BMI của mẹ – nguy cơ lớn nhất của béo phì ở trẻ em
Một nghiên cứu trên 45.000 phụ nữ cho thấy nồng độ glucose trong máu tăng nhưng vẫn ở dưới mức chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, có liên quan đến nguy cơ béo phì ở trẻ em, điều này củng cố sự cần thiết để quản lý thai kỳ tốt hơn nhằm giảm sự gia tăng đường huyết trong thai kỳ.
Nguy cơ béo phì ở trẻ em cao hơn đáng kể ở những phụ nữ có kết quả sàng lọc glucose bất thường ( RR 1,13; 95% CI, 1,06; 1,20) so với những phụ nữ có kết quả sàng lọc bình thường, kết quả đã được hiệu chỉnh theo tuổi mẹ, chủng tộc, dân tộc và chỉ số khối cơ thể (BMI).
Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng nguy cơ béo phì ở trẻ em không tăng ở những bà mẹ mắc đái tháo đường thai kì có cân nặng bình thường hoặc quá cân, nhưng nguy cơ này lại tăng ở nhưng bà mẹ mắc đái tháo đường thai kì và béo phì.
Nghiên cứu được dẫn đầu bởi Giáo sư-Tiến sĩ về sức khỏe cộng đồng Samantha Ehrlich tại Trường Đại học Tennessee, Knoxville và các nhà nghiên cứu tại Kaiser Permanente, Bắc California đã được công bố trực tuyến vào ngày 10 tháng 5 trên PLoS One.
Ehrlich đã phát biểu rằng: “Thông tin này rất quan trọng vì nó gợi ý rằng chúng ta có thể ngăn ngừa béo phì ở trẻ em theo hai cách: giúp các bà mẹ đạt được chỉ số BMI bình thường trước khi mang thai và giảm thiểu sự tăng đường huyết trong suốt thai kỳ”.
Theo các tác giả, các kết quả cũng cho thấy rằng, trong bối cảnh lâm sàng, xét nghiệm sàng lọc glucose bất thường và/ hoặc một giá trị glucose bất thường riêng lẻ theo ngưỡng của Hiệp hội Nghiên cứu Đái tháo đường và Thai kỳ Quốc tế (IADPSG) hoặc theo ngưỡng của tiêu chuẩn Carpenter-Coustan (CC) có thể được sử dụng để nhận diện trẻ có nguy cơ béo phì trẻ em.
Tuy nhiên, các tác giả nói thêm, tần suất mắc đái tháo đường thai kỳ sẽ tăng ít nhất 60,6% nếu sử dụng một giá trị glucose bất thường riêng lẻ theo ngưỡng của một trong hai tổ chức trên để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.
Các tác giả cũng lưu ý: “Những lợi ích của việc điều trị cho phụ nữ có mức đường huyết thấp hơn các ngưỡng trên phải được xem xét cùng với sự gia tăng gánh nặng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và chi phí điều trị”.
Cơ sở dữ liệu lớn dựa vào hơn 45,000 phụ nữ mang thai
Nghiên cứu nhằm mục đích đánh giá mối liên quan giữa tiêu chuẩn glucose khác nhau trong thai kì và ngưỡng được khuyến cáo chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ với bệnh béo phì trẻ em từ 5 – 7 tuổi. Ngoài ra, họ còn cố gắng tìm kiếm để điều tra những tác động chung của BMI mẹ và tăng đường huyết khi mang thai đối với nguy cơ béo phì của trẻ sau này.
Nghiên cứu phân tích dữ liệu từ 46,396 bà mẹ sinh con từ năm 1995 tới năm 2004 – nằm trong hệ thống chăm sóc sức khỏe Kaiser Permanente miền Bắc California, và họ cũng phân tích dữ liệu (cân nặng và chiều cao) của những đứa trẻ này được theo dõi trong giai đoạn từ 5 – 7 tuổi.
Tiêu chuẩn thực hành lâm sàng ở Mỹ cho phụ nữ mang thai là xét nghiệm sàng lọc glucose từ tuần thai 24 – 28. Nếu xét nghiệm cho thấy nồng độ glucose tăng cao, thì sẽ bổ sung thêm xét nghiệm để xác định xem người phụ nữ này có mắc đái tháo đường thai kỳ hay không.
Một khi nồng độ glucose tăng cao đã được theo dõi trong xét nghiệm sàng lọc (giữa tuần thai 24 và 28), những đứa trẻ này có nguy cơ mắc bệnh béo phì ở độ tuổi từ 5 – 7 cao hơn, ngay cả khi nồng độ glucose của bà mẹ khi mang thai dưới ngưỡng được coi là ngưỡng chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.
Ở độ tuổi trung bình 6,3 tuổi, 4900 trẻ (10,6%) được phân loại là béo phì theo giới hạn của Tổ chức hành động vì béo phì Quốc tế (IOTF) và 7360 trẻ (15,9%) mắc bệnh béo phì theo tiêu chuẩn tăng trưởng của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).
BMI mẹ: Yếu tố dễ thay đổi nhất để ngăn ngừa béo phì ở trẻ sơ sinh
Ehrlich và các đồng tác giả nhấn mạnh rằng mối liên quan giữa tăng đường huyết khi mang thai và béo phì ở trẻ em phần lớn được giải thích là do BMI của mẹ.
Ehrlich giải thích trong thông cáo báo chí:”Khảo sát tác động chung của BMI mẹ và GDM [bệnh đái tháo đường thai kỳ] cho thấy rằng có thể GDM chỉ làm tăng nguy cơ béo phì trẻ em ở phụ nữ bị béo phì”.
Ở phụ nữ béo phì mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ (so với phụ nữ béo phì không có GDM), nguy cơ béo phì ở trẻ em tăng đáng kể là 20% (RR, 1,20; 95% CI, 1,07, 1,34).
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói thêm, bệnh đái tháo đường thai kỳ không làm tăng đáng kể nguy cơ béo phì trẻ em ở phụ nữ có cân nặng bình thường (RR, 1,15; 95%: CI 0,88, 1,52) hoặc phụ nữ thừa cân (RR, 1,15; 95% CI, 0,97, 1,37).
Các tác giả kết luận rằng: “Tổng kết lại, kết quả của nghiên cứu này cho thấy chỉ số BMI của mẹ là yếu tố nổi bật hơn, là yếu tố nguy cơ dễ thay đổi hơn là GDM để giảm thiểu béo phì trẻ em ”