Định nghĩa
Bọng nước Pemphigoid là gì?
Bọng nước Pemphigoid là một bệnh về da hiếm gặp. Bệnh bắt đầu với những vết đỏ hoặc nổi mẩn (nổi mề đay) và thay đổi thành những bọng nước lớn sau vài tuần hoặc vài tháng. Bệnh có thể tiến triển mãn tính nếu kéo dài hoặc quay trở lại sau khi lành bệnh.
Những ai thường mắc phải bọng nước Pemphigoid?
Bệnh thường gặp nhất ở những người trên 60 tuổi và đặc biệt nguy hiểm nếu người bệnh có sức khỏe yếu. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của bọng nước Pemphigoid?
Một số bệnh nhân không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Một số có thể xuất hiện những vết mẩn đỏ, cảm giác ngứa, rát. Trường hợp nghiêm trọng, những bọng nước bắt đầu xuất hiện. Chúng thường gặp ở nách, tay, bụng, bên trong đùi và chân. Khoảng 1/3 bệnh nhân bị Pemphigoid, bọng nước còn mọc ở miệng. Những bọng nước có thể vỡ, tạo thành vết loét hoặc vết thương hở.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn bị rộp da mà không rõ nguyên nhân hoặc da xuất hiện vết mẩn đỏ gây ngứa mà chữa tại nhà không hết thì hãy đến gặp bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bọng nước Pemphigoid là gì?
Nguyên nhân gây bệnh hiện chưa rõ nhưng có thể liên quan đến rối loạn hệ miễn dịch, ảnh hưởng của một số loại bệnh khác, hay do tác dụng phụ của thuốc. Những mụn xuất hiện do vấn đề trong hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch của cơ thể của bạn thường tạo ra các kháng thể để chống lại vi khuẩn, virus hoặc các chất lạ có thể gây hại khác. Vì những lý do không rõ ràng, cơ thể bắt đầu sản sinh ra kháng thể. Khi mắc bọng nước Pemphigoid, hệ thống miễn dịch sản xuất kháng thể giữa phần biểu bì và phần hạ bì của da. Những kháng thể được kích hoạt hoạt động và gây viêm, sản sinh ra mụn nước và gây ngứa.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể gây ra bọng nước Pemphigoid như:
- Thuốc: sử dụng một số loại thuốc có thể gây bọng nước Pemphigoid bao gồm: penicillin, etanercept (Enbrel), sulfasalazine (Azulfidine) và furosemide (Lasix).
- Sử dụng liệu pháp ánh sáng và bức xạ: dùng liệu pháp ánh sáng cực tím để điều trị một tình trạng da nhất định có thể gây ra bóng nước Pemphigoid, ví dụ như trị liệu bức xạ để điều trị ung thư.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bọng nước Pemphigoid?
Bọng nước Pemphigoid thường xảy ra ở những người trên 60 tuổi, do đó tuổi càng cao và sức khỏe càng yếu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh càng tăng.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bọng nước Pemphigoid?
Một loại thuốc chống viêm tên là corticosteroids sẽ được bác sĩ kê toa. Thuốc có dạng uống và dạng tiêm. Trường hợp bệnh nhẹ hoặc phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ dùng thuốc corticosteroids dạng bôi. Bác sĩ cũng có thể sẽ kê cho bạn thuốc tăng cường hệ miễn dịch.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bọng nước Pemphigoid?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh lí và xét nghiệm da. Bác sĩ kiểm tra bên ngoài vùng da bị bọng, kiểm tra mẫu da và một số trường hợp sẽ tiến hành thử máu. Ngoài ra còn thực hiện xét nghiệm sinh thiết da, lấy một mẫu nhỏ da xét nghiệm để khẳng định kết quả chẩn đoán.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bọng nước Pemphigoid?
Những thói quen tốt sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh bao gồm:
- Uống thuốc được kê. Ngoài ra, thông báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc bạn dùng, bao gồm cả thuốc không kê toa.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Chế độ ăn lỏng hoặc nhẹ có thể giúp bạn giảm đau khi ăn hoặc nuốt.
- Vệ sinh da sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn.
- Kiểm tra quá trình phục hồi của da. Theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng như tấy đỏ, chảy mủ, đau đớn, chỗ bọng bị sưng hoặc hạch bạch huyết và sốt.
- Giặt quần áo, khăn và ra giường thường xuyên nếu bọng nước rỉ ra, bị bể, đóng vảy hoặc nhiễm trùng.
- Gọi cho bác sĩ nếu bạn có triệu chứng nhiễm trùng, bọng da nặng hơn, xuất hiện chỗ bọng hoặc triệu chứng mới.
- Đến các cơ sở y tế nếu nếu bạn bị sốt, hôn mê, rối loạn hoặc yếu ớt.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.