8 nguyên nhân cáu gắt và cách điều trị

(3.68) - 57 đánh giá

Cảm giác khó chịu và dễ cáu gắt có thể liên quan đến một loạt vấn đề sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Tìm hiểu và điều trị đúng nguyên nhân cáu gắt sẽ giúp bạn mau chóng cân bằng lại cảm xúc.

Một người đang trong tình trạng cáu gắt thường dễ bị kích động nếu cảm thấy bị làm phiền. Điều này khiến họ dễ phản ứng tiêu cực hơn đối với những tình huống căng thẳng.

Theo các chuyên gia, cáu gắt là cảm xúc không hiếm gặp. Nó có thể phát sinh bởi những yếu tố tác động từ bên ngoài hoặc ngay chính bên trong cơ thể bạn, ví dụ như cuộc sống căng thẳng, tụt đường huyết hay thay đổi nội tiết tố.

Bên cạnh đó, triệu chứng cáu gắt kéo dài còn có thể cảnh báo về một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc đái tháo đường. Ngoài ra, nó cũng có thể là dấu hiệu của một số rối loạn tinh thần như chứng lo âu hoặc trầm cảm.

Mặt khác, cảm giác khó chịu, dễ cáu gắt còn thường đi chung với những triệu chứng sau, bao gồm:

  • Khó tập trung, lơ đễnh
  • Tuyến mồ hôi hoạt động quá mức
  • Nhịp tim nhanh
  • Thở nhanh hoặc nông

Để chấm dứt tình trạng trên, bác sĩ sẽ cần tìm hiểu sự cáu gắt của bạn bắt nguồn từ đâu. Qua bài viết sau đây, Hello Bacsi sẽ gợi ý một số vấn đề sức khỏe có thể gây nên tình trạng này ở trẻ nhỏ và người trưởng thành.

Vì sao bạn dễ cáu gắt?

Cảm giác khó chịu, dễ gắt gỏng ở một người thường phát sinh bởi nhiều vấn đề khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất có thể là 8 vấn đề như sau:

1. Áp lực cuộc sống đè nặng khiến bạn dễ cáu gắt với mọi người

Chịu đựng áp lực đè nặng lên tinh thần trong thời gian dài có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu hơn bình thường. Từ đó, những trạng thái tiêu cực như cáu gắt có nhiều khả năng bộc phát.

Căng thẳng trong cuộc sống thường gắn liền với công việc, học tập, gia đình hoặc chấn thương. Một người trải qua cuộc sống căng thẳng có thể gặp khó khăn trong việc quản lý tâm trạng. Nếu tình trạng trên kéo dài, bạn có nguy cơ bị chai sạn về mặt cảm xúc.

Ngoài ra, một cuộc sống đầy áp lực cũng là nguyên nhân khiến bạn trở nên ít khoan dung hơn với những người xung quanh. Điều này khiến các mối quan hệ dễ rạn nứt.

2. Trầm cảm và những tâm trạng tiêu cực đi kèm

10 năm trở lại đây, bệnh trầm trở nên phổ biến hơn bao giờ hết

Tình trạng sức khỏe này có thể dẫn đến hàng loạt cảm xúc tiêu cực như buồn bã, mệt mỏi và khó chịu. Thêm vào đó, một trong những triệu chứng sớm của trầm cảm là dễ cáu gắt.

