Giang mai bẩm sinh

(3.53) - 18 đánh giá

Giang mai bẩm sinh hay còn gọi là tình trạng giang mai ở trẻ sơ sinh, giang mai sơ sinh. Đây là loại bệnh do mẹ truyền sang con, tuy nhiên nếu phát hiện sớm ở mẹ thì vẫn có thể giảm được nguy cơ lây bệnh cho thai nhi.

Tìm hiểu chung

Bệnh giang mai bẩm sinh là gì?

Giang mai bẩm sinh (CS) là bệnh xảy ra khi người mẹ mắc giang mai truyền bệnh cho con trong thai kỳ. Bệnh có thể có tác động lớn đến sức khỏe của thai nhi. Mức độ ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe của trẻ tùy thuộc vào thời gian bạn mắc giang mai và điều trị nhiễm trùng.

Giang mai có thể gây ra:

  • Sẩy thai
  • Trẻ tử vong trong lúc sinh
  • Sinh non
  • Cân nặng khi sinh của trẻ thấp

Có tới 40% trẻ có mẹ mắc bệnh giang mai không được điều trị có thể chết non hoặc chết vì nhiễm trùng khi mới sinh.

Dấu hiệu & Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng giang mai bẩm sinh là gì?

Hầu hết giang mai ở trẻ sơ sinh không có dấu hiệu đặc thù. Tuy nhiên theo thời gian, các triệu chứng có thể phát triển. Ở trẻ dưới 2 tuổi, các triệu chứng thường bao gồm:

  • Gan hoặc lách to
  • Không tăng cân hoặc không phát triển mạnh (cân nặng thấp trước và sau khi sinh)
  • Sốt
  • Cáu gắt
  • Kích ứng và nứt da quanh miệng, bộ phận sinh dục và hậu môn
  • Phát ban trên da dưới dạng những mụn nước nhỏ, đặc biệt là ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Sau đó chuyển sang phát ban màu đồng, phẳng hoặc gồ ghề.
  • Bất thường xương
  • Không thể di chuyển một cánh tay hoặc chân đau
  • Chảy nước mũi

Các triệu chứng ở trẻ lớn và trẻ nhỏ có thể bao gồm:

  • Bất thường về răng, cụ thể là tình trạng răng cửa Hutchinson
  • Đau xương
  • Mù lòa
  • Đục giác mạc
  • Giảm thính lực hoặc điếc
  • Biến dạng mũi với sống mũi dẹt
  • Có các mảng màu xám giống như chất nhầy xung quanh hậu môn và âm đạo
  • Sưng khớp
  • Dị tật xương chày
  • Sẹo ở vùng da quanh miệng, bộ phận sinh dục và hậu môn

Cũng có trường hợp giang mai ở trẻ sơ sinh không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy vậy, nếu không điều trị, trẻ có thể mắc các vấn đề nghiêm trọng trong vài tuần tuổi hoặc nhiều năm sau đó.

Những em bé không được điều trị giang mai bẩm sinh và phát triển các triệu chứng sau này có thể chết vì nhiễm trùng. Trẻ cũng có thể rơi vào tình trạng chậm phát triển hoặc co giật.

Một số triệu chứng khác có thể không được liệt kê ở trên. Nếu bạn có bất kỳ mối quan tâm nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến ​​bác sĩ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây giang mai bẩm sinh?

Bệnh giang mai bẩm sinh là do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra, được truyền từ mẹ sang con trong quá trình phát triển của thai nhi hoặc khi sinh. Gần một nửa số trẻ bị nhiễm giang mai khi còn trong bụng mẹ tử vong ngay trước hoặc sau khi sinh.

Do đó, mẹ bầu nên làm kiểm tra bệnh giang mai ở lần khám tiền sản đầu tiên. Nếu bạn không được kiểm tra trong lần khám đầu tiên, hãy nhớ hỏi bác sĩ về việc kiểm tra trong lần sau. Một số người có thể phải làm xét nghiệm nhiều lần trong khi mang thai.

Bạn có thể không biết mình mắc bệnh giang mai vì không có bất cứ triệu chứng nào. Ngoài ra, các triệu chứng giang mai có thể rất nhẹ hoặc tương tự các dấu hiệu của vấn đề sức khỏe khác. Cách duy nhất để biết chắc chắn bạn mắc bệnh giang mai hay không là làm xét nghiệm.

Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc giang mai bẩm sinh?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh giang mai bẩm sinh, như:

  • Bệnh giang mai không được điều trị ở người mẹ
  • Mẹ bầu không được chăm sóc đúng cách
  • Địa vị kinh tế – xã hội thấp

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán giang mai bẩm sinh?

Nếu bác sĩ nghi ngờ trẻ bị nhiễm trùng vào lúc sinh, họ sẽ lấy nhau thai để kiểm tra các dấu hiệu của bệnh giang mai. Việc kiểm tra thể chất của trẻ sơ sinh có thể cho thấy dấu hiệu sưng gan hoặc lách và viêm xương.

