Những cân nhắc khi lựa chọn biện pháp tránh thai?
Để lựa chọn một biện pháp tránh thai phù hợp, hãy cân nhắc những vấn đề sau:
- Hiệu quả tránh thai như thế nào?
- Dễ sử dụng không?
- Có cần phải được kê đơn của bác sĩ hay không?
- Khả năng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục?
- Các bệnh lý đang mắc?
Có cần phải khám phụ khoa khi lựa chọn biện pháp tránh thai không?
Hầu hết các biện pháp tránh thai có thể được sử dụng mà không cần thiết phải khám phụ khoa, ngoại trừ dụng cụ tử cung, màng ngăn âm đạo và mũ cổ tử cung.
Nếu đã có quan hệ tình dục, cần phải thử thai và xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục trước khi chỉ định sử dụng biện pháp tránh thai.
Biện pháp tránh thai nào hiệu quả nhất?
Bảng dưới đây trình bày tất cả các biện pháp tránh thai và hiệu quả của nó.
Bảng 1. Hiệu quả các phương pháp tránh thai
Hiệu quả tránh thai (tỷ lệ mang thai/100 phụ nữ) | |||||
<1/100 | Que cấy tránh thai ———- Hiệu quả trong 3 năm; chứa nội tiết tố | Dụng cụ tử cung ———- Có nhiều loại; hiệu quả nhiều năm | Triệt sản, ———- Phương pháp tránh thai vĩnh viễn | ||
6-9/100 | Thuốc tránh thai dạng tiêm ———- Tiêm mỗi 3 tháng; chứa nội tiết tố | Viên uống tránh thai ———- Có chứa nội tiết tố; gồm rất nhiều loại | Miếng dán tránh thai ———- Có chứa nội tiết tố | Vòng âm đạo ———- Có chứa nội tiết tố | |
12-24/100 | Bao cao su nam ———- Giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV | Mũ cổ tử cung ———- Hiệu quả thấp ở phụ nữ đã sinh | Miếng bọt biển ———- Hiệu quả thấp ở phụ nữ đã sinh | Màng ngăn âm đạo ———- Phải đặt lại sau sinh | Bao cao su nữ ———- Giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV |
28/100 | Thuốc diệt tinh trùng ———- Có thể tăng nguy cơ nhiễm HIV ở một số trường hợp |
HIV: virut gây suy giảm miễn dịch ở người, IUD: dụng cụ tử cung.
Những biện pháp khác bao gồm tránh ngày rụng trứng và cho bú vô kinh có thể được sử dụng trong 6 tháng đầu sau sinh. Cần thảo luận với Bác sĩ về các lựa chọn đó.
Phương pháp tránh thai nào phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục?
Bao cao su nam latex hoặc polyurethane có thể giúp phòng tránh tốt nhất các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hiệu quả bảo vệ của bao cao su nữ ít hơn. Nếu sử dụng các biện pháp tránh thai khác, thì bạn nên sử dụng kèm bao cao su nữ hoặc nam để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Thuốc uống tránh thai là gì?
Viên uống tránh thai là viên có chứa nội tiết tố có tác dụng tránh thai, cần được uống vào một thời điểm cố định hằng ngày. Có rất nhiều loại thuốc tránh thai. Bác sĩ có thể giúp bạn lựa chọn loại thuốc tránh thai phù hợp. Nếu quên uống thuốc, cần phải biết cách xử trí. Đọc hướng dẫn sử dụng đính kèm hoặc có thể liên lạc với bác sĩ.
Miếng dán tránh thai là gì?
Miếng dán tránh thai là một miếng dán nhỏ (khoảng 11cm²) được dán lên da. Nội tiết tố có trong miếng dán tránh thai sẽ được phóng thích chậm vào cơ thể qua da. Một miếng dán được dán trong vòng 1 tuần và phải dán liên tục trong 3 tuần liên tiếp, đến tuần thứ 4 không cần dán và sẽ hành kinh.
Vòng âm đạo là gì?
Vòng âm đạo là một vòng nhựa đàn hồi, có chứa nội tiết tố được đặt sâu vào âm đạo, nội tiết tố sẽ phóng thích vào cơ thể. Vòng được đặt cố định trong âm đạo liên tiếp 21 ngày, sau đó tháo vòng ra trong 7 ngày. Trong khoảng thời gian này, sẽ xuất hiện kinh nguyệt. Sau đó lặp lại bằng cách đặt vòng mới.
Thuốc tiêm tránh thai là gì?
Nội tiết tố có tác dụng tránh thai sẽ được tiêm vào cánh tay hoặc mông mỗi 3 tháng.
Que cấy tránh thai là gì?
Que cấy tránh thai là một que nhựa nhỏ bằng que diêm có chứa nội tiết tố tránh thai được cấy vào tổ chức dưới da vùng cánh tay. Nội tiết tố sẽ được phóng thích chậm, tác dụng tránh thai trong 3 năm.
Dụng cụ tử cung là gì?
Dụng cụ tử cung là dụng cụ bằng nhựa nhỏ, hình chữ T được đưa vào cố định trong buồng tử cung. Dụng cụ tử cung cần được đặt và tháo bởi người có chuyên môn. Có 3 loại dụng cụ tử cung ở Mỹ, 2 loại chứa nội tiết tố, tác dụng trong vòng 3 năm và 5 năm. Loại thứ ba là dụng cụ tử cung có chứa đồng, có thể có tác dụng trong 10 năm.
Thuốc diệt tinh trùng là gì?
Là những hóa chất được đưa vào âm đạo có thể làm bất hoạt tinh trùng. Có rất nhiều loại thuốc diệt tinh trùng: dạng bọt, dạng gel, dạng kem, dạng tấm (màng mỏng), dạng viên đặt (dạng rắn có thể tan ngay khi được đặt vào âm đạo).