Theo một số nghiên cứu, trạng thái dễ cáu gắt thường phát sinh trong trường hợp trầm cảm ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Ngoài ra, nó còn thường đi chung với:

  • Cảm giác hung hăng
  • Chấp nhận rủi ro lớn (liều mạng)
  • Lạm dụng chất gây nghiện

Bạn nên tìm gặp bác sĩ để điều trị trầm cảm nếu bắt gặp bất kỳ triệu chứng nào dưới đây kéo dài hơn hai tuần:

  • Cảm giác tội lỗi, vô dụng
  • Mất hứng thú với những thú vui bình thường
  • Mệt mỏi
  • Gặp khó khăn trong việc tập trung hoặc ghi nhớ
  • Đau đầu
  • Hệ tiêu hóa có vấn đề
  • Thay đổi đột ngột về cân nặng hay cảm giác thèm ăn

3. Lo lắng quá nhiều cũng dẫn đến cáu gắt

Thông thường, cảm giác lo lắng xuất hiện nhằm đáp lại những tình huống căng thẳng trong cuộc sống. Triệu chứng trên sẽ kéo dài cho đến khi áp lực biến mất. Tình trạng này có nguy cơ ảnh nghiêm trọng đến nhiều khía cạnh cuộc sống thường ngày của một người, chẳng hạn như:

  • Hiệu suất công việc
  • Hoạt động hàng ngày
  • Mối quan hệ cá nhân

Mặt khác, nếu trạng thái lo lắng quá mức kéo dài từ nửa năm trở lên, bạn có nhiều nguy cơ mắc phải chứng rối loạn lo âu toàn thể (GAD). So với những tình trạng rối loạn lo âu khác, dấu hiệu của bệnh GAD có thể gồm:

  • Hay cáu gắt
  • Nhịp tim nhanh
  • Hô hấp yếu
  • Căng cơ
  • Khó tập trung và đưa ra quyết định
  • Gặp vấn đề về giấc ngủ

Bên cạnh đó, người bệnh cũng có nguy cơ trải qua cơn hoảng loạn, tình trạng sợ hãi mãnh liệt dẫn đến những phản ứng vật lý nghiêm trọng. Tác nhân gây hoảng loạn ở mỗi người sẽ khác nhau, thậm chí đôi khi nguyên nhân không rõ ràng.

Những người từng trải nghiệm cảm giác hoảng loạn sẽ vô cùng lo lắng về việc tình trạng này có thể tái phát. Lúc này, họ có xu hướng làm mọi cách để ngăn chặn điều đó xảy ra. Chính vì vậy, người bệnh sẽ cảm thấy quá sức và dễ cáu gắt trước bất kỳ thứ gì làm phiền họ.

4. Nguyên nhân cáu gắt: không thể không nhắc đến chứng ám ảnh sợ hãi

Thuật ngữ ám ảnh mô tả nỗi sợ hãi hoặc ác cảm mãnh liệt đối với một đối tượng, có thể là người, vật hoặc tình huống nhất định.

Suy nghĩ nhiều hoặc tiếp xúc với tác nhân gây ám ảnh có nguy cơ khiến bạn cảm thấy dễ hoảng loạn, khó chịu và cáu gắt hơn bình thường.

Những người mắc chứng ám ảnh sợ hãi có thể cảm thấy lo lắng về một số yếu tố như:

  • Bay
  • Độ cao
  • Kim tiêm
  • Máu
  • Ngoài trời
  • Tình huống xã hội
  • Động vật

5. Thiếu ngủ: nguyên nhân gây cáu gắt hàng đầu

Việc không ngủ đủ giấc (thiếu ngủ) thường dẫn đến cảm giác khó chịu, gắt gỏng. Đặc biệt, trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị kích động và bộc lộ cảm xúc khác thường nếu ngủ không đủ giấc.

Nguyên nhân thiếu ngủ có thể xuất phát từ những rối loạn giấc ngủ, ví dụ như chứng mất ngủ hoặc ngưng thở khi ngủ. Nếu rơi vào các trường hợp trên, bạn có xu hướng tỉnh giấc vào giữa đêm và khó ngủ lại.

Rối loạn giấc ngủ là một trong những nguyên nhân khiến bạn ngủ không đủ giấc

Theo thống kê từ nhiều nghiên cứu, hiện nay có khoảng 1/3 người trưởng thành bị thiếu ngủ. Để khắc phục tình trạng này, bạn cần ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm. Đối với trẻ vị thành niên, giấc ngủ nên kéo dài 8–10 giờ, trong khi trẻ sơ sinh có thể cần đến 16 giờ để ngủ.

