Bên cạnh việc sử dụng thuốc trị trào ngược dạ dày, bạn còn có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục tại nhà để cải thiện tình trạng sức khỏe.
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản là vấn đề sức khỏe liên quan đến hệ tiêu hóa phổ biến ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Hầu hết trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc trị trào ngược dạ dày cho người bệnh.
Vậy, bạn đã biết thuốc trị trào ngược dạ dày bao gồm những loại nào chưa? Ngoài ra, bạn còn có thể làm gì để chữa trào ngược dạ dày? Hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Trào ngược dạ dày là gì?
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản là tình trạng dịch dạ dày liên tục chảy vào thực quản, “con đường” vận chuyển thức ăn từ miệng đến bao tử. Lúc này, axit trong dịch dạ dày có thể gây tổn thương mô và dẫn đến nhiều triệu chứng khác, chẳng hạn như ợ nóng.
Nguyên nhân trào ngược dạ dày
Trong quá trình nuốt, dải cơ tròn quanh đáy thực quản sẽ nới rộng, đủ không gian cho thức ăn di chuyển vào dạ dày. Sau đó, nó sẽ “đóng” lại như cũ.
Nếu dải cơ này mở rộng bất thường, dịch tiêu hóa từ dạ dày có thể chảy ngược vào thực quản. Nồng độ axit cao trong dịch có nguy cơ gây kích ứng niêm mạc thực quản, dẫn đến tình trạng viêm.
Bên cạnh đó, một số yếu tố dưới đây cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày ở bạn:
- Béo phì
- Mang thai
- Rối loạn mô liên kết, chẳng hạn như xơ cứng bì
Ngoài ra, một số thói quen dưới đây sẽ khiến bệnh trở nặng, bao gồm:
- Hút thuốc lá
- Ăn nhiều bữa lớn hoặc ăn khuya
- Dùng nhiều thực phẩm giàu chất béo hoặc đồ ăn chiên
- Thường xuyên dùng thức uống chứa chất kích thích như bia, rượu, cafe…
- Lạm dụng thuốc giảm đau, chẳng hạn như aspirin
Triệu chứng trào ngược dạ dày
Ợ nóng là triệu chứng điển hình nhất của tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản. Ngoài ra, những dấu hiệu khác có thể là:
- Buồn nôn và nôn
- Hôi miệng
- Hệ hô hấp gặp vấn đề
- Cảm giác đau và khó nuốt
- Sâu răng
Phương pháp điều trị trào ngược dạ dày – thực quản
Cách chữa trào ngược dạ dày thông dụng nhất là sử dụng thuốc. Theo các chuyên gia y khoa hàng đầu về tiêu hóa, thuốc trị trào ngược dạ dày phát huy hiệu quả tốt nhất khi bạn dùng chúng hàng ngày, thay vì chỉ sử dụng lúc ợ nóng. Tuy nhiên, nếu muốn áp dụng chúng liên tục trong thời gian dài, bạn nên tham vấn ý kiến của bác sĩ trước, nhằm phòng ngừa những biến cố không mong muốn xảy ra.
Người mắc bệnh trào ngược dạ dày uống thuốc gì?
Thông thường, thuốc trị trào ngược dạ dày do bác sĩ kê đơn sẽ gồm hai nhóm như sau:
Thuốc trung hòa axit
Antacid là loại thuốc điển hình cho nhóm trung hòa axit trong dịch dạ dày, có thể hoạt động như thuốc trị trào ngược dạ dày dạng nhẹ. Người bệnh thường dùng thuốc sau bữa ăn.
Nhiệm vụ của antacid là trung hòa lượng axit có trong dịch dạ dày trong thời gian ngắn, từ đó thuyên giảm triệu chứng ợ nóng.
Ngoài ra, một số loại thuốc thuộc nhóm này có thể là thuốc không kê đơn. Thêm vào đó, tác dụng phụ do thuốc trung hòa axit đem lại cũng không đáng kể.
Thuốc giảm tiết axit
Ngoài việc trung hòa axit trong dịch dạ dày, việc hạn chế lượng dịch tiêu hóa được sản sinh cũng góp phần thuyên giảm tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản.
Để dùng thuốc giảm tiết axit như thuốc trị trào ngược dạ dày , bác sĩ thường sẽ chỉ định bạn dùng hai loại sau:
Thuốc kháng histamine H2
Cơ chế hoạt động của loại thuốc này là ức chế histamine, yếu tố kích hoạt quá trình sản xuất axit trong dịch dạ dày sau bữa ăn. Do đó, bạn nên dùng thuốc 30 phút trước khi ăn hoặc trước khi đi ngủ để phòng ngừa tình trạng axit tiếp tục được điều tiết vào ban đêm.
