoạt động tuyệt đối không vì rất nguy hiểm cho cả bạn và em bé đang phát triển trong bụng mẹ;
- Lướt sóng và trượt nước: Môn thể thao này khá nguy hiểm, tăng nguy cơ té ngã và chấn thương bụng;
- Tennis: Bạn chỉ được chơi tennis trước khi bạn mang thai. Vì khi có bầu, bạn sẽ gặp khó khăn khi giữ thăng bằng cơ thể. Hầu hết phụ nữ thấy rằng thật khó để chơi thoải mái khi bụng của mẹ bầu trở nên lớn hơn bắt đầu từ tháng thứ 3 trở đi.
Tham gia các hoạt động thể chất, tập thể dục khi mang thai là điều rất tốt, thế nhưng sự an toàn của bạn và em bé vẫn phải được đặt lên trên hết. Vì vậy, bạn nên cân nhắc các hoạt động thể thao khi mang bầu để không gây ảnh hưởng đến mẹ bầu và sức khỏe thai nhi.
Dấu hiệu của việc tập thể dục khi mang thai quá sức và sai cách
Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo rằng bạn phải ngừng tập ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo sau đây trong quá trình tập thể dục khi mang thai:
- Âm đạo chảy máu
- Đau thắt
- Âm đạo tiết dịch lỏng
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Đau đầu
- Đau ngực hoặc tim đập nhanh
- Đau hoặc sưng bắp chân (có thể là dấu hiệu của cục máu đông)
- Mờ mắt
- Đau ở vùng bụng hoặc ngực
Nếu vợ chồng bạn đã rất cố gắng để có thai hay bạn đang có nguy cơ hoặc được chẩn đoán có vấn đề nhất định (chẳng hạn như sinh non hoặc hạn chế sự tăng trưởng trong tử cung, tiền sản giật, vỡ ối, chảy máu kéo dài, suy cổ tử cung hoặc thiếu máu nặng), bạn sẽ cần phải hạn chế các hoạt động. Mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa và các chuyên gia y tế nhằm thiết kế một bài tập thể dục khi mang thai phù hợp nhất cho mình.