Thực tế, chất lượng giấc ngủ có khả năng ảnh hưởng đến cả sức khỏe tinh thần cũng như thể chất, như:

  • Nâng cao tâm trạng
  • Cải thiện sự tập trung
  • Hỗ trợ hoạt động của tế bào miễn dịch
  • Giảm thiểu nguy cơ phát sinh một số bệnh lý như các bệnh về tim, trầm cảm…

Do đó, nhằm nâng cao chất lượng giấc ngủ, bạn có thể áp dụng một số mẹo nhỏ sau:

  • Không ăn quá nhiều hoặc tiêu thụ caffeine hay cồn (rượu, bia…) trước khi đi ngủ
  • Đảm bảo phòng ngủ yên tĩnh
  • Không dùng thiết bị điện tử (tivi, máy tính, điện thoại…) khi chuẩn bị đi ngủ
  • Tập thói quen đi ngủ và thức dậy vào một khung giờ mỗi ngày
  • Thường xuyên rèn luyện thể chất

6. Lượng đường trong máu hao hụt cũng sẽ làm cho bạn khó chịu, cáu kỉnh

Hạ đường huyết là một trong những vấn đề dễ tác động đến tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần. Thông thường, mức đường huyết thấp chủ yếu phổ biến ở người mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường) do sử dụng insulin hoặc một số thuốc trị tiểu đường khác không đúng cách.

Mặc dù vậy, người bình thường vẫn có khả năng hạ đường huyết tạm thời khi nhịn đói trong nhiều giờ liền.

Lượng đường trong máu thấp có thể kéo theo một loạt triệu chứng như:

  • Cáu gắt
  • Khó tập trung
  • Nhịp tim nhanh
  • Tứ chi run rẩy
  • Đau đầu
  • Buồn ngủ
  • Cảm thấy chóng mặt hoặc lâng lâng

Ngoài ra, tình trạng tụt đường huyết cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến giấc ngủ. Lúc này, bạn có thể gặp ác mộng hoặc đổ nhiều mồ hôi suốt đêm.

7. Mất cân bằng nội tiết tố gây thay đổi tâm trạng

Người bị mất cân bằng nội tiết tố có thể bộc lộ nhiều triệu chứng vật lý và tinh thần khác nhau, điển hình nhất là sự khó chịu và dễ cáu gắt. Các tình huống căng thẳng, chế độ dinh dưỡng kém và thiếu ngủ là những yếu tố trực tiếp gây nên sự rối loạn hormone.

Tâm trạng cáu kỉnh, khó chịu cũng thường xuất phát từ tình trạng mất cân bằng hormone

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân mất cân bằng nội tiết tố phổ biến khác có thể gồm:

  • Đái tháo đường
  • Cường giáp
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
  • Mãn kinh

Ở nam giới, nồng độ estrogen cao hoặc mức testosterone thấp cũng là nguyên nhân gây cáu gắt.

8. Đừng xem nhẹ hội chứng tiền kinh nguyệt!

Các triệu chứng tiền kinh nguyệt là ví dụ cụ thể cho tình trạng mất cân bằng hormone gây thay đổi tâm trạng theo hướng tiêu cực.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, hội chứng tiền kinh nguyệt rất phổ biến. Hơn 90% phụ nữ có thể bắt gặp những dấu hiệu bất thường vào khoảng 1–2 tuần trước chu kỳ kinh nguyệt của họ, bao gồm:

  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Tâm trạng tệ, thường xuyên cáu gắt
  • Dễ lo lắng hoặc khóc
  • Thèm ăn
  • Đầy hơi
  • Ngực nhão hoặc sưng
  • Táo bón hoặc tiêu chảy

Làm thế nào để đối phó với tình trạng cáu gắt, khó chịu?