Thuốc kháng histamine H2 đặc biệt hữu ích về mặt thuyên giảm triệu chứng ợ nóng. Tuy nhiên, đối với điều trị viêm thực quản, hiệu quả của nó không đáng kể.
Các loại thuốc thường thấy có thể là:
- Cimetidine
- Famotidine (Pepcid)
- Ranitidine (Zantac)
Mặt khác, thuốc kháng histamine H2 cũng có tác dụng phụ, bao gồm:
- Đau đầu, đau họng và đau bụng
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Chảy nước mũi
- Chóng mặt
Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Một loại thuốc trị trào ngược dạ dày khác bằng cách giảm tiết axit là thuốc ức chế bơm proton. So với thuốc kháng viêm histamine H2, thời gian tác dụng của nhóm thuốc này kéo dài hơn trong vài trường hợp. Ngoài ra, theo bác sĩ, bạn nên dùng loại thuốc này khoảng một giờ trước khi ăn.
Thuốc ức chế bơm proton theo toa có thể bao gồm:
- Dexlansoprazole (Dexilant)
- Esomeprazole (Nexium)
- Lansoprazole (Prevacid)
- Omeprazole (Prilosec, Zegerid)
- Pantoprazole (Protonix)
- Rabeprazole (Aciphex)
Mặt khác, đau đầu, tiêu chảy, buồn nôn và đầy bụng là những tác dụng phụ có thể xảy ra khi bạn sử dụng loại thuốc này.
Người bị trào ngược dạ dày nên làm gì?
Bên cạnh việc sử dụng thuốc trị trào ngược dạ dày, bạn cũng có thể áp dụng thêm một số biện pháp khắc phục tại nhà nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, đồng thời rút ngắn thời gian hồi phục.
Dưới đây, Chúng tôi sẽ giúp bạn bỏ túi một vài mẹo nhỏ, chẳng hạn như:
Duy trì trọng lượng hợp lý
Béo phì có nguy cơ gây tăng áp lực lên khu vực dạ dày, khiến quá trình sản xuất axit trong dịch dạ dày hoạt động như cũ. Từ đó, chúng có thể tiếp tục chảy ngược lên thực quản và gây ợ nóng.
Để phòng ngừa trường hợp này, bạn nên tham khảo những chế độ ăn uống hợp lý tuân theo tháp dinh dưỡng hoặc chế độ ăn kiêng nếu cần giảm cân.
Bạn có thể muốn tìm hiểu: Chế độ ăn kiêng: 7 cách bắt đầu để thành công.
Nắm rõ những thực phẩm và đồ uống cần tránh
Những thực phẩm và thức uống sau đây có nhiều nguy cơ khiến bệnh trở nặng, bao gồm:
- Sốt cà chua và các sản phẩm khác làm từ cà chua
- Thực phẩm giàu chất béo, chẳng hạn như thức ăn nhanh và thực phẩm nhiều dầu mỡ
- Các món chiên
- Nước ép trái cây đóng hộp
- Nước ngọt
- Cafeine
- Tỏi
- Hành
- Bạc hà
- Thức uống chứa cồn như bia, rượu…
Hạn chế sử dụng những thực phẩm trên có thể giúp bạn gặp ít triệu chứng trào ngược dạ dày hơn.
Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày
Đối với những người đang gặp vấn đề về hệ tiêu hóa, cụ thể hơn là chứng trào ngược dạ dày, chia các bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ trong ngày sẽ giúp giảm bớt áp lực ở dạ dày. Từ đó, tình trạng chảy ngược của dịch dạ dày cũng có thể được ngăn chặn. Ngoài ra, lượng calo bạn hấp thụ cũng sẽ giảm bớt.
Thêm vào đó, bạn đừng nên nằm ngay sau khi dùng bữa xong. Điều này có thể gây ra chứng ợ nóng.
Bỏ thuốc lá
Thói quen hút thuốc lá có khả năng gây tổn thương cho dải cơ tròn quanh đáy thực quản, bộ phận chịu trách nhiệm chặn dòng chảy của dịch dạ dày đi vào thực quản.
Mặt khác, khói thuốc cũng gián tiếp cản trở quá trình điều trị trào ngược dạ dày – thực quản.