Tụy là tuyến cơ quan trực thuộc hệ tiêu hóa chịu trách nhiệm:
- Điều tiết dịch tụy chứa enzyme trypsin, chymotrypsin, amylase hỗ trợ quá tiêu hóa protein và tinh bột trong ruột
- Sản sinh hormone insulin và glucagon đóng vai trò điều hòa lượng đường trong máu
Nếu bộ phận này chịu tổn thương, cụ thể hơn là bị viêm, những chức năng trên sẽ suy giảm đáng kể. Điều này gây tác động không nhỏ đến sức khỏe tổng thể của một người.
Bệnh viêm tụy là gì?
Các phản ứng viêm có thể xảy ra ở tuyến tụy bởi nhiều yếu tố khác nhau, vô tình gây tổn thương và suy giảm khả năng hoạt động của tụy. Những tình trạng này gọi chung là viêm tụy và được phân loại thành hai nhóm chính gồm:
Viêm tụy cấp
Một người được chẩn đoán viêm tụy cấp tính khi bệnh trạng của người đó phát triển nhanh trong thời gian ngắn, đồng thời kéo theo một loạt triệu chứng bệnh với cường độ dữ dội phát sinh. Đôi khi, viêm tụy cấp có thể xuất hiện dưới dạng nhẹ và tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, không ít trường hợp bệnh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm có khả năng trực tiếp gây tử vong.
Các chuyên gia cho rằng, tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh và những cơ quan chịu ảnh hưởng (tim, phổi, thận…), tỷ lệ tử vong do viêm tụy cấp có thể dao động từ dưới 5% cho đến hơn 30%.
Viêm tụy mạn
Tình trạng viêm tiến triển lâu ngày ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của tuyến tụy gọi là viêm tụy mạn. Nghiện bia rượu là nguyên nhân chủ yếu của vấn đề sức khỏe này, chiếm tỷ lệ đến 70 – 80% trường hợp.
Bệnh viêm tụy mạn do uống rượu bia có thể phát triển trong âm thầm một thời gian dài rồi đột ngột xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng.
Điểm danh các triệu chứng viêm tụy cấp và viêm tụy mạn
Người mắc bệnh viêm tụy cấp có thể bộc lộ một số biểu hiện khác thường như:
- Đau bụng bắt đầu ở vùng thượng vị, sau đó lan đến lưng. Cường độ đau có thể trở nặng sau khi người bệnh dùng bữa, đặc biệt nếu trong khẩu phần ăn có thực phẩm giàu chất béo.
- Bụng sưng và có cảm giác chướng
- Buồn nôn và nôn
- Sốt
- Nhịp tim nhanh
Triệu chứng viêm tụy mạn cũng tương tự các dấu hiệu trên. Ngoài ra, trong trường hợp này, người bệnh còn có thể bị sụt cân hoặc thậm chí là suy dinh dưỡng do khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém. Nguyên nhân là do tuyến tụy bị viêm gây suy giảm khả năng điều tiết enzyme đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa.
Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Hãy đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị hiệu quả, an toàn nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào như sau:
- Đau bụng dai dẳng trong nhiều giờ hoặc thậm chí là nhiều ngày
- Cường độ đau dữ dội khiến bạn thậm chí không thể ngồi yên
Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy, tham vấn cùng các chuyên gia có thể giúp bạn tìm ra giải pháp đối phó với bệnh viêm tụy phù hợp nhất.
Nguyên nhân viêm tụy cấp và mạn tính đến từ đâu?
Tất cả mọi người đều có khả năng bị viêm ở tụy. Nguyên nhân gốc rễ của bệnh viêm tụy, bao gồm cả cấp tính và mãn tính, có thể đến từ nhiều vấn đề khác nhau, ví dụ như:
- Thói quen xấu: lạm dụng bia rượu, hút thuốc lá…
- Tình trạng sức khỏe: sỏi mật, xơ nang, tăng canxi máu, cường cận giáp, tăng triglyceride, nhiễm trùng, chấn thương bụng, khối u phát sinh ở tuyến tụy…
- Một số yếu tố khác: biến chứng sau phẫu thuật ổ bụng và nội soi ngược dòng (dùng trong điều trị sỏi mật), tác dụng phụ của thuốc, bệnh sử gia đình…
Bệnh viêm tụy có nguy hiểm không?