Để chấm dứt tình trạng khó chịu và cáu gắt, bạn cần xác định rõ nguyên nhân. Điều trị đúng nguyên nhân sẽ nhanh chóng xóa bỏ những triệu chứng như trên.

Đối với những vấn đề sức khỏe tinh thần như trầm cảm, bác sĩ sẽ kê toa một số thuốc chống trầm cảm cho bạn. Ngoài ra, trải lòng cùng một chuyên gia tâm lý cũng giúp giảm bớt một số triệu chứng như sợ hãi, lo lắng hoặc khó chịu.

Một số thuốc kê toa có thể giúp đẩy lui những cảm xúc tiêu cực

Nếu bạn dễ cáu gắt do mất cân bằng nội tiết tố, thay đổi chế độ ăn uống và điều chỉnh lối sinh hoạt cần được ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể lựa chọn liệu pháp hormone để điều trị. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng biện pháp này không hoàn toàn phù hợp với tất cả mọi người. Do vậy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định bổ sung nội tiết tố.

Tâm trạng không tốt, chẳng hạn như khó chịu và dễ cáu gắt, có nguy cơ khiến chất lượng cuộc sống của bạn đi xuống. Vì vậy, nếu nhận thấy những cảm xúc tiêu cực thường xuyên bộc lộ, bạn nên nhanh chóng tìm kiếm sự giúp đỡ y tế từ các chuyên gia trị liệu tâm lý.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Các dạng stress và cách khắc phục

(89)
Stress là vấn đề mà mọi người thường hay gặp phải trong cuộc sống. Có nhiều yếu tố khiến bạn bị stress, chẳng hạn như mối lo về tiền bạc, sức ... [xem thêm]

Rối loạn lưỡng cực (bệnh hưng – trầm cảm)

(58)
Tìm hiểu chungRối loạn lưỡng cực (bệnh hưng – trầm cảm) là bệnh gì?Rối loạn lưỡng cực, hay còn gọi là rối loạn hưng – trầm cảm, là tình trạng tâm ... [xem thêm]

Lý do vì sao bạn nên nuôi một chú cún cưng

(83)
Chó không chỉ là thú cưng mà còn là “bạn đồng hành” của con người trong bao năm qua. Chó giữ nhà, giúp ta vui vẻ, giúp chống lại bệnh tật và bảo vệ ta ... [xem thêm]

Du lịch thường xuyên có thể đem đến cho bạn sức khỏe thể chất lẫn tinh thần

(59)
Du lịch vòng quanh thế giới ắt hẳn là mơ ước của nhiều người. Du lịch không những giúp chúng ta thư giãn, giải tỏa căng thẳng và có được những trải ... [xem thêm]

Rối loạn nhân cách

(80)
Tìm hiểu chungRối loạn nhân cách là gì?Rối loạn nhân cách là một nhóm các rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, cảm nhận, hành động và cách ... [xem thêm]

Lòng trắc ẩn và hương vị của sự yêu thương

(17)
Mỗi con người chúng ta ai cũng có lòng trắc ẩn, mặc dù đôi khi nó bị vùi lấp dưới thành kiến và sự ích kỉ. Hãy vượt qua rào cản của những thứ tiêu ... [xem thêm]

Ám ảnh chuyên biệt

(45)
Tìm hiểu chungÁm ảnh chuyên biệt là gì?Ám ảnh chuyên biệt là một nỗi sợ hãi rất lớn và không rõ lý do về các đồ vật hoặc tình huống ít gây ra nguy ... [xem thêm]

Tác hại của phim sex: 7 điều kinh khủng nếu bị nghiện

(31)
Bên cạnh những mặt tích cực của Internet thì đây cũng là công cụ để nhiều người tìm đến những bộ phim khiêu dâm (còn gọi là phim sex hoặc phim đen) nhằm ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN