Một số người phải trải qua cảm giác đau đớn, khổ sở khi sống chung với bệnh tật nên chỉ mong có quyền được chết để ra đi êm ái hơn. Thế nhưng, quyền được chết có thực sự là “liều thuốc nhẹ nhàng” để từ bỏ cuộc sống?
Phần lớn xuất phát từ các vấn đề bệnh tật, nhiều người không còn cảm giác muốn tận hưởng cuộc sống. Khi ấy, quyền được chết với lựa chọn an tử (euthanasia) hay trợ tử (assisted suicide) có thể trở thành sự giải thoát nhẹ nhàng. Tuy nhiên, những vấn đề xoay quanh câu chuyện quyền được chết hoặc cái chết tự nhiên (natural death) vẫn còn gây ra khá nhiều tranh cãi.
Bạn hãy cùng tìm hiểu về quyền được chết để hiểu hơn về sự lựa chọn dễ gây cảm giác đau lòng này nhé.
Quyền được chết là một cách tự giải thoát
Quyền được chết dùng để chỉ về sự lựa chọn của một người khi tìm đến cái chết một cách tự nguyện nhằm giải thoát bản thân khỏi sự đau đớn về thể xác hoặc tinh thần kéo dài. Điều này có thể xảy ra sau một tai nạn hay một căn bệnh nguy nan khiến một người muốn chọn cái chết như một sự giải thoát.
Hiện nay, hai khái niệm thường gắn với ý định lựa chọn sự kết thúc cuộc sống phổ biến là trợ tử và an tử:
• An tử (euthanasia): Dưới sự cho phép của pháp luật, sự đồng ý của bệnh nhân cũng như gia đình người bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện việc kết thúc sự sống của người bệnh bằng các biện pháp không gây đau đớn. Với an tử, bác sĩ sẽ là người thực hiện “hành vi cuối cùng”, thường là với một mũi tiêm.
• Trợ tử (assisted suicide): Đối với bệnh nhân, bác sĩ sẽ hỗ trợ để bệnh nhân tự kết thúc cuộc sống khi có yêu cầu. Lúc này, bác sĩ sẽ kê một liều thuốc gây tử vong theo yêu cầu của bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân mới là người đóng vai trò chính yếu khi họ là người có quyết định sử dụng thuốc để kết thúc cuộc sống không.
Quyền được chết phải phù hợp ở mọi khía cạnh về đạo đức và pháp lý. Người muốn thực hiện quyền được chết mong muốn được chết trong trạng thái tâm lý tỉnh táo hoặc có sự ủy quyền hợp pháp.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Điều gì xảy ra với cơ thể sau khi chết đi?
Những tranh cãi về quyền được chết
Quyền được chết vẫn còn là vấn đề gây ra khá nhiều tranh cãi ở nhiều quốc gia. Có rất nhiều ý kiến ủng hộ tồn tại song song với những luồng phản đối trái chiều về quyết định chủ động lựa chọn cái chết.
Quan điểm ủng hộ quyền được chết
Nhiều người đồng ý quyền được chết vì các lý do như:
• Sự lựa chọn tự do: Quyền được chết cũng nên được xem như các quyền cơ bản khác như quyền được sống, quyền tự do, quyền chính trị pháp lý… Quyền này sẽ được xem như một sự lựa chọn thể hiện quyền tự quyết định cuộc sống của một người.
• Chất lượng cuộc sống: Chỉ có bệnh nhân mới thực sự biết bản thân mình cảm thấy như thế nào. Nỗi đau về thể xác và tinh thần có thể khiến cuộc sống chỉ còn là sự chịu đựng, do đó việc sớm kết thúc sẽ khiến họ đỡ dằn vặt hơn về cả thể xác lẫn tâm lý.
• Điều kiện thực tế: Đối với những người bệnh nan y đã không còn thuốc chữa thì việc duy trì cuộc sống với họ chỉ là vấn đề thời gian. Chi phí điều trị hay sự chăm sóc của người thân cũng chỉ còn mang ý nghĩa duy trì chứ không thể cứu vãn được tình hình.
• Chấm dứt cảm giác dằn vặt: Cảm giác đau đớn không chỉ người bệnh mới cảm nhận mà những người thân của họ cũng phải đi qua những cảm xúc bi lụy, buồn bã. Việc chứng kiến người thân đau đớn cũng sẽ khiến những người xung quanh dằn vặt.
Quan điểm phản đối quyền được chết
Dù cái chết có chủ đích được tạo ra nhằm giảm nhẹ sự chịu đựng cho người bệnh nhưng xung quanh câu chuyện này vẫn còn khá nhiều tranh luận về các mặt pháp lý, y tế và đạo đức.
1. Tranh cãi về y tế
Nhiều bệnh hiện tại được xem là “vô phương cứu chữa” nhưng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe thì việc điều trị vẫn rất hứa hẹn. Nếu nghĩ mình đã mất hết hy vọng và tìm cách kết thúc sự sống, người bệnh sẽ không còn cơ hội được chữa trị sau này.
Việc thi hành trợ tử hay an tử cũng sẽ khiến bệnh nhân không còn tinh thần chiến đấu chống lại bệnh tật. Khi ấy, nếu cơ hội cứu chữa vẫn còn thì nhiều người lại có ý định buông xuôi, chỉ muốn chấm dứt mọi sự đau đớn bằng một cái chết êm ái.
2. Tranh cãi về mặt pháp lý
Trong một số trường hợp, quyền được chết lại có thể bị biến tướng trở thành công cụ để ép buộc một người tìm “cái chết tự nguyện” để phục vụ lợi ích riêng. Vì muốn né tránh nghĩa vụ chăm sóc hay để phục vụ mục đích tranh giành tài sản, ai đó có thể dùng vũ lực để uy hiếp người thân ký vào giấy đề nghị an tử hay trợ tử.
Không những thế, nhiều người sẽ sử dụng quyền được chết để trốn tránh những khoản nợ ngân hàng hay lợi dụng những kẽ hở để gian lận quyền lợi bảo hiểm.
3. Tranh cãi về mặt đạo đức
Ở góc độ của một bác sĩ, đạo đức nghề nghiệp sẽ khiến họ ray rứt khi trợ giúp bệnh nhân tìm đến cái chết, thay vì nhiệm vụ là chữa bệnh cứu người. Nếu trực tiếp tiến hành an tử cho bệnh nhân, nhiều người còn phải gánh chịu những hậu quả tâm lý còn nặng nề hơn.
Mặt khác, việc để quyền được chết phổ biến còn khiến cho suy nghĩ về tự sát trở nên lan rộng hơn. Nhiều người sẽ lựa chọn kết thúc cuộc sống như một cách để giải quyết bế tắc cá nhân mà thiếu đi nghị lực sống.
Các tranh cãi xung quanh việc có nên quy định cái chết nhân đạo diễn ra tại rất nhiều quốc gia. Quyền được chết hiện chỉ được áp dụng hạn chế tại một số quốc gia như Hà Lan, Bỉ, Luxembourg… Tại Việt Nam, quyền được chết vẫn chưa được thừa nhận do chưa phù hợp với sự phát triển của xã hội và điều kiện cơ sở vật chất của nước ta.
Khao khát được sống luôn là mong muốn mãnh liệt nhất đối với bất kỳ ai. Nhưng khi cảm giác sống dằn vặt, đau đớn nhiều hơn thì một số người sẽ nghĩ đến quyền được chết. Mỗi người đứng ở mỗi góc độ khác nhau sẽ có những ý kiến khác nhau về quyết định liên quan trực tiếp đến mạng sống của mình. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể trông đợi vào những “phép màu” mang lại cuộc sống tươi đẹp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong tương lai không xa.
Thay vì nghĩ đến cái chết khi bế tắc, chúng ta có thể tìm đến bạn bè và người thân để tìm động lực sống tiếp. Tình cảm yêu thương sẽ trở thành sức mạnh giúp bạn đi qua giai đoạn khó khăn và tìm được quyết định đúng đắn nhất.
Tuyết Trinh | HELLO BACSI