Định nghĩa
Hội chứng gan thận là gì?
Hội chứng gan thận là một nhóm các triệu chứng do suy thận bắt đầu ở những người có bệnh gan tiến triển. Đây là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh xơ gan và có thể đe dọa đến tính mạng.
Những ai thường mắc hội chứng gan thận?
Hội chứng này xảy ra lên đến 10% số người nhập viện với bệnh suy gan. Đây không phải là bệnh truyền nhiễm hay di truyền. Hội chứng này thường xảy ra ở người có bệnh gan mãn tính, xảy ra ở mọi chủng tộc và nam và nữ như nhau.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng gan thận là gì?
Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, cảm thấy buồn nôn và nôn. Bệnh gan gây vàng da, cổ trướng, sưng chân (phù), tăng cân, và những thay đổi trong trạng thái tâm thần (mê sảng và lú lẫn). Các triệu chứng khác là gan lách to, teo cơ, rung giật cơ, run, xuất hiện dấu sao mạch thường trên phần ngực trên (dấu sao mạch là u mạch hơi nổi trên mặt da và có nhánh mạch nhỏ lan tỏa ra xung quanh (giống mạng nhện)). Suy thận gây ra thiểu niệu, nước tiểu sẫm màu, và tích tụ dịch trong cơ thể.
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra hội chứng gan thận là gì?
Hội chứng gan thận xảy ra khi thận không làm việc tốt ở những người có vấn đề về gan nghiêm trọng do một số hormone cụ thể làm sự giảm đáng kể lưu lượng máu đến thận. Kết quả là mạch máu thận co lại, dẫn đến suy thận.
Cứ 10 bệnh nhân bị suy gan thì có 1 người bị hội chứng gan thận. Bệnh chủ yếu xảy ra ở những người bị suy gan cấp tính, viêm gan do rượu hoặc xơ gan.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng gan thận?
Các yếu tố nguy cơ chính có thể gây ra hội chứng gan thận bao gồm: xơ gan, viêm gan do rượu, suy gan cấp, viêm phúc mạc nhiễm khuẩn. Ngoài ra, xuất huyết tiêu hóa và tụt huyết áp đột ngột gây ra bởi thuốc, mất nước, mất máu là những yếu tố góp phần gây ra bệnh.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng gan thận?
Mục đích điều trị chính là cải thiện chức năng gan và chắc chắn lượng máu trong cơ thể có thể cung cấp đầy đủ cho các cơ quan. Đầu tiên, nghiệm pháp thử thách dịch được thực hiện. Dịch được truyền tĩnh mạch để cố gắng tăng thể tích máu và lưu lượng máu tới thận. Những người có cổ trướng cũng có thể cần phải chọc hút dịch. Cổ trướng là sự tích tụ quá nhiều dịch trong khoang bụng. Những người bị xơ gan cổ trướng phải rất cẩn thận về việc sử dụng các loại thuốc mới, đặc biệt là những chất gây độc cho thận, chẳng hạn như thuốc kháng viêm không steroid.
Một loại thuốc gọi là vasopressin có thể được kê để giúp tăng lưu lượng máu đến thận. Octreotide cộng với midodrine, albumin, hoặc dopamine có thể được cho để duy trì lưu lượng máu đầy đủ. Nói chung, những loại thuốc này được sử dụng tạm thời để ngăn chặn chức năng thận xấu đi trong khi đợi ghép gan. Việc điều trị có hiệu quả duy nhất của hội chứng này là ghép gan.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng gan thận?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán từ bệnh sử, khám lâm sàng và xét nghiệm. Xét nghiệm máu cho thấy natri thấp, BUN cao và creatinine cao. Mức độ protein trong máu thấp và thời gian đông máu bất thường có thể xảy ra. Những người có những thay đổi về tinh thần có thể có một mức độ amoniac trong máu cao do biến chứng suy gan.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của Hội chứng gan thận?
Hội chứng gan thận có thể được hạn chế nếu bạn áp dụng những thói quen sinh hoạt sau:
- Khi gan hoạt động tốt hơn, thận cũng được cải thiện.
- Cần phải uống thuốc đầy đủ theo sự chỉ định của bác sĩ.
- Kết hợp ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lành mạnh.
- Khám định kỳ và gọi bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng mới hoặc bất thường xảy ra.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.