Tìm hiểu chung
Viêm khớp ngón tay cái là bệnh gì?
Viêm khớp ngón tay cái là tình trạng khi sụn nằm ở đầu các xương hình thành khớp ngón tay cái bị mòn đi.
Viêm khớp ngón tay cái có thể gây ra cơn đau, sưng dữ dội đồng thời giảm sức mạnh và phạm vi chuyển động của tay, gây khó khăn khi thực hiện những nhiệm vụ đơn giản như vặn nắm cửa và mở lọ. Việc điều trị thường bao gồm kết hợp thuốc và nẹp. Viêm khớp ngón tay cái nặng có thể cần đến phẫu thuật.
Mức độ phổ biến của viêm khớp ngón tay cái
Viêm khớp ngón tay cái phổ biến ở những người lớn tuổi. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp ngón tay cái là gì?
Đau là triệu chứng đầu tiên và phổ biến nhất của viêm khớp ngón tay cái. Cơn đau có thể xảy ra tại gốc ngón tay cái khi bạn nắm, chụp bắt hay véo một vật nào đó hoặc dùng lực ngón tay cái.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Sưng, cứng và đau ở gốc ngón tay cái
- Giảm sức mạnh khi véo hoặc nắm một vật nào đó
- Giảm phạm vi chuyển động tay
- Khớp tại gốc ngón tay cái to ra hoặc nhìn thấy cục xương
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra viêm khớp ngón tay cái?
Viêm khớp ngón tay cái thường xảy ra cùng với lão hóa. Chấn thương trước đó hoặc tổn thương khớp ngón tay cái cũng có thể gây viêm khớp ngón tay cái.
Với một khớp ngón tay cái bình thường, sụn bao phủ đầu xương, đóng vai trò như một lớp đệm và cho phép các xương trượt trơn tru lên nhau. Với viêm khớp ngón tay cái, các sụn bao phủ đầu xương bị giảm chất lượng và bề mặt trơn nhẵn của nó bị sần sùi. Do đó, khi các xương chà xát với nhau sẽ dẫn đến ma sát và tổn thương khớp.
Các tổn thương khớp có thể dẫn đến sự tăng trưởng của xương mới dọc theo hai bên của xương hiện có (cựa xương), có thể tạo ra khối u đáng chú ý trên khớp ngón tay cái.
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp ngón tay cái?
Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp ngón tay cái như:
- Nữ giới
- Trên 40 tuổi
- Béo phì
- Một số tình trạng di truyền như dây chằng khớp lỏng và các khớp bị biến dạng
- Chấn thương khớp ngón tay cái như gãy xương và bong gân
- Các bệnh làm thay đổi cấu trúc và chức năng bình thường của sụn như viêm khớp dạng thấp. Mặc dù viêm xương khớp là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm khớp ngón tay cái, viêm khớp dạng thấp cũng có thể ảnh hưởng đến khớp cổ – bàn ngón tay, thường ở mức độ nhẹ hơn so với các khớp khác của bàn tay.
- Các hoạt động và công việc tạo áp lực lên khớp ngón tay cái.
Chẩn đoán & điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm khớp ngón tay cái?
Trong khi khám, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tìm kiếm dấu hiệu sưng hoặc cục u đáng chú ý trên các khớp.
Bác sĩ có thể giữ khớp cố định trong khi di chuyển ngón tay cái với áp lực tì vào xương cổ tay. Nếu chuyển động này tạo ra một âm thanh lạo xạo hoặc gây đau đớn hay cảm giác có sạn, sụn có khả năng đã bị mòn và xương cọ xát với nhau.
Các kỹ thuật hình ảnh, thường là chụp X-quang, có thể cho thấy những dấu hiệu của viêm khớp ngón tay cái, bao gồm:
- Các cựa xương
- Sụn bị mòn
- Mất khoảng trống của khớp
Những phương pháp nào dùng để chữa viêm khớp ngón tay cái?
Trong giai đoạn đầu của viêm khớp ngón tay cái, điều trị thường liên quan đến sự kết hợp các phương pháp không phẫu thuật. Nếu viêm khớp ngón tay cái nghiêm trọng, bạn có thể cần phẫu thuật.
Nẹp
Thanh nẹp có thể hỗ trợ khớp và hạn chế sự di chuyển của ngón cái và cổ tay. Bạn có thể chỉ cần đeo nẹp vào ban đêm hoặc suốt cả ngày lẫn đêm.
Nẹp có thể giúp:
- Giảm đau
- Cố gắng giữ khớp ở vị trí thích hợp khi thực hiện các động tác
- Cho khớp nghỉ ngơi
Thuốc
Để giảm đau, bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng:
- Các thuốc giảm đau không cần toa như acetaminophen (Tylenol, những biệt dược khác), ibuprofen (Advil, Motrin IB, những biệt dược khác) hoặc naproxen (Aleve)
- Các thuốc giảm đau theo toa như celecoxib (Celebrex) hoặc tramadol (Conzip, Ultram)
Tiêm thuốc vào khớp
Nếu thuốc giảm đau và nẹp không có hiệu quả, bác sĩ có thể tiêm corticosteroid vào khớp ngón tay cái của bạn. Tiêm Corticosteroid có thể giúp giảm đau tạm thời và giảm viêm.
Phẫu thuật
Nếu bạn không đáp ứng với các phương pháp điều trị hoặc nếu bạn chỉ có thể uốn cong và xoắn ngón tay cái, bác sĩ có thể khuyên phẫu thuật. Các lựa chọn bao gồm:
- Hợp nhất (kết xương làm cứng khớp). Xương ở khớp bị ảnh hưởng được hợp nhất vĩnh viễn. Khớp làm cứng có thể chịu trọng lực mà không bị đau, nhưng không còn tính linh hoạt.
- Định hình lại xương. Các xương ở khớp bị ảnh hưởng được thay đổi vị trí để sửa chữa biến dạng.
- Cắt xương hình thang. Một trong những xương ở khớp ngón tay (xương hình thang) được lấy ra.
- Thay khớp. Toàn bộ hoặc một phần của khớp bị ảnh hưởng được lấy ra và thay thế bằng một mô ghép lấy từ một trong các dây chằng.
Những ca phẫu thuật đều có thể được thực hiện trên cơ sở ngoại trú. Sau khi phẫu thuật, bạn có thể cần bó bột hoặc đeo nẹp ngón cái và cổ tay khoảng sáu tuần. Khi nẹp được lấy ra, bạn có thể cần vật lý trị liệu để giúp bạn lấy lại sức mạnh và độ linh hoạt của ngón tay cái.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý viêm khớp ngón tay cái?
Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với viêm khớp ngón tay cái:
- Sửa đổi các dụng cụ cầm tay. Xem xét việc mua các thiết bị thích hợp như dụng cụ mở hộp, chìa khóa xoay và dây kéo lớn, được thiết kế cho những người có sức tay hạn chế. Thay thế nắm cửa truyền thống mà bạn phải nắm bằng loại đòn bẩy.
- Chườm lạnh. Chườm lạnh khớp 5-15 phút vài lần mỗi ngày có thể giúp giảm sưng và đau.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.