Sử dụng thường xuyên thuốc diệt tinh trùng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV từ bạn tình bị mắc bệnh. Thuốc diệt tinh trùng chỉ nên được sử dụng trong trường hợp nguy cơ nhiễm HIV thấp.
Bao cao su là gì?
Bao cao su có hai dạng cho nữ giới và nam giới. Bao cao su nam khi mang sẽ bao bọc dương vật và giữ tinh trùng lại khi người nam xuất tinh. Bao cao su nữ là một túi nhựa mỏng giống với hình dáng âm đạo, giúp ngăn ngừa tinh trùng đi vào tử cung. Bao cao su có hiệu quả tốt hơn khi kết hợp với thuốc diệt tinh trùng. Thuốc diệt tinh trùng chỉ nên sử dụng ở những đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV thấp.
Màng ngăn âm đạo là gì?
Màng chắn âm đạo là một dụng cụ nhỏ dạng vòm, được làm từ latex hoặc silicon, được đặt khít vào trong âm đạo và che phủ cổ tử cung. Đây là phương pháp cần kê đơn, bác sĩ cần phải khám để xác định kích cỡ màng âm đạo phù hợp với bạn. Màng ngăn âm đạo thường được sử dụng cùng với thuốc diệt tinh trùng. Các biện pháp tránh thai cần có thuốc diệt tinh trùng chỉ nên sử dụng nếu nguy cơ nhiễm HIV thấp.
Mũ cổ tử cung là gì?
Mũ cổ tử cung là dụng cụ hình nắp vòm, mỏng, bằng nhựa hoặc latex, khít với hình dạng cổ tử cung. Đây là phương pháp cần kê đơn, người cung cấp dịch vụ cần phải khám phụ khoa để xác định kích cỡ mủ cổ tử cung phù hợp. Mũ cổ tử cung thường được sử dụng cùng với thuốc diệt tinh trùng. Các biện pháp tránh thai cần có thuốc diệt tinh trùng chỉ nên sử dụng nếu nguy cơ nhiễm HIV thấp.
Bọt biển tránh thai là gì?
Bọt biển tránh thai có thể mua không cần kê đơn tại quầy thuốc. Là dụng cụ có hình bánh Donut, làm bằng bọt mềm, được phủ ngoài bởi thuốc diệt tinh trùng. Miếng bọt biển được đặt sâu vào âm đạo che phủ cổ tử cung. Các biện pháp tránh thai cần có thuốc diệt tinh trùng chỉ nên sử dụng nếu nguy cơ nhiễm HIV thấp.
Tránh thai khẩn cấp là gì?
Nếu có quan hệ tình dục không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào, hoặc phương pháp tránh thai không tác dụng (Ví dụ: rách bao cao su), hoặc nếu bị cưỡng dâm, có thể sử dụng các biện pháp tránh thai khẩn cấp để ngừa thai. Phương tránh thai khẩn cấp gồm viên thuốc uống hoặc dụng cụ tử cung có chứa đồng. Viên thuốc tránh thai khẩn cấp cần được uống sớm hoặc dụng cụ tử cung phải được đặt trong vòng 5 ngày sau khi xảy ra quan hệ tình dục không bảo vệ.
Xem thêm bài Phương pháp ngừa thai khẩn cấp của BS. Bùi Thị Phương LoanCó các loại viên thuốc tránh thai khẩn cấp nào?
Có 3 loại viên uống thuốc tránh thai khẩn cấp:
- Loại chỉ chứa progestin,
- Loại thuốc tránh thai hằng ngày một pha,
- Loại có hoạt chất ulipristal.
Có thể mua thuốc tránh thai khẩn cấp ở đâu?
Ulipristal và viên tránh thai kết hợp cần được kê đơn. Đối với loại viên uống chứa duy nhất thành phần progestin, một số thuốc có sẵn ở các quầy thuốc mà không cần kê đơn cho bất kỳ đối tượng và lứa tuổi nào. Một số loại mặc dù có sẵn ở các quầy thuốc và không cần kê đơn cho các đối tượng từ 17 tuổi trở lên, nhưng cần kê đơn đối với đối tượng dưới 17 tuổi (xem thêm phần tránh thai khẩn cấp).
Giải thích thuật ngữ
- Cổ tử cung: phần thấp, hẹp, cuối cùng của tử cung ở vòm của âm đạo.
- Nội tiết tố: được tạo ra trong cơ thể bởi các tế bào hoặc cơ quan giúp điều khiển chức năng của các tế bào hoặc các cơ quan. Ví dụ estrogen, đóng vai trò điều khiển chức năng cơ quan sinh dục nữ.
- HIV: Là virút tấn công một số tế bào nhất định của hệ thống miễn dịch cơ thể gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải.
- Khám phụ khoa: khám lâm sàng cơ quan sinh sản người phụ nữ.
- Dương vật: Là cơ quan sinh dục ngoài nam giới.
- Bệnh lây truyền qua đường tình dục: Các bệnh lây lan qua tiếp xúc tình dục gồm Chlamydia, lậu, HPV, herpes, giang mai, HIV.
- Tinh trùng: Là tế bào được tạo ra từ tinh hoàn, có khả năng thụ tinh với trứng của người nữ.
- Tử cung: là cấu trúc chủ yếu bằng cơ, nằm trong khung chậu của người nữ và có khả năng chứa đựng và nuôi dưỡng sự phát triển của thai trong thai kỳ.
- Âm đạo: cấu trúc dạng ống bao quanh bởi cơ, kéo dài từ tử cung đến bên ngoài cơ thể.
Tài liệu tham khảo
http://www.acog.org/-/media/For-Patients/faq112.pdf