Trẻ mọc răng thường khó chịu, quấy phá khiến việc chăm con của bạn càng thêm khó khăn. Tuy nhiên, bạn vẫn có cách giúp con thoải mái hơn nếu hiểu rõ về quá trình mọc răng của con.
Mọc răng là một giai đoạn phát triển kèm theo nhiều thay đổi về sức khỏe, do đó cha mẹ cần chú ý đến những thay đổi của trẻ và có cách chăm sóc bé phù hợp. Bạn hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu về quá trình mọc răng của trẻ và những bí quyết chăm sóc trẻ mọc răng nhé!
Quá trình trẻ mọc răng
Mọc răng là quá trình răng sữa xuất hiện lần lượt bằng cách trồi ra khỏi các nướu răng và thường mọc theo cặp. Trẻ thường mọc răng trong khoảng từ 6-8 tháng tuổi, tuy nhiên có những trẻ mọc răng sớm từ khi mới 3–4 tháng tuổi hay tới tận 12 tháng tuổi mới mọc răng và có thể mất vài năm thì tất cả 20 răng mới mọc đủ. Do đó, nếu bé 8 tháng chưa mọc răng thì mẹ cũng đừng quá lo lắng.
Khi răng mọc lên, chúng sẽ không cắt qua da thịt mà thay vào đó, các hormone được phóng thích trong cơ thể làm cho một số tế bào trong nướu răng chết và tách rời, cho phép các răng đi qua.
Đây là quá trình tăng trưởng và phát triển tự nhiên của trẻ. Bạn có thể tham khảo thời điểm trong bảng sau để biết mấy tháng bé mọc răng, thứ tự mọc răng của bé và giai đoạn thay răng sữa.
Bộ răng sữa của bé sẽ hoàn thiện trong giai đoạn từ 3 tuổi đến khi bé 6–7 tuổi. Quá trình mọc răng có một số đặc điểm như:
– Bé gái thường mọc răng sớm hơn bé trai.
– Thường cứ sau 6 tháng trẻ sẽ mọc thêm 4 chiếc răng.
– Răng hàm dưới của trẻ thường mọc sớm hơn răng hàm trên.
– Răng ở cả hai hàm thường mọc theo cặp, một ở bên phải và một ở bên trái.
– Răng sữa của trẻ thường có kích thước nhỏ hơn và trắng hơn so với răng vĩnh viễn.
– Vào thời điểm trẻ từ 2 đến 3 tuổi, tất cả răng sữa của trẻ sẽ mọc đầy đủ. Ở độ tuổi từ 6–12, cả răng sữa và răng vĩnh viễn của trẻ đều cùng tồn tại, trẻ sẽ dần thay răng.
Xử lý những triệu chứng ở trẻ mọc răng
Trẻ mọc răng thường hay quấy khóc và khó chịu khi bị sưng và đau ở chỗ mọc răng. Một số trẻ còn có thể có các tình trạng nặng hơn như sốt, biếng ăn… nên ba mẹ cần có cách xử lý. Sau đây là những dấu hiệu mọc răng phổ biến ở trẻ.
1. Trẻ bị sốt mọc răng
Dấu hiệu: Trẻ mọc răng có thể bị sốt nhẹ. Hiện tượng này gọi là sốt mọc răng.
Cách xử lý: Cha mẹ nên theo dõi thân nhiệt của bé thường xuyên. Nếu trẻ sốt 38 độ hoặc dưới 38 độ kèm theo các dấu hiệu khó chịu ở lợi thì đó có thể là do sốt mọc răng. Tuy nhiên, nếu thân nhiệt của trẻ cao hơn 38 độ C thì có thể bé bị nhiễm vi khuẩn, virus hoặc bị ốm chứ không đơn thuần là do sốt mọc răng. Khi đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay.
2. Sưng và đau chỗ mọc răng
Dấu hiệu: Từ trước khi mọc răng vài ngày, trẻ mọc răng thường bị đau và khó chịu ở lợi. Vì vậy, trẻ thường có thói quen cho tay vào miệng để gặm hoặc gặm các đồ chơi hay thìa mà trẻ có thể cầm.
Cách xử lý: Cha mẹ có thể giúp giảm đau cho trẻ bằng cách cho con gặm những đồ chơi được thiết kế riêng cho trẻ mọc răng. Bạn hãy đặc biệt lưu ý lựa chọn những đồ chơi an toàn và vệ sinh đồ chơi cho bé thường xuyên. Cha mẹ cũng cần lưu ý vệ sinh tay cho bé vì bé thường có thói quen đưa tay vào miệng khi sắp và đang mọc răng.
3. Trẻ biếng ăn và quấy khóc
Dấu hiệu: Trẻ mọc răng bị đau miệng và lợi nên thường biếng ăn, thậm chí lười bú, ngại uống nước. Trẻ cũng có thể quấy khóc, khó ngủ hơn bình thường, đặc biệt là những khi trẻ cảm thấy khó chịu.