Người mẹ sẽ cần làm các xét nghiệm máu định kỳ cho bệnh giang mai trong thai kỳ, bao gồm:

  • Phản ứng xoắn khuẩn miễn dịch huỳnh quang có triệt hút (FTA-ABS)
  • Xét nghiệm sàng lọc kháng thể trong máu (RPR)
  • Xét nghiệm bệnh hoa liễu (VDRL)

Trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ có thể làm các xét nghiệm sau:

  • X-quang xương
  • Xét nghiệm phát hiện vi khuẩn giang mai dưới kính hiển vi
  • Kiểm tra mắt
  • Chọc dò tủy sống để lấy dịch tủy sống làm xét nghiệm
  • Xét nghiệm máu (tương tự các xét nghiệm làm cho người mẹ)

Những phương pháp nào giúp điều trị giang mai ở trẻ sơ sinh?

Việc điều trị giang mai ở trẻ sơ sinh cần thực hiện ngay lập tức, nếu không bệnh có thể phát triển thành các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tùy thuộc vào kết quả đánh giá y tế của bé, bác sĩ có thể cho bé dùng kháng sinh tại bệnh viện trong 10 ngày. Một số trường hợp, trẻ chỉ cần một lần tiêm kháng sinh.

Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định penicillin để điều trị vấn đề này dưới dạng tiêm hoặc truyền. Nếu em bé bị dị ứng penicillin, bác sĩ sẽ dùng với liều lượng rất nhỏ và quan sát cẩn thận cho đến khi cơ thể trẻ quen với thuốc. Nếu phương pháp này không thành công, bác sĩ sẽ chỉ định một loại kháng sinh khác.

Điều quan trọng là các em bé điều trị giang mai bẩm sinh phải được chăm sóc theo dõi để đảm bảo rằng việc điều trị có hiệu quả.

Kiểm soát bệnh

Những biện pháp nào giúp bạn kiểm soát giang mai bẩm sinh?

Các lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà sau đây có thể giúp bạn ngăn ngừa bệnh giang mai bẩm sinh:

  • Không nên quan hệ với nhiều bạn tình.
  • Sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ. Mặc dù bao cao su có thể ngăn ngừa lây truyền bệnh giang mai bằng cách ngăn chặn sự tiếp xúc với vết loét, nhưng đôi khi vết loét giang mai xảy ra ở những khu vực không có bao cao su. Do đó, tiếp xúc với những vết loét này vẫn có thể truyền bệnh giang mai.
  • Tất cả phụ nữ mang thai nên làm kiểm tra bệnh giang mai ở lần khám tiền sản đầu tiên.
  • Nếu đang mang thai và mắc bệnh giang mai, bạn vẫn có thể giảm nguy cơ trẻ mắc giang mai bẩm sinh. Làm xét nghiệm và điều trị bệnh giang mai có thể ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe ở cả mẹ và bé.
  • Chăm sóc trước khi sinh để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Chấn thương thanh quản

(22)
Tìm hiểu chungChấn thương thanh quản là tình trạng gì?Đứt thanh quản có thể xảy ra sau chấn thương trực tiếp vào vùng cổ và có thể dẫn đến tắc nghẽn ... [xem thêm]

Phẫu thuật giá âm đạo không căng

(10)
Tìm hiểu chungPhẫu thuật giá âm đạo không căng là gì?Giá âm đạo không căng là phẫu thuật để điều trị tiểu không kiểm soát khi gắng sức. Tiểu không ... [xem thêm]

Babesia (nhiễm trùng do Babesia)

(30)
Tìm hiểu chungBabesia (nhiễm trùng do Babesia) là bệnh gì?Bệnh Babesia là bệnh nhiễm trùng do một loài ký sinh trùng rất nhỏ có tên Babesia gây ra. Bệnh lây truyền ... [xem thêm]

Cận thị

(58)
Cận thị là một tật khúc xạ thường gặp ở mắt và ngày càng nhiều người mắc phải. Để tìm hiểu rõ hơn về các dấu hiệu của mắt bị cận thị và ... [xem thêm]

Tắc nghẽn niệu quản

(61)
Tìm hiểu chungTắc nghẽn niệu quản là gì?Hệ thống tiết niệu được tạo thành bởi thận, hai ống mang nước tiểu từ thận đến bàng quang gọi là niệu ... [xem thêm]

Xét nghiệm sùi mào gà

(84)
Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm sùi mào gàBộ phận cơ thể/Mẫu thử: Bộ phận sinh dục ở nam hoặc nữ, mẫu máu/dịchTìm hiểu chung về xét nghiệm sùi mào ... [xem thêm]

Bàn chân đái tháo đường

(27)
Tìm hiểu chungBàn chân đái tháo đường là gì?Bàn chân đái tháo đường là biến chứng xảy ra ở người bị đái tháo đường (tiểu đường). Những người ... [xem thêm]

Tăng sản thượng thận bẩm sinh

(92)
Tìm hiểu chungTăng sản thượng thận bẩm sinh là bệnh gì?Bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh là tình trạng một nhóm các rối loạn di truyền ảnh hưởng ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN