Bơi lội là kỹ năng sống cần thiết với con và là môn thể thao có lợi cho sức khỏe. Do đó, cho bé tập bơi từ sớm nhưng vẫn không quên đảm bảo quy tắc an toàn.
Bơi lội không chỉ là một môn thể thao tốt cho sức khỏe mà còn giúp ích rất nhiều cho sự phát triển cả thể chất lẫn tinh thần bé. Có nhiều khóa học bơi được tổ chức cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và trẻ từ 1 – 4 tuổi khi các con sẵn sàng muốn học bơi. Thế nhưng, phụ huynh nên lưu ý rằng, mỗi trẻ phát triển khác nhau nên bé cũng có độ tuổi học bơi khác nhau. Cho bé làm quen với môi trường nước từ sớm là một cách giúp bé cảm nhận cuộc sống. Bài viết này sẽ giúp mẹ bắt đầu cho con tập luyện bơi lội từ sớm.
Khi 6 tháng tuổi (thời điểm mà bé đã có thể đạp nước tung tóe và cổ bé đã cứng), bé sẽ bắt đầu thích ở trong hồ bơi. Vì vậy, bạn có thể cho trẻ học bơi từ khi 6 tháng tuổi. Bạn không cần phải lo lắng về clo trong nước hồ bơi có thể ảnh hưởng đến bé hoặc thấy bé la hét trong những ngày học bơi đầu. Nếu thích nghịch nước thì bé cũng sẽ thích bơi ngay thôi. Bên cạnh đó, bạn cũng nên dành thời gian để bé quen dần với nước lạnh.
Bạn sẽ cần mang những gì cho bé tập bơi lần đầu?
Đứng đầu danh sách là tã dành cho việc tập bơi. Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị những thứ sau:
- Một bình sữa ấm cho bé sau bơi nếu bé bú bình
- Một khăn tắm to có phần trùm đầu
- Một ít bánh để ăn nhẹ nếu bé đã bắt đầu tập ăn dặm vì bơi rất dễ làm bé mau đói
- Một ít đồ chơi để giúp bé cảm thấy không gian vui vẻ và thư giãn hơn
- Túi đựng tã và khăn.
Quy tắc an toàn dành cho bé tập bơi theo mọi lứa tuổi
Đối với trẻ sơ sinh
- Bạn phải kiểm tra nhiệt độ của nước có đủ ấm không. Những bé dưới 6 tháng tuổi cần nhiệt độ tối ưu là 32°C. Nhiệt độ phải đủ ấm để giữ ấm cơ thể bé và giúp bé dễ dàng vận động trong nước.
- Ngay khi thấy bé bắt đầu run vì lạnh, bạn nên cho bé ra khỏi hồ và lau người cho bé. Trẻ em dễ mất nhiệt hơn người lớn, vì vậy bé không nên ở trong hồ bơi quá lâu.
- Bạn có thể bắt đầu tập bơi cho bé trong 10 phút vào những lần đầu và tăng lên 20 phút trong những lần tiếp theo. Thời gian dưới nước cho bé dưới 1 tuổi tối đa là 30 phút.
- Nếu bé bị cảm lạnh, tỏ ra khó chịu hay bụng có vấn đề, bạn không nên cho bé đi bơi mà nên đợi bé hồi phục hẳn sau ít nhất là 48 giờ.
- Nếu bé bị bệnh ngoài da, bạn có thể tham vấn ý kiến của bác sĩ xem liệu clo trong nước hồ bơi có gây kích ứng cho da bé không. Bạn phải nhớ tắm rửa sạch sẽ cho bé sau khi bơi và thoa kem dưỡng ẩm khắp người bé, đặc biệt là khi bé có làn da khô hoặc chàm.
Đối với trẻ trên 4 tuổi
- Kiểm tra độ sâu của nước. Để chân tiếp nước đầu tiên, đặc biệt với những trẻ mới tiếp xúc với nước
- Không nhảy xuống khu vực nước nông của hồ bơi
- Không nhảy qua ống hồ bơi hoặc các đồ chơi khác ở bể bơi
- Tham gia các lớp học bơi để biết cách tiếp nước đúng cách.
- Quan sát bé cẩn thận. Bạn phải ở gần bé mọi lúc khi bé bơi ở trong hồ và đừng để bé một mình mà không ai canh chừng.
- Theo dõi thời gian bơi của bé. Mỗi lần bơi không được vượt quá 10 phút. Bạn có thể tăng dần thời gian lên và phải đưa bé ra khỏi hồ nếu bé có dấu hiệu lạnh run.
