Khi bạn bị nổi mụn trên đầu, chúng cũng đau và ngứa như mụn trên mặt hoặc lưng của bạn, nhưng khó điều trị hơn vì bị tóc che phủ. Chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách điều trị dứt điểm mụn ở trên đầu và phương pháp ngăn ngừa chúng tái phát.
Nguyên nhân gây mụn trên đầu
- Các tạp chất, bã nhờn hoặc tế bào chết làm tắc nghẽn lỗ chân lông hoặc viêm nang lông tóc. (1)
- Sản phẩm gel vuốt tóc, keo xịt tóc, dầu bóng tóc còn thừa lại tích tụ trên da đầu và nang tóc.
- Không gội đầu thường xuyên hoặc sau khi tập luyện thể thao.
- Đội nón quá chật gây nóng bức da đầu, làm đổ mồ hôi đầu.
- Do một số loại vi khuẩn gây mụn trên đầu như: cutibacterium, staphylococcus epidermidids, propionibacterium acnes, staphylococcus aureus, demodex folliculorum.
Cách trị mụn trên đầu dứt điểm
1. Trị mụn trên đầu bằng benzoyl peroxide
Benzoyl peroxide là một thành phần thường thấy trong sữa rửa mặt và kem trị mụn. Chúng sẽ tiêu diệt vi khuẩn gây mụn bám vào lỗ chân lông để tránh hình thành mụn mới. Chúng cũng giảm lượng dầu thừa trên da và làm sạch tế bào chết tại khu vực điều trị.
Benzoyl peroxide thường được điều chế ở các dạng tá dược từ 2,5% đến 10% trong các sản phẩm không kê đơn.
Bạn cần thận trọng khi sử dụng sản phẩm này để trị mụn mọc trên đầu. Tác dụng phụ của benzoyl peroxide bao gồm tẩy màu tóc, da khô, đỏ, nóng rát và có thể làm bong tróc da.
2. Sử dụng salicylic acid làm sạch lỗ chân lông
Salicylic acid là một trong những thành phần trị mụn được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Sử dụng salicylic acid trị mụn trên đầu sẽ giúp bạn làm sạch lỗ chân lông bị tắc nghẽn, thu nhỏ chúng và ngăn ngừa tình trạng tái phát.
Tuy nhiên, salicylic acid có thể gây kích ứng da nhẹ, khiến bạn có cảm giác châm chích ở da đầu.
3. Dùng AHA điều trị mụn trên đầu
Có hai loại alpha hydroxy acid là glycolic acid và lactic acid. Cả hai loại này thường được sử dụng trong các phương pháp trị mụn không kê đơn.
AHA giúp loại bỏ các tế bào da chết và giảm viêm. Sau khi sử dụng AHA trị mụn trên đầu một thời gian, bạn sẽ thấy các nốt mụn xẹp xuống và giảm hẳn tình trạng bong tróc da đầu.
4. Làm sạch da đầu bằng lưu huỳnh
Một số người sử dụng lưu huỳnh để trị mụn trên đầu đều nhận được kết quả khả quan. Lưu huỳnh có mùi hơi khó chịu nhưng chúng có thể giúp bạn lấy đi lớp sừng chết và làm sạch bã nhờn trên da đầu.
Lưu huỳnh cũng làm khô các nốt mụn nhọt, mụn đỏ nhanh chóng, giúp thu nhỏ kích thước của chúng và giảm hẳn sưng viêm.
5. Dùng retinoid bôi lên nốt mụn
Retinoid là một loại thuốc bôi có tác dụng ngăn ngừa viêm nang lông, một trong những nguyên nhân làm hình thành mụn da đầu.
Bạn nên bôi retinoid vào buổi tối trước khi đi ngủ. Khi mới bắt đầu sử dụng, bạn chỉ nên dùng ba lần mỗi tuần. Sau khi đã quen thuốc, bạn có thể sử dụng hàng ngày để nốt mụn trên đầu mau lành hơn.
6. Trị mụn trên đầu bằng dapsone
Dapsone (aczone) là một sản phẩm hai trong một gồm kháng sinh kết hợp với thuốc chống viêm. Dapsone dạng bôi sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mọc mụn trên đầu và làm sạch nang tóc.
Chúng thường được kết hợp với retinoid để tối ưu hiệu quả điều trị. Tác dụng phụ không mong muốn là làm da đầu bạn khô hơn, hơi đỏ hoặc kích ứng nhẹ.
7. Điều trị tại chỗ bằng kháng sinh
Đối với các trường hợp mụn trên đầu nghiêm trọng, điều trị tại chỗ bằng kháng sinh sẽ giúp xử lý các nốt mụn hiện tại và tránh tình trạng bùng phát mụn có thể xảy ra về sau.
Thuốc kháng sinh thường được sử dụng chung với benzoyl peroxide để giảm nguy cơ kháng thuốc của vi khuẩn trên da dầu. Chúng cũng có thể kết hợp với retinoid để tăng hiệu quả điều trị mụn ở đầu.
Các loại kháng sinh phổ biến thường được phối hợp để điều trị mụn trên đầu bao gồm clindamycin và benzoyl peroxide (benzaclin, duac) hoặc erythromycin và benzoyl peroxide (benzamycin).
8. Uống thuốc kháng sinh
Khi da đầu nổi mụn, bạn sẽ có cảm giác ngứa, thậm chí là đau nhức. Các bác sĩ có thể sẽ kê toa thuốc kháng sinh đường uống cho bạn để trị ngứa và chống dị ứng.
Thuốc kháng sinh sẽ được kê toa tùy theo mức độ nghiêm trọng của nốt mụn trên đầu bạn. Các loại thuốc kháng sinh phổ biến nhất là tetracycline, minocycline và doxycycline.
