Tìm hiểu chung
Loét giác mạc là bệnh gì?
Mắt của bạn có hai bộ phận tập trung hình ảnh:
- Giác mạc, bề mặt trong suốt phía trước của mắt;
- Thấu kính, một cấu trúc trong suốt bên trong mắt có thể thay đổi hình dạng để giúp tập trung vào đối tượng.
Giác mạc là cửa sổ của mắt và cho phép ánh sáng đi vào mắt. Nước mắt bảo vệ giác mạc, chống lại vi khuẩn, virus và nấm. Loét giác mạc thường do nhiễm trùng. Ngay cả chấn thương nhỏ ở mắt hoặc xói mòn gây ra bởi đeo kính áp tròng quá lâu cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Triệu chứng thường gặp
Những triệu chứng và dấu hiệu của bệnh loét giác mạc là gì?
Các triệu chứng phổ biến của bệnh loét giác mạc là:
- Mắt đỏ;
- Đau;
- Cảm thấy có gì đó trong mắt;
- Chảy nước mắt;
- Mủ chảy ra từ mắt;
- Nhìn mờ;
- Nhạy cảm với ánh sáng;
- Viêm mắt;
- Mí mắt sưng;
- Một điểm tròn màu trắng trên giác mạc có thể nhìn thấy bằng mắt thường nếu loét quá lớn.
Tất cả các triệu chứng của bệnh loét giác mạc đều nghiêm trọng và cần được điều trị ngay lập tức để ngăn mù lòa.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?
Bạn nên liên hệ với bác sĩ của bạn nếu bạn nằm trong những trường hợp sau đây:
- Khả năng nhìn bị thay đổi;
- Đau;
- Cảm thấy có cái gì đó trong mắt;
- Dịch chảy ra từ mắt;
- Tiền sử các vết trầy xước mắt, tiếp xúc với hóa chất hoặc các hạt bay.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh loét giác mạc?
Nguyên nhân chính của bệnh loét giác mạc là do nhiễm trùng. Nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra loét giác mạc là tình trạng rất phổ biến ở những người đeo kính áp tròng. Nhiễm virus cũng là nguyên nhân gây loét giác mạc. những virus này bao gồm virus herpes dạng đơn (virus gây bệnh mụn rộp) hoặc virus varicella (virus gây bệnh thủy đậu và bệnh zona).
Nhiễm nấm là một nguyên nhân bất thường của bệnh loét giác mạc và có thể xảy ra sau khi bị chất hữu cơ như cành cây làm tổn thương. Những người bị nhiễm nấmlà do đã được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt steroid hay đeo kính áp tròng mà không được khử trùng đúng cách.
Các nguyên nhân khác gây ra bệnh loét giác mạc bao gồm:
- Khô mắt;
- Chấn thương mắt, một vết rách nhỏ ở giác mạc cũng có thể gây loét giác mạc;
- Rối loạn do viêm;
- Đeo kính áp tròng chưa tiệt trùng;
- Thiếu hụt vitamin A.
Những người đeo kính áp tròng mềm hết hạn hoặc đeo kính áp tròng dùng một lần trong một thời gian dài (kể cả qua đêm) có nguy cơ cao bị bệnh loét giác mạc.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh loét giác mạc?
Tình trạng sức khỏe này là cực kỳ phổ biến và có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị bệnh loét giác mạc?
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ loét giác mạc, chẳng hạn như:
- Nhiễm virus Herpes dạng đơn;
- Thủy đậu;
- Đeo kính áp tròng;
- Chấn thương ở giác mạc.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh loét giác mạc?
Loét giác mạc là một vấn đề nghiêm trọng, bạn nên đi gặp bác sĩ nhãn khoa nếu phát hiện có các triệu chứng sau:
- Bác sĩ nhãn khoa sẽ có thể phát hiện nếu bạn có một vết loét bằng cách sử dụng một kính hiển vi đặc biệt để kiểm tra mắt, gọi là đèn khe. Để dễ quan sát vết loét, bác sĩ sẽ nhỏ một giọt chứa thuốc nhuộm fluorescein vào mắt;
- Nếu bác sĩ nhãn khoa cho rằng nhiễm trùng gây ra các vết loét, bác sĩ sẽ lấy mẫu của vết loét để gửi đến phòng thí nghiệm để xác định.
Những phương nào dùng để điều trị bệnh loét giác mạc?
Khi bác sĩ nhãn khoa của bạn phát hiện ra nguyên nhân gây loét giác mạc, họ có thể kê toa, kháng nấm hoặc thuốc kháng virus, kháng vi khuẩn để điều trị các vấn đề tiềm ẩn. Ngoài ra, bạn có thể phải sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticosteroid. Các bác sĩ thường kê toa thuốc nhỏ mắt trong trường hợp mắt bị viêm và sưng lên.
Trong trường hợp nặng, bạn có thể cần phải ghép giác mạc. Ghép giác mạc liên quan đến việc phẫu thuật cắt bỏ các mô giác mạc và thay thế bằng các mô của người hiến. Phẫu thuật này có thể gây ra các biến chứng sức khỏe trong tương lai, chẳng hạn như:
- Thải ghép;
- Có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp (tăng áp lực bên trong mắt);
- Nhiễm trùng mắt;
- Đục thủy tinh thể;
- Phù giác mạc.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh loét giác mạc?
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Nếu bạn đeo kính áp tròng, hãy bỏ ngay;
- Chườm gạc mát cho mắt bị ảnh hưởng;
- Không chạm hoặc chà mắt bằng ngón tay;
- Hạn chế sự lây lan của nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên và lau khô với khăn sạch;
- Dùng thuốc giảm đau không kê toa, chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol®) hoặc ibuprofen (Motrin®);
- Không ngủ trong khi đeo kính áp tròng;
- Làm sạch và khử trùng kính áp tròng trước và sau khi đeo;
- Rửa mắt để loại bỏ bất kỳ dị vật nào;
- Rửa tay trước khi chạm vào mắt.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.