Tĩnh mạch mạng nhện thường không gây đau đớn và không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng lại có thể làm mất đi tính thẩm mỹ của làn da.
Tĩnh mạch mạng nhện là những tĩnh mạch nhỏ, bị hư hỏng, thường xuất hiện trên bề mặt da nhìn trông giống như mạng nhện ở chân hoặc mặt. Các tĩnh mạch mạng nhện có thể có màu xanh, tím hoặc đỏ và xuất hiện dưới dạng các đường mỏng, mạng hoặc nhánh. Dưới đây, bạn hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu về cách điều trị và phòng ngừa tĩnh mạch mạng nhện nhé!
Nguyên nhân gây ra tĩnh mạch mạng nhện
Tình trạng tĩnh mạch mạng nhện ở chân có thể xảy ra khi các van bên trong tĩnh mạch không thể hoạt động như bình thường. Tĩnh mạch có chức năng mang máu về tim và ngăn máu chảy ngược nên chúng sẽ có van một chiều đóng lại sau khi máu đi qua.
Tuy nhiên, nếu van này yếu đi hoặc bị hỏng thì máu có nguy cơ chảy sai hướng. Theo thời gian, điều này có thể tạo ra khối phồng trong tĩnh mạch phân nhánh và gây ra tĩnh mạch mạng nhện.
Các tĩnh mạch mạng nhện trên vùng mặt thường là kết quả của các mạch máu nhỏ vỡ ra. Sự gia tăng áp lực trong mạch máu hoặc ánh nắng mặt trời có thể là nguyên nhân gây ra tĩnh mạch mạng nhện.
Phân biệt tĩnh mạch mạng nhện và giãn tĩnh mạch
Tĩnh mạch mạng nhện và giãn tĩnh mạch là những dạng khác nhau của một tình trạng y tế gọi là suy tĩnh mạch. Cả hai vấn đề này nếu xảy ra ở chân đều do nguyên nhân là van bị suy yếu hoặc bị hỏng trong tĩnh mạch. Tuy nhiên, hai vấn đề này lại có triệu chứng khác nhau.
• Tĩnh mạch mạng nhện: Thường là những đường nhỏ, mỏng có thể bằng phẳng hoặc chỉ hơi nhô lên, thường có màu xanh, đỏ hoặc tím.
• Giãn tĩnh mạch: Tĩnh mạch thường lớn hơn và sâu hơn tĩnh mạch mạng nhện. Chúng cũng có thể xuất hiện dạng sần hoặc xoắn và thường có màu đỏ.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, giãn tĩnh mạch có thể gây ra một loạt các triệu chứng bao gồm:
- Ngứa
- Đau đớn
- Xuất huyết
- Cảm giác nặng ở chân
- Sưng chân hoặc mắt cá chân
Tình trạng giãn tĩnh mạch cũng có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện cục máu đông và các vấn đề lưu thông máu trong cơ thể.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Giãn tĩnh mạch là bệnh gì, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Yếu tố nguy cơ gây ra tĩnh mạch mạng nhện
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển tĩnh mạch mạng nhện bao gồm:
• Di truyền học: Có tới 90% người có tĩnh mạch mạng nhện là do tiền sử gia đình.
• Mang thai: Khi phụ nữ bắt đầu mang thai, lượng máu di chuyển trong cơ thể tăng lên và thêm trọng lượng của thai nhi sẽ gây áp lực lên tĩnh mạch chân, làm xuất hiện tĩnh mạch mạng nhện. Tình trạng này có thể biến mất sau khi mang thai.
• Phụ nữ: Tĩnh mạch mạng nhện có xu hướng ảnh hưởng đến phụ nữ thường xuyên hơn nam giới.
• Người lớn tuổi: Các van trong tĩnh mạch có xu hướng yếu dần theo thời gian. Các cơ bắp giúp hỗ trợ các tĩnh mạch ở chân và bơm máu lên trên cũng bị suy yếu dần khi lớn tuổi.
• Thừa cân: Trọng lượng cơ thể tăng thêm có thể gây thêm áp lực lên các tĩnh mạch chân.
• Hormone: Việc kiểm soát hormone sinh sản và điều trị hormone thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc tĩnh mạch mạng nhện vì estrogen có thể làm suy yếu van tĩnh mạch.
• Ngồi hoặc đứng trong thời gian dài: Các tĩnh mạch ở chân phải làm việc nhiều hơn để bơm máu về phía tim nếu bạn đứng hoặc ngồi quá lâu khiến van tĩnh mạch suy yếu.
• Cục máu đông hoặc tổn thương tĩnh mạch trước đó: Điều này có thể làm hỏng các van tĩnh mạch khiến chúng không thể hoạt động bình thường.
• Tác hại của ánh nắng mặt trời: Ánh sáng cực tím từ mặt trời có thể làm hỏng da, gây vỡ mạch máu hoặc tĩnh mạch mạng nhện, đặc biệt là trên da mặt.