9. Dùng thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai là một trong những cách điều trị mụn trên đầu hiệu quả. Ở phụ nữ, việc thay đổi nội tiết tố có thể khiến họ bị bùng phát mụn. Thuốc tránh thai có thể giúp cân bằng nội tiết tố nữ và ngăn ngừa mụn phát sinh. Tuy nhiên, bạn cần xin tư vấn trực tiếp từ bác sĩ trước khi sử dụng thuốc tránh thai để hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn.
10. Sử dụng chất ức chế androgen
Các chất ức chế androgen như spironolactone (aldactone) thường được kê cho phụ nữ hoặc các bé gái trong độ tuổi dậy thì. Nhóm thuốc này sẽ hạn chế tác động của nội tiết tố androgen lên tuyến bã nhờn, giúp da bớt đổ dầu hơn. Bên cạnh đó, các tác dụng phụ thường gặp bao gồm đau ngực và tích trữ kali trong cơ thể.
Cách ngăn ngừa mụn trên đầu
1. Gội đầu hàng ngày
Thông thường, có thể cách 1 – 2 ngày bạn mới gội đầu một lần. Tuy nhiên, nếu bạn thường bị nổi mụn trên đầu, bạn nên cố gắng gội đầu hàng ngày. Việc này sẽ giảm lượng dầu nhờn trên tóc, làm hạn chế phát sinh mụn trên đầu. Ngoài ra, bạn cũng nên gội sạch tóc sau các cuộc vận động ngoài trời hoặc tập luyện thể thao.
Bạn hãy sử dụng các sản phẩm dầu gội đầu có thành phần tự nhiên. Không nên sử dụng dầu gội có thành phần hóa chất dễ gây dị ứng hoặc kích ứng da đầu.
Bạn cũng nên hạn chế dùng dầu xả tóc. Nếu sử dụng, hãy xả tóc thật sạch để tránh khiến da đầu đổ dầu nhiều hơn nhé!
2. Tránh các chất gây kích ứng da đầu
Bạn đã gội đầu mỗi ngày nhưng vẫn bị nổi mụn trên đầu? Nguyên nhân có thể từ các sản phẩm cho tóc khác như keo xịt tóc, gel vuốt tóc mà bạn đang sử dụng. Các loại thuốc nhuộm, uốn, duỗi tóc cũng có thể gây kích ứng da đầu.
Bạn nên kiểm tra phản ứng của da với sản phẩm tại một vùng nhỏ trước khi sử dụng trên diện rộng. Tránh thoa chúng quá sát với chân tóc hay thoa trực tiếp lên da đầu.
3. Để da đầu thông thoáng
Một số người có thói quen sống lành mạnh nhưng vẫn bị nổi mụn trên đầu do đội mũ quá chật hoặc mũ không được vệ sinh thường xuyên. Với thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam, bạn rất dễ tiết mồ hôi đầu. Việc đội mũ (nhất là mũ bảo hiểm) không sạch sẽ khiến vi khuẩn và bụi bẩn bám sâu vào các nang tóc, hình thành mụn viêm.
Bạn nên giặt mũ định kỳ và nới lỏng mũ khi đội để da đầu thoáng mát hơn nhé!
4. Chải đầu thường xuyên
Tóc rối chỉ khiến lớp da chết, bụi bẩn và dầu nhờn tích tụ trên da đầu bạn và gây mụn trên đầu. Việc chải đầu thường xuyên sẽ giúp loại bỏ phần nào các tế bào chết ra khỏi da đầu, hạn chế tình trạng tóc bết dính. Tuy nhiên, bạn nên chải tóc nhẹ nhàng, không nên giật tóc quá mạnh khiến tóc bị gãy rụng hoặc cọ xát mạnh làm trầy xước da đầu.
5. Cắt tóc định kỳ sẽ hạn chế mụn trên đầu
Nếu bạn dễ bị nổi mụn ở trên đầu, bạn nên chủ động cắt tóc định kỳ. Tóc dài vừa phải sẽ giúp bạn dễ kiểm soát lượng dầu nhờn trên tóc, chăm sóc chúng dễ hơn và ngăn chặn nguy cơ tái phát mụn.
6. Bổ sung chất dinh dưỡng
Thiếu vitamin và khoáng chất là một trong những nguyên nhân khiến mụn trên đầu bị tái đi tái lại. Bạn có thể uống viên uống bổ sung hoặc thường xuyên ăn các thực phẩm bổ sung vitamin A, D, E và kẽm như ngũ cốc, bí ngô, hạt vừng, cà rốt… để da đầu và tóc mọc khỏe mạnh.
Bạn cũng có thể dùng kem ủ tự nhiên làm tại nhà để dưỡng tóc trực tiếp như mặt nạ chuối hay mặt nạ trứng gà.
Để hạn chế hoạt động của tuyến bã nhờn, bạn nên tránh xa một số thực phẩm như: đồ ngọt, caffeine, dầu mỡ, đồ cay nóng.
Tuy nổi mụn trên da đầu không gây mất thẩm mỹ như các loại mụn trên mặt và cũng không gây nguy hiểm nhưng nếu không điều trị dứt điểm, chúng có thể trở thành bệnh mãn tính. Điều này có thể khiến nang tóc của bạn bị teo lại, dẫn đến rụng tóc nhiều và có thể gây hói đầu. Thế nên, nếu thấy tình trạng mụn trên đầu không thuyên giảm sau khi điều trị tại nhà một thời gian, bạn nên đi khám bác sĩ để được điều trị dứt điểm.