Tại sao cần quan tâm đến vấn đề sinh con muộn?
Mang thai sau 35 tuổi có thể có nhiều khó khăn và nguy cơ cho cả mẹ và bé.
Tuổi tác ảnh hưởng như thế nào đến khả năng sinh sản?
Khả năng sinh sản của người phụ nữ bắt đầu giảm từ sau 32 tuổi và giảm nhanh hơn từ sau 37 tuổi. Điều này do mỗi bé gái sinh ra với một số lượng trứng nhất định trong buồng trứng, số lượng này không tăng thêm mà chỉ giảm đi khi bé lớn lên. Bên cạnh đó, khi phụ nữ đã lớn tuổi, trứng của họ cũng không còn dễ thụ tinh như lúc trẻ… Những vấn đề có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như lạc nội mạc tử cung và u xơ tử cung, cũng thường gặp hơn ở phụ nữ lớn tuổi hơn.
Xem thêm bài: "Có thai sau 35 tuổi" của Bác sĩ Lê Tiểu MyBác sĩ thường lo ngại điều gì nhất đối với những phụ nữ sinh con muộn?
Phụ nữ lớn tuổi thường có sẵn nhiều vấn đề bệnh lý hơn so với phụ nữ trẻ, chẳng hạn như huyết áp cao (xem bài Tiền sản giật). Nếu bạn lớn hơn 35 tuổi, bạn cũng dễ bị tăng huyết áp hoặc các rối loạn khác trong khi mang thai. Nguy cơ mắc tiểu đường hay tiểu đường thai kỳ cũng gia tăng theo tuổi (xem bài Tiểu đường thai kỳ).
Huyết áp cao ảnh hưởng gì đến thai kỳ?
Huyết áp cao đưa đến những nguy cơ bao gồm các vấn đề về nhau thai và sự phát triển của bào thai.
Tiểu đường ảnh hưởng gì đến thai kỳ?
Nếu đang bị tiểu đường, bạn có nguy cơ sinh con dị tật bẩm sinh cao hơn. Những nguy cơ do huyết áp cao cũng tăng lên như sẩy thai và hội chứng trẻ sơ sinh khổng lồ, tình trạng khi bào thai phát triển quá lớn.
Phụ nữ lớn tuổi có nhiều nguy cơ sinh con bị dị tật hơn không? Nguy cơ sinh con mắc dị tật bẩm sinh nếu tính chung ở tất cả các phụ nữ là thấp. Tuy nhiên, ở phụ nữ lớn tuổi, nguy cơ có con mang dị tật bẩm sinh do thiếu, thừa hay tổn thương nhiễm sắc thể tăng lên.
Cần xét nghiệm gì để phát hiện dị tật bẩm sinh ngay khi bé còn trong bụng mẹ?
Mục đích của các xét nghiệm sàng lọc là đánh giá xem nguy cơ các rối loạn di truyền của trẻ sinh ra là cao hay thấp và cần được chỉ định ở tất cả các thai phụ… Trong khi đó, các xét nghiệm chẩn đoán sẽ xác định xem đứa bé có thực sự bị rối loạn di truyền đó hay không. Không phải tất cả các khiếm khuyết di truyền và rối loạn nhiễm sắc thể đều có xét nghiệm chẩn đoán mà chỉ một vài trường hợp mà thôi.
Các xét nghiệm chẩn đoán bao gồm siêu âm đích (targeted ultrasound), chọc ối và lấy mẫu nhung mao màng đệm. Với cặp vợ chồng có nguy cơ cao sinh con bị dị tật bẩm sinh (lớn tuổi hoặc tiền sử gia đình, bản thân sinh con dị tật bẩm sinh), bác sĩ có thể chỉ định luôn xét nghiệm chẩn đoán mà không cần làm xét nghiệm sàng lọc.
Phụ nữ lớn tuổi có dễ sinh đôi, sinh ba hơn không?
Phụ nữ lớn tuổi thường có nguy cơ sinh đôi, sinh ba (hay còn gọi là mang đa thai) cao hơn phụ nữ trẻ. Ngoài ra, một số biện pháp điều trị vô sinh dẫn tới tăng nguy cơ mang đa thai.
Sinh đôi, sinh ba có nguy cơ gì không?
Đa thai có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng như sinh non, tiền sản giật, các vấn đề về sự phát triển của bào thai và tiểu đường thai kỳ. Nguy cơ và độ nặng của bệnh tăng lên theo số đứa bé được mang.
Phụ nữ lớn tuổi khi chuyển dạ sinh có thể gặp những biến chứng gì?
Phụ nữ lớn tuổi có nhiều nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh non. Những đứa trẻ sinh non có thể có những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trước mắt và cả về lâu dài. Ngoài ra, nguy cơ thai lưu (thai chết trong tử cung) cũng cao hơn ở những phụ nữ trên 35 tuổi.