- Nếu bé lớn hơn một chút và thường hay nghịch ngợm, bạn hãy dạy con đừng chạy nhảy ở khu vực bờ hồ vì chỗ đó rất trơn trượt, dễ bị ngã. Bạn hãy cho bé mặc áo phao khi xuống hồ nhé.
Dù bơi ở bãi biển, hồ bơi ở nhà, hồ hay sông, bạn đều cần phải đảm bảo bé được an toàn khi ở gần các khu vực này. Bé và cả những người chưa biết bơi cần tuân thủ các quy tắc an toàn bơi lội để có thể tự tin khi xuống nước. Quy tắc này sẽ không bao giờ thừa, nhất là đối với trẻ nhỏ. Trước khi có bất cứ tai nạn không may nào xảy ra, bạn nên nắm vững các quy tắc an toàn trên để bé có thể tận hưởng được trọn niềm vui cùng môn bơi lội.
Các thiết bị nào cần có ở hồ bơi dành cho bé sơ sinh?
- Bạn nên chọn hồ bơi có thiết bị bảo vệ an toàn điện khi hồ bơi không được sử dụng và có cài đặt chuông báo động dưới nước, bên trong nhà và những khu vực xung quanh hồ bơi.
- Hồ bơi phải có dụng cụ cứu hộ như điện thoại bàn có số của cơ quan cứu hộ, số điện thoại khẩn cấp và móc cứu hộ.
- Hồ bơi phải có hàng rào bảo vệ xung quanh cao khoảng 1,2m tối thiểu với cổng tự đóng/chốt và ổ chốt vượt quá tầm tay trẻ em.
Khi nào bạn có thể bắt đầu bơi cùng bé sau khi sinh?
Tốt nhất, bạn nên đợi đến khi bé 6 tuần tuổi vì bạn có thể bị nhiễm trùng sau sinh nếu bơi sớm hơn. Nếu bạn sinh mổ hoặc phải cắt tầng sinh môn, bạn nên đợi lâu hơn, tốt nhất là sau khi bạn kết thúc lần kiểm tra hậu sản cuối cùng.
Dù sinh thường, bạn cũng đã bị mất máu khá nhiều vì tách nhau khỏi lòng tử cung sau khi bé chào đời. Thông thường, các mẹ sẽ bị sản dịch tới tận 6 tuần sau sinh.
Hầu hết các lớp bơi dành cho trẻ sơ sinh nhỏ nhất là 6 tuần tuổi. Bạn không cần phải đợi đến khi bé được tiêm ngừa đầy đủ mới cho bé tập bơi. Một điểm cần lưu ý là bạn nên cho bé bơi ở hồ có nhiệt độ nước khoảng 32°C là tốt nhất.
Làm sao để hạn chế tình trạng bé khóc khi bơi?
Để hạn chế tình trạng bé khóc hoặc la hét, bạn có thể thực hiện một số điều sau:
- Cho bé làm quen với nước từ từ. Giữ bé thật chặt và cho bé cảm giác an toàn.
- Không cần phải vội vàng và luôn bắt đầu chậm. Cho bé di chuyển từ từ ở trong nước.
- Khi bé đã quen, bạn có thể tạo cho bé một số hoạt động vui nhộn như đập nước.
- Khen ngợi bé dù đó chỉ là một hành động rất nhỏ.
- Mới bắt đầu, bạn có thể cho bé mặc áo phao hoặc sử dụng phao tay, phao lưng.
4 lời khuyên quan trọng cần ghi nhớ
Nếu đang cân nhắc việc cho bé tập bơi, bạn hãy nhớ một số lời khuyên sau:
1. Nhiệt độ cơ thể bé thường có xu hướng không ổn định. Vì vậy, đừng để bé bơi khi nước trong hồ quá nóng hoặc quá lạnh vì điều này có thể gây nguy hiểm cho bé.
2. Bạn nên cho bé ăn trước khi bơi 30 phút, ngay cả khi bé ăn thức ăn lỏng bởi bé cần phải tiêu hóa hết thức ăn trước khi bơi.
3. Nếu thức ăn dạng đặc, hãy cho bé ăn trước khi bơi ít nhất 1 giờ.
4. Sau khi bơi, bé sẽ cảm thấy đói bụng. Do đó, bạn hãy chuẩn bị sẵn một ít thức ăn nhẹ trong ba lô để sau khi bơi bé có thể ăn lót dạ. Tuy nhiên, bạn không đem thức ăn vào hồ bơi vì có thể gây hại cho bé.