Mối quan tâm hàng đầu của các bà mẹ mang thai là làm sao để con chào đời khoẻ mạnh. Lúc không có thai, có thể chuyện ăn uống với bạn được xếp thứ yếu, nhưng khi mang thai, việc ăn uống bỗng trở nên “tối quan trọng”, dù có rất rất nhiều yếu tố tác động đến sự hình thành và phát triển của bào thai. Vậy, như thế nào được gọi là tốt, hay là “bất thường”?
Một vài thông tin về “bất thường” cân nặng khi mang thai có thể giúp ích cho bạn.
- Béo phì
Nếu mẹ béo phì, mặc nhiên bào thai được “cung cấp quá mức” và gần như cũng phát triển to, liên quan đến khởi phát tiểu đường sau này.
Lời khuyên: Nếu thừa cân, béo phì, bạn cần giảm cân trước khi có ý định mang thai bằng cách ăn kiêng hoặc tập thể dục. Nên tham vấn bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ sản khoa về chế độ dinh dưỡng và luyện tập. Quan trọng hơn là kiểm soát cân nặng trong thời gian mang thai.
Xem thêm bài: "Béo phì và thai kỳ" của Y học cộng đồng- Suy dinh dưỡng
Thai suy dinh dưỡng (hay thai chậm tăng trưởng) trong tử cung do nguyên nhân mẹ ăn uống kém thường ít xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu của việc này có thể do tiền sản giật (một bệnh lý nguy hiểm trong thai kỳ), bệnh thận, mẹ hút thuốc hay uống rượu nhiều khi mang thai.
Lời khuyên: Nếu trẻ nhẹ cân nhưng không non tháng thì đa phần sẽ bắt kịp tăng trưởng nếu chăm sóc hợp lý. Do đó, khi thai có dấu hiệu suy dinh dưỡng, bạn nhất định phải khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ theo dõi, tìm nguyên nhân có thể để chuẩn bị trước sanh.
- Sau sanh
Cho cả trẻ béo phì và suy dinh dưỡng: bú mẹ là giải pháp tối ưu trong vấn đề nuôi dưỡng trẻ. Chính tình yêu thương của mẹ mới là yếu tố quan trọng trong chăm sóc trẻ chứ không phải ăn uống.
- Tập thể dục trong khi mang thai
Hoàn toàn có lợi nếu đúng phương pháp. Ngoài giúp bạn khoẻ, thai nhi khoẻ, tập thể dục còn giúp hạn chế một số bệnh lý trong thai kỳ do tăng cân quá mức.
Lời khuyên: nên tập mỗi ngày khoảng 30 phút. Những môn thích hợp như đi bộ, bơi, chạy bộ, yoga. Cần hạn chế những môn gắng sức, xoay trở nhiều, dừng đột ngột như tennis, aerobic…vì lúc mang thai, các khớp và dây chằng kém linh hoạt hơn. Quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể và nghe “con” của mình. Nếu đau, ra huyết, mệt, khó thở…là dấu hiệu bất thường. Hầu hết những môn vận động nhẹ nhàng sẽ an toàn trong 6 tháng đầu. Trong những tháng cuối, nếu muốn duy trì, bạn nên tham vấn bác sĩ và huấn luyện viên của mình.
Tài liệu tham khảo
https://www.facebook.com/tieumy.le.35/posts/871288952967690