Cách điều trị tĩnh mạch mạng nhện
Một số phương pháp điều trị tĩnh mạch mạng nhện bao gồm:
1. Chích xơ tĩnh mạch
Phương pháp chích xơ tĩnh mạch sử dụng chất kích thích tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch bị ảnh hưởng. Khi các bức tường của tĩnh mạch bị kích thích sẽ dính lại với nhau và giữ cho máu không chảy vào khu vực này. Phương pháp này có thể giúp giảm sưng và làm cho tĩnh mạch co lại. Theo thời gian, tĩnh mạch mạng nhện sẽ mờ dần hoặc biến mất.
Sau khi thực hiện phương pháp chích xơ tĩnh mạch, người bệnh thường mang vớ ngăn giãn tĩnh mạch trong vài ngày hoặc vài tuần. Sau đó, các tĩnh mạch mạng nhện sẽ dần bắt đầu biến mất, quá trình này có thể mất tới 6 tuần.
2. Mang vớ giãn tĩnh mạch
Giải pháp mang vớ giãn tĩnh mạch có tác dụng gây áp lực lên các tĩnh mạch ở chân dưới. Dạng áp lực này có thể giúp cải thiện lưu lượng máu và ngăn ngừa thêm tĩnh mạch mạng nhện hoặc giãn tĩnh mạch. Loại vớ giãn tĩnh mạch cũng có thể giúp giảm sưng chân và giảm nguy cơ đông máu ở chân.
3. Điều trị bằng laser
Bác sĩ có thể sử dụng tia laser để điều trị các tĩnh mạch mạng nhện nhỏ hơn 3mm và gần bề mặt da. Tia laser là một chùm ánh sáng mạnh, tập trung làm cho tĩnh mạch mạng nhện đóng cục và khô lại. Việc điều trị bằng laser ít xâm lấn hơn so với phương pháp chích xơ tĩnh mạch vì không sử dụng thuốc tiêm.
4. Liệu pháp laser nội soi (EVLT)
EVLT là một phương pháp mới hơn để điều trị tĩnh mạch mạng nhện và giãn tĩnh mạch nhỏ. Bác sĩ sẽ tạo một vết mổ nhỏ trong tĩnh mạch bị ảnh hưởng và sau đó chèn một sợi dẫn tia laser. Các tia laser áp dụng nhiệt trực tiếp vào tĩnh mạch và làm teo tĩnh mạch bị giãn. Điều này có thể mất vài tháng hoặc đến một năm để biến mất. Liệu pháp laser nội soi cần sử dụng thuốc gây tê tại chỗ.
5. Phẫu thuật
Mặc dù một số phương pháp điều trị phẫu thuật có thể có hiệu quả đối với chứng giãn tĩnh mạch lớn hơn, nhưng bác sĩ thường không thực hiện phẫu thuật đối với tĩnh mạch mạng nhện. Điều này là do tĩnh mạch mạng nhện nhỏ hơn và thường đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị ít xâm lấn ở trên.
Đối với các phương pháp điều trị tĩnh mạch mạng nhện liên quan đến thủ thuật y tế, bạn cần đến những cơ sở có uy tín và bác sĩ có bằng cấp rõ ràng để hạn chế rủi ro.
Cách ngăn ngừa tĩnh mạch mạng nhện
Bạn có thể áp dụng một số cách thay đổi lối sống và bí quyết chăm sóc bản thân để ngăn ngừa tĩnh mạch mạng nhện sau đây:
• Dùng kem chống nắng: Thói quen bôi kem chống nắng mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa xuất hiện tĩnh mạch mạng nhện, đặc biệt là trên mặt. Bên cạnh đó, khi ở ngoài trời trong thời gian dài, bạn cần sử dụng mũ và quần áo chống nắng.
• Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Điều này giúp giảm áp lực lên tĩnh mạch và giữ cho máu lưu thông tốt.
• Vận động thường xuyên: Bạn nên tránh ngồi hoặc đứng trong thời gian dài mà hãy nên đứng dậy và đi bộ xung quanh sau mỗi 30 phút.
• Tránh quần áo chật: Việc mặc quần áo quá chật quanh eo, chân hoặc xương chậu có thể hạn chế lưu lượng máu và làm tăng nguy cơ mắc tĩnh mạch mạng nhện.
• Tránh lạm dụng bồn tắm nước nóng và phòng xông hơi: Nhiệt độ quá cao có thể khiến các tĩnh mạch bị sưng lên, làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch và phồng ở chân.
• Hạn chế tiêu thụ rượu: Thói quen uống rượu có thể gây đỏ bừng mặt và vỡ mạch máu ở một số người.
• Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất có thể giúp cải thiện lưu thông và ngăn máu dồn áp lực ở chân.
• Nâng cao chân: Cách nâng chân khi ngồi hoặc nằm có thể giúp ngăn máu dồn xuống chân.
Tình trạng tĩnh mạch mạng nhện xảy ra khá phổ biến tuy không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của người bệnh. Vì thế, bạn nên duy trì lối sống lành mạnh và điều trị đúng cách để cải thiện tình trạng này nhé!