Tìm hiểu chung
Viêm âm hộ là gì?
Viêm âm hộ là những từ dùng để mô tả tình trạng viêm, nhiễm trùng ở âm hộ – bộ phận sinh dục ngoài của nữ. Âm hộ (còn gọi là cửa mình) nằm phía trong thành môi nhỏ, phía dưới lỗ niệu đạo và phía trên hậu môn, là cửa dẫn vào âm đạo. Khi đến tuổi dậy thì, âm hộ được phủ một lớp lông mu. Da của âm hộ đặc biệt dễ bị kích ứng do luôn có một độ ẩm, ấm nhất định.
Viêm âm hộ là một tình trạng phổ biến báo hiệu nhiều bệnh, thường ảnh hưởng nhiều nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm âm hộ
Tình trạng này có thể gồm nhiều triệu chứng khác nhau tùy mỗi người, chẳng hạn như:
- Môi âm hộ hoặc các vùng da lân cận đỏ và sưng
- Cảm giác ngứa dữ dội, có thể tăng dần về đêm
- Nổi mụn nước trong chứa dịch lỏng
- Có vết loét, vảy dày, mảng trắng trên da âm hộ
- Đau nhức âm hộ
Các triệu chứng của viêm âm hộ có thể giống với các tình trạng hoặc vấn đề sức khỏe khác, do đó người bệnh không nên tự đưa ra chẩn đoán và điều trị. Hãy luôn tham vấn ý kiến bác sĩ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của viêm âm hộ là gì?
Viêm âm hộ có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân, chất kích ứng sau đây gây ra:
- Dị ứng giấy vệ sinh có mùi hương hoặc màu nhuộm
- Dị ứng xà phòng hoặc sữa tắm
- Dị ứng bột giặt, nước xả quần áo, thuốc tẩy
- Dị ứng các loại nước rửa phụ khoa, nước hoa, chất khử mùi vùng kín
- Dị ứng băng vệ sinh
- Dị ứng tinh trùng
- Thụt rửa âm đạo
- Sử dụng bồn tắm nước nóng hay dị ứng với nước hồ bơi
- Dùng quần lót làm từ chất liệu tổng hợp, không có đáy quần bằng cotton thoáng khí
- Ngồi yên xe đạp bị cọ xát
- Mặc đồ tắm bị ướt trong một thời gian dài
- Các bệnh lý nhiễm trùng như rận mu hoặc ghẻ
- Mụn sinh dục Herpes
- Ung thư âm hộ. Đây là loại ung thư không phổ biến và thường ảnh hưởng đến phụ nữ trên 60 tuổi. Bệnh thường có biểu hiện ban đầu là những vết loét hoặc u cục trong âm hộ.
- Đau âm hộ (vulvodynia) là tình trạng đau rát, châm chích nhưng thường không rõ nguyên nhân và có ảnh hưởng đến vùng da xung quanh âm đạo hoặc âm hộ, gây sưng viêm.
Ngoài ra, sụt giảm nồng độ estrogen hay thiếu hụt estrogen cũng có thể khiến nữ giới bị viêm âm hộ. Do đó, tình trạng này có khả năng xuất hiện ở phụ nữ sau mãn kinh.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế giúp chẩn đoán viêm âm hộ
Người bệnh cần miêu tả các triệu chứng thật cụ thể, thời gian bắt đầu xảy ra triệu chứng, có hoạt động hay sử dụng sản phẩm gì trực tiếp tiếp xúc đến khu vực âm hộ trước đó hay không. Bác sĩ sẽ dựa trên những thông tin này, khám triệu chứng thực thể và kết hợp với một số xét nghiệm sau để củng cố chẩn đoán:
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm nước tiểu
- Xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục (STDs)
- Xét nghiệm Pap. Xét nghiệm này dùng kính hiển vi kiểm tra các tế bào được thu thập từ cổ tử cung nhằm phát hiện những thay đổi có thể là ung thư hoặc có thể dẫn đến ung thư. Ngoài ra, thử Pap cũng tìm được các dấu hiệu khác như nhiễm trùng hoặc viêm.
Những phương pháp điều trị viêm âm hộ
Các lựa chọn phương pháp điều trị sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa trên:
- Tuổi tác, sức khỏe tổng thể và bệnh sử
- Nguyên nhân gây viêm
- Loại và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
- Khả năng chịu đựng đối với các loại thuốc, thủ thuật hoặc liệu pháp cụ thể
Những phương pháp điều trị có thể bao gồm:
- Tránh tiếp xúc lại với các chất gây kích ứng, mặc quần làm từ vải cotton thoáng khí
- Dùng kem bôi cortisone giúp giảm kích ứng và ngứa
- Dùng kem bôi estrogen ngăn ngừa tình trạng ngứa và các triệu chứng khác của viêm âm hộ
- Dùng thuốc kháng nấm hoặc kháng sinh nếu có nhiễm trùng
Viêm âm hộ nếu không phải là triệu chứng của những bệnh lý khác thì thường dễ dàng chữa khỏi bằng các biện pháp đơn giản như trên. Sau vài tuần, cảm giác ngứa, đỏ ở âm hộ có thể thuyên giảm.
Phòng ngừa
Những biện pháp giúp phòng ngừa viêm âm hộ – âm đạo
Nữ giới có thể thực hiện một số biện pháp để ngăn ngừa tình trạng viêm âm hộ như:
- Sử dụng các sản phẩm vệ sinh phụ nữ dịu nhẹ, không mùi hoặc chỉ cần sử dụng nước sạch là đủ
- Tránh thụt rửa âm đạo
- Làm khô hoàn toàn bộ phận sinh dục sau khi tắm hay đi vệ sinh
- Mặc quần lót bằng vải cotton thoáng khí
- Thay quần áo khô ngay sau khi bơi lội hoặc tập thể dục
- Kiểm tra sức khỏe sinh sản, khám phụ khoa định kỳ
- Quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh