Khi bàn về việc dạy trẻ lên hai học chữ, có lẽ bạn sẽ cho rằng sớm quá, trẻ tuổi này biết gì đâu. Hãy nghĩ lại và tham khảo bài viết sau nhé.
Khi sinh con ra, ngoài việc chăm lo cho con từng bữa ăn giấc ngủ, bạn còn cần dành thời gian để dạy dỗ con những kỹ năng cần thiết khác trong cuộc sống. Bạn không nên nghĩ cứ giao việc dạy dỗ cho nhà trường từ mẫu giáo đến các bậc học cao hơn. Khi trẻ mới 2 tuổi, bạn có thể dạy con một số việc như học chữ, số, phân loại… Chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn 5 cách dạy con học trong độ tuổi này.
1. Học chữ
Khoảng 2 tuổi, trẻ bắt đầu nhận dạng được những chữ cái có trong tên mình. Bạn hãy chỉ và đọc to từng từ cho con nghe. Tiến sĩ Erin Seaton, Đại học Tufts, Massachusetts, Mỹ, cho rằng việc nói từng chữ cái khác nhau bắt đầu với tên của con sẽ giúp con học được nhiều từ hơn.
Ví dụ: Con tên là Mai, bắt đầu với chữ M. Lúc này, bạn có thể dạy con những chữ bắt đầu bằng chữ m như mẹ, mắt, mũi, miệng…
Bạn cũng có thể hướng dẫn con đọc và chỉ những từ trên bảng chỉ dẫn hay tên cửa hàng. Ngoài ra, bạn nhớ đọc to để giúp trẻ nhớ mặt chữ và cách phát âm chữ cái đó.
2. Học số
Theo tiến sĩ Erin Seaton, khi 2 tuổi, con có thể đọc được các số từ 1 – 10 theo thứ tự nhưng khả năng này không duy trì đến khi con học mẫu giáo. Tuy nhiên, để khuyến khích việc học đếm số, bạn cho con đếm số nút trên áo của con, đếm số bát đã dọn ra trên bàn… Khi đếm số, bé sử dụng các ngón tay để dễ dàng đếm hơn.
3. Học cách phân loại
Tiến sĩ Erin Seaton cho biết, việc so sánh và đối chiếu rất quan trọng trong việc học toán sớm. Bạn có thể yêu cầu con phân loại đồ chơi nhồi bông, ví dụ như con vật (mèo, cún, gấu…) để một bên và người để một bên; phân theo màu sắc; tìm những chiếc vớ có kích thước và màu sắc giống nhau để tạo thành một đôi. Đôi khi có những đứa trẻ trước hai tuổi có thể biết phân biệt giữa ít và nhiều.
4. Học về hình dạng
Nhiều quyển sách có thể giúp con nhận biết về hình vuông, chữ nhật hay tam giác. Bạn có thể chỉ con vẽ hình tròn lên một tờ giấy. Sau đó, yêu cầu con nhận dạng hình tròn qua các hình trong tạp chí.
Nếu muốn tự làm sách cho con học, bạn chụp những vật trong nhà như cửa sổ hình vuông, bánh xe hình tròn, viên gạch hình chữ nhật… In hình ra và dán vào trong một cuốn tập. Ngoài bìa, bạn dán nhãn là hình dạng. Dán nhiều đồ vật có cùng cùng hình dạng tròn, vuông, tam giác hay chữ nhật để trẻ biết rằng hình dạng có nhiều kích cỡ khác nhau.
Bánh quy không phải lúc nào cũng hình tròn, bánh sandwich không phải luôn hình vuông. Nhiều trẻ thích các loại thức ăn như pancake, bánh mì phô mai. Bạn có thể cắt chúng thành nhiều hình dạng như tròn, vuông, chữ nhật, tam giác, ngôi sao, oval… Nếu biết làm bánh quy, khi dùng dụng cụ cắt bột, bạn cho trẻ tham gia và cùng phân loại hình dạng của chiếc bánh.
5. Phân loại màu sắc
Để giúp con phân loại màu sắc, bạn có thể cho con chơi trò nhúng tay vào thùng sơn, mỗi ngón tay là một màu. Dạy con tên của từng màu. Sau đó, bạn yêu cầu con tìm những đồ vật trong nhà có màu sắc tương tự với màu trên tay con. Dạy con biết có nhiều sắc thái màu sắc, ví dụ từ màu xanh da trời đến xanh đậm hơn và đậm nhất là gần như màu đen.
Việc sử dụng ngôn ngữ miêu tả càng nhiều sẽ càng giúp con nhận diện được những màu sắc khác nhau. Bạn có thể nói con: “Con hãy đặt quả bóng màu vàng lên chiếc hộp màu xanh đi” hay “Con thích những quả táo màu đỏ hay quả chuối màu vàng hơn?”. Bạn cũng có thể dùng những màu sắc tương ứng với các ngày trong tuần. Ví dụ, thứ 5 hàng tuần, con dùng tất cả đồ vật có màu xanh như mặc áo xanh, ăn rau xanh và cuối ngày con tắm trong thau nước màu xanh.