Phụ nữ độ tuổi 30 thường được chỉ định mổ lấy thai hơn phụ nữ ở tuổi 20. Mổ lấy thai cũng có nhiều nguy cơ như các cuộc phẫu thuật lớn ở các cơ quan khác. Những nguy cơ bao gồm nhiễm trùng, tổn thương các cơ quan như ruột hay bàng quang và phản ứng với thuốc gây tê hoặc thuốc gây mê. Những vấn đề này chỉ xảy ra với một số ít phụ nữ và thường có thể được xử lí dễ dàng.
Trước khi mang thai tôi phải chuẩn bị những gì để có thể sinh con khỏe mạnh?
Hãy gặp bác sỹ để được khám và tư vấn trước khi mang thai.
- Chế độ ăn lành mạnh.
- Dùng 0.4 miligrams acid folic mỗi ngày để giúp giảm nguy cơ sinh con mang dị tật ống thần kinh.
- Tập thể dục đều đặn.
- Giảm cân nếu bạn đang quá cân hay béo phì.
- Ngưng hút thuốc, uống rượu bia hay sử dụng các thuốc bất hợp pháp.
- Trong thai kỳ, tránh tiếp xúc với các chất ở nhà hay nơi làm việc mà có thể gây hại cho thai nhi.
Trong khi mang thai tôi cần làm gì để bé khỏe mạnh?
Hãy tiếp tục giữ gìn và chăm sóc sức khỏe của bạn thật tốt trong quá trình mang thai. Đi khám thai sớm và đều đặn trong suốt thai kỳ. Điều này rất quan trọng vì mỗi lần khám. Bác sỹ sẽ kiểm tra sức khỏe của cả mẹ và bé để phát hiện và giải quyết kịp thời bất cứ vấn đề nào có thể xảy ra.
Giải thích thuật ngữ
- Chọc ối: Một thủ thuật trong đó bác sỹ sẽ dùng một cây kim để rút ra một lượng nhỏ các tế bào và dịch ối từ túi bao quanh bào thai để đem đi kiểm tra.
- Mổ lấy thai: Một đứa trẻ sinh ra qua đường mổ ở bụng và tử cung người mẹ.
- Lấy mẫu nhung mao màng đệm: Một thủ thuật trong đó một lượng nhỏ các tế bào được lấy ra khỏi nhau thai và làm xét nghiệm.
- Nhiễm sắc thể: Các cấu trúc nằm trong mỗi tế bào của cơ thể và chứa đựng bộ gen xác định các thành phần tự nhiên của cơ thể người.
- Tiểu đường: Một tình trạng trong đó nồng độ đường trong máu quá cao.
- Lạc nội mạc tử cung: Một tình trạng trong đó những mô tương tự với lớp lót bình thường của tử cung được tìm thấy bên ngoài tử cung, thường là ở buồng trứng, ống dẫn trứng và các cấu trúc khác trong vùng chậu.
- Bào thai: Cá thể đang phát triển trong tử cung từ tuần thứ 9 của thai kỳ đến hết quá trình mang thai.
- U xơ: Những khối tăng sinh lành tính được tạo thành trong lớp cơ của tử cung.
- Tiều đường thai nghén: Tiểu đường xuất hiện trong thai kỳ.
- Sẩy thai: Sự mất thai sớm.
- Dị tật ống thần kinh: Một dị tật bẩm sinh do sự phát triển không hoàn chỉnh của bộ não, tủy sống và lớp bao bọc của chúng.
- Buồng trứng: Hai tuyến, nằm hai bên của tử cung, chứa các trứng để phóng thích khi rụng trứng và sản xuất ra các hormon.
- Nhau thai: mô đảm nhiệm việc nuôi dưỡng và lấy đi chất thải từ bào thai.
- Tiền sản giật: Một tình trạng trong thời kỳ thai nghén, trong đó có sự tăng huyết áp và protein trong nước tiểu.
- Chăm sóc trước sinh (Khám thai): Chương trình chăm sóc, thăm khám và kiểm tra đều đặn theo lịch trước khi sinh.
- Sinh non: Sinh ra trước 37 tuần của thai kỳ.
- Thai lưu: Sự sinh một đứa bé đã chết.
- Siêu âm: Một phương pháp khảo sát dùng sóng siêu âm để kiểm tra các cấu trúc bên trong. Trong thai kỳ, nó có thể được sử dụng để kiểm tra bào thai.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy trao đổi với bác sĩ sản phụ khoa.
Tài liệu tham khảo
Later Childbearing (pdf) – FAQ060 – Pregnancy – The American College of Obstetricians and Gynecologists