Thông thường, biến chứng do bệnh viêm tụy gây nên rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh viêm tụy mạn có nguy cơ dẫn đến các vấn đề sức khỏe như:
- Thận bị tổn thương
- Nhiễm trùng hoặc ung thư tuyến tụy
- Bệnh tiểu đường (đái tháo đường)
- Suy dinh dưỡng
Bên cạnh đó, viêm tụy cấp lại có khả năng gây khó thở. Ngoài ra, bệnh còn có thể kéo theo tình trạng u nang giả tụy phát sinh. Những khối u này thường lành tính và có thể tự biến mất. Tuy nhiên, nếu chúng vỡ ra sẽ gây nhiễm trùng và xuất huyết nặng, đôi khi còn trực tiếp dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Những thủ thuật xét nghiệm dùng trong chẩn đoán bệnh viêm tụy
Các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán viêm tụy có thể kể đến như:
- Xét nghiệm máu với mục đích đo hàm lượng enzyme cho tụy sản sinh
- Xét nghiệm phân đối với tình trạng viêm tụy mạn để đo nồng độ chất béo, thông qua đó đánh giá khả năng hoạt động của hệ tiêu hóa
- Chụp CT và siêu âm nhằm tìm kiếm sỏi mật, đồng thời đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm tụy
- Nội soi với mục đích kiểm tra tình trạng viêm hoặc tắc nghẽn trong ống tụy và ống mật
- Chụp MRI để tìm kiếm dấu hiệu bất thường ở túi mật và tuyến tụy
Ngoài ra, tùy vào tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số thủ thuật chuyên sâu khác.
Bệnh viêm tụy có chữa được không?
Bạn sẽ cần nhập viện để tiếp nhận điều trị viêm tụy, kể cả khi trường hợp của bạn là cấp hay mãn tính.
Kiểm soát tình trạng viêm tụy
Tuyến tụy cần thời gian nghỉ ngơi để có thể lấy lại chức năng vốn có. Tuy nhiên, bộ phận này lại đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa. Do đó, khi điều trị, người bệnh sẽ cần nhịn ăn và trực tiếp cung cấp dưỡng chất cho cơ thể thông qua ống truyền tĩnh mạch.
Giai đoạn này có thể kéo dài vài ngày hoặc 1 – 2 tuần, tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh cải thiện như thế nào. Sau khi bệnh được kiểm soát tốt, bạn có thể bắt đầu dùng các món dạng lỏng và nhạt vài hôm trước khi quay lại chế độ ăn uống bình thường.
Ngoài ra, lúc này bạn còn cần:
- Truyền dịch vào tĩnh mạch để bù vào lượng nước và chất điện giải mất đi do tràn dịch ổ bụng hoặc nôn
- Dùng thuốc giảm đau để kiểm soát những cơn đau bụng dai dẳng, khó chịu do viêm tụy mạn gây ra. Bạn cần lưu ý uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ để hạn chế rủi ro gặp tác dụng phụ.
Điều trị viêm tụy tận gốc
Sau khi tình trạng viêm ở tuyến tụy đã được kiểm soát tốt, các chuyên gia sẽ chuyển sang điều trị triệt để nguyên nhân gây nên vấn đề sức khỏe này. Các phương pháp điều trị có thể kể đến như:
- Phẫu thuật túi mật
- Can thiệp lấy sỏi đường mật
- Phẫu thuật tụy
- Cai nghiện rượu
Một số giải pháp dành cho điều trị viêm tụy mạn
Bên cạnh những lựa chọn điều trị trên, để điều trị và kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe của bản thân, người bị viêm tụy mạn còn cần:
- Thay đổi chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt hạn chế lượng chất béo tiêu thụ theo đề xuất của các chuyên gia dinh dưỡng
- Áp dụng liệu pháp bổ sung enzyme hỗ trợ tiêu hóa để bù vào phần thiếu hụt do chức năng tuyến tụy suy giảm. Thông thường, liệu pháp này nên được thực hiện trong mỗi bữa ăn.
Phòng ngừa bệnh viêm tụy
Thực tế, bạn không thể hoàn toàn ngăn chặn bệnh viêm tụy xảy ra. Tuy vậy, bạn vẫn có thể cải thiện lối sinh hoạt hàng ngày để giảm thiểu rủi ro mắc bệnh. Những thay đổi này thường là:
- Hạn chế uống bia, rượu hoặc các loại thức uống chứa cồn tương tự
- Bỏ thói quen hút thuốc lá
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh, cố gắng giảm cân nếu cần thiết
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, cân bằng với những thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và ít tinh bột. Điều này có thể giúp ngăn ngừa sỏi mật, một trong những nguyên nhân chính gây viêm tụy cấp.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.