Cách xử lý: Khi bé mọc răng, cha mẹ nên cố gắng dỗ bé uống nước hoặc bú sữa. Nếu bé đã ăn dặm thì có thể ưu tiên thức ăn lạnh cho bé.
4. Trẻ chảy dãi khi mọc răng
Dấu hiệu: Trẻ mọc răng cũng thường chảy dãi nhiều, nước dãi của trẻ có thể gây ngứa ở cằm, mặt hoặc ngực của trẻ trong một số trường hợp.
Cách xử lý: Bạn nên chú ý đeo yếm và vệ sinh răng miệng cho bé thường xuyên bằng cách quấn gạc quanh ngón trỏ và nhúng vào nước ấm để lau lợi cho trẻ. Bạn cũng có thể dùng khăn mềm, sạch lau dãi chảy quanh miệng cho bé và cho trẻ uống nước lọc sau khi ăn và bú.
Mọc răng còn có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác như nhai các vật thể rắn; đau, loét nướu; đỏ và sưng nướu. Trẻ có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu của tình trạng này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những lưu ý trong quá trình mọc răng ở trẻ
– Khi bé mọc răng, bạn nên tích cực bổ sung các thực phẩm giàu canxi vào khẩu phần ăn của mẹ và bé để bé được bổ sung canxi khi bú mẹ và ăn dặm.
– Nếu trẻ bị đau hoặc khó chịu, cha mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ xem có thể dùng acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin) để giảm đau. Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng và dùng theo liều lượng khuyến cáo do bác sĩ chỉ định.
– Bạn có thể dùng ngón tay đã được vệ sinh sạch sẽ chà nhẹ lên vùng lợi răng đang mọc khoảng 2 phút để trẻ bớt khó chịu.
– Bạn không nên sử dụng gel bôi khi mọc răng vì các loại gel này có thể chứa benzocaine – một chất có thể gây hại cho trẻ. Bạn cần trao đổi và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc khi mọc răng nào cho bé.
– Nếu trẻ đã bắt đầu ăn dặm, cha mẹ có thể cho trẻ ăn đồ ăn và uống chất lỏng mát để giúp giảm đau lợi.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?
Trong các trường hợp sau, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay:
– Trẻ bị sốt, đặc biệt là khi sốt trên 38ºC, vì đây có thể là dấu hiệu trẻ bị nhiễm khuẩn hoặc bị viêm chứ không phải bé bị sốt mọc răng.
– Trẻ liên tục dùng tay kéo tai, bứt tai.
– Trẻ bị tiêu chảy hoặc bị hăm tã trầm trọng.
Bạn hãy theo dõi bất kỳ thay đổi nào về sức khỏe của trẻ và liên lạc với bác sĩ hoặc y tá ngay nếu:
– Trẻ có dấu hiệu bị sâu răng.
– Trẻ đã 18 tháng tuổi nhưng vẫn chưa mọc răng.
Bạn cũng cần đưa trẻ đi khám nha khoa hoặc nhi khoa theo lịch hẹn của bác sĩ và liên hệ với bác sĩ hoặc y tá nếu bé gặp phải bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Khi đưa trẻ khám, bạn cần nhớ mang theo các kết quả xét nghiệm và các thuốc trẻ đã dùng để bác sĩ có thể nắm được thông tin và đưa ra những chẩn đoán cũng như cách điều trị phù hợp nhất.
Những biện pháp tại nhà bố mẹ có thể thực hiện để giữ cho răng bé luôn khỏe mạnh
- Ngăn ngừa sâu răng sữa ở trẻ. Ví dụ như ngay khi bé vừa mọc răng, bạn nên dùng vải mềm hoặc miếng gạc lau sạch. Khi răng mọc nhiều hơn, bố mẹ hãy cho bé bằng bàn chải lông mềm và chỉ sử dụng nước trong những tháng đầu. Ngoài ra để ngăn ngừa sâu răng cho bé, bạn hãy lấy bình sữa ra ngay khi bé vừa bú xong, đặc biệt là vào buổi tối. Khi con bạn bắt đầu ăn dặm, hãy cho bé ăn những loại ít đường và tiếp tục cho bé uống sữa vào ban đêm ở mức tối thiểu.
- Kiểm tra răng miệng. Khoảng 6 tháng sau khi bé mọc chiếc răng đầu tiên, bố mẹ hãy đưa con đến nha sĩ để kiểm tra và thường xuyên tái khám để bảo đảm răng bé khỏe và mọc tốt.
Thời kì bé mọc răng luôn là khoảng thời gian khó chịu nhất với cả bố mẹ và bé. Hy vọng bài viết trên có thể giúp bạn và con vượt qua giai đoạn này dễ dàng hơn. Thay vì nghĩ về nó như một cơn khủng hoảng, bạn có thể nhân lúc này mà lưu lại những khoảnh khác dễ thương của bé. Rất có thể sau này bạn sẽ phải bật cười vì dáng điệu của con vào lúc này đấy.
Bố mẹ hãy tham khảo thêm bài viết “Trẻ chậm mọc răng: Ba mẹ có nên lo lắng?” để tìm hiểu thêm về mọc răng ở trẻ.