Rung tâm nhĩ là bệnh xảy ra khi quá trình bơm máu bình thường của tâm nhĩ bị phá vỡ. Tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ suy tim, đột quỵ. Để quá trình điều trị bệnh thuận lợi hơn, người bị rung tâm nhĩ cần chú ý đến chế độ ăn uống hằng ngày.
Những triệu chứng thường gặp của hội chứng rung nhĩ bao gồm: tức ngực, tim đập nhanh, mệt mỏi, khó thở… Trong một số trường hợp hiếm gặp, triệu chứng bệnh khá mờ nhạt. Thực phẩm có thể làm tăng hoặc giảm các biểu hiện của rung tâm nhĩ.
Theo các bác sĩ tim mạch, thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch cũng có thể giúp bạn kiểm soát tốt nhịp tim. Song song đó, một số thực phẩm sẽ khiến người bị rung tâm nhĩ gặp vấn đề về tim mạch. Ăn quá nhiều những loại thức ăn này cũng có thể tăng nguy cơ đau tim. Các chuyên gia sức khỏe tim mạch khuyến cáo người bị rung tâm nhĩ nên tránh xa những loại thực phẩm sau:
Rượu bia
Nhiều nghiên cứu cho thấy, rượu bia là yếu tố khiến tình trạng rung tâm nhĩ nghiêm trọng hơn. Theo tạp chí Hiệp hội y khoa Canada, đối với người bị bệnh tim hoặc tiểu đường thì một lượng rượu nhỏ cũng có thể dẫn đến bệnh rung nhĩ. Vì vậy, người bị rung tâm nhĩ cần tránh xa rượu, bia hoặc các loại thực phẩm có chứa thành phần này.
Người bị rung tâm nhĩ nên hạn chế dùng thức uống có chứa caffeine
Trước đây, nhiều thông tin cho rằng người mắc chứng rung nhĩ nên tránh tối đa các sản phẩm có chứa caffeine. Vì vậy, nước ngọt, cà phê, trà cũng nằm trong “danh sách đen” đối với các bệnh nhân.
Song, các nghiên cứu lâm sàng gần đây cho thấy không có bất cứ mối liên hệ nào giữa lượng caffeine và bệnh rung tâm nhĩ. Vì vấn đề này vẫn đang trên cơ sở nghiên cứu, người bệnh chỉ nên uống một tách cà phê mỗi ngày nếu muốn.
Thức ăn chứa nhiều chất béo
Bệnh béo phì và huyết áp cao là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rung tâm nhĩ. Do đó, một chế độ ăn ít calo, nhiều rau, ít đường, ít chất béo là cách tốt để ngăn tình trạng dư cholesterol và cao huyết áp. Chế độ ăn này cũng mang đến những lợi ích cho sức khỏe tổng thể.
Bên cạnh đó, bác sĩ tim mạch sẽ khuyên bạn cắt giảm một số thức ăn nhiều chất béo. Đặc biệt là chất béo trans – chất béo nguy hiểm nhất. Loại chất béo này có nhiều trong bơ thực vật, bánh quy giòn, khoai tây chiên và các thực phẩm chiên khác.
Người bị rung tâm nhĩ không nên ăn nhiều muối
Thói quen ăn mặn chắc chắn không tốt cho sức khỏe của chúng ta. Hàm lượng natri cao trong muối khiến huyết áp tăng, ảnh hưởng đến hệ tim mạch.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, giảm lượng muối trong chế độ ăn uống có thể làm giảm nguy cơ bị rung tâm nhĩ. Người ăn nhạt thường có sức khỏe tim mạch tốt hơn người ăn mặn.
Phần lớn các loại thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp và thực phẩm đông lạnh có sử dụng muối làm chất bảo quản. Vì vậy, người bị rung tâm nhĩ nên lựa chọn các loại thực phẩm tươi và thực phẩm có ít natri. Một số loại thảo mộc có thể giữ cho thức ăn có hương vị mà không cần phải thêm muối.
Thực phẩm chứa nhiều vitamin K
Là một trong những loại vitamin cần thiết cho sức khỏe tổng thể, vitamin K có nhiều trong các loại rau lá xanh như rau bó xôi, cải xoăn, súp lơ, mùi tây…
Tuy nhiên, một lượng lớn vitamin K có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc warfarin. Warfarin là một loại thuốc làm loãng máu. Nó thường được dùng để giảm sự hình thành các cục máu đông, ngăn ngừa nhồi máu cơ tim và đột quỵ
Bệnh nhân rung tâm nhĩ cần duy trì hàm lượng vitamin này một cách ổn định nhất có thể. Cụ thể, lượng vitamin K được phép tiêu thụ đối với người bệnh theo từng độ tuổi là:
– Thanh thiếu niên từ 14 – 18 tuổi: khoảng 75 microgam (mcg)/ngày
– Nam giới trên 19 tuổi: 120 mcg/ngày
– Phụ nữ trên 19 tuổi: Ít hơn 90 mcg/ngày, ngay cả khi đang mang thai hoặc cho con bú
Nếu bạn đang sử dụng warfarin trong quá trình điều trị bệnh, hãy trao đổi với bác sĩ. Có thể, bác sĩ sẽ cân nhắc cho bạn thay thế warfarin bằng một số loại thuốc chống đông máu khác để giảm sự tương tác với vitamin K. Các loại thuốc này bao gồm: Dabigatran (Pradaxa), Rivaroxaban (Xarelto) và apixaban (Eliquis)…
Thực phẩm giàu gluten không tốt cho người bị bệnh rung nhĩ
Gluten là một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch. Vì vậy, nó thường có nhiều trong bánh mì, mì ống và một số thực phẩm đóng gói.
Một số người mắc chứng không dung nạp gluten hoặc bị dị ứng lúa mì. Cơ thể của họ sẽ xuất hiện phản ứng viêm khi ăn phải gluten. Tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh phế vị. Dây thần kinh này lại có tác động lớn đến tim mạch. Cụ thể, nó làm tăng nguy cơ bị rung tâm nhĩ hoặc khiến triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Vì vậy, người bị rung tâm nhĩ cần thông báo với bác sĩ nếu bị dị ứng với gluten. Việc giảm gluten trong chế độ ăn uống sẽ có thể giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh rung nhĩ.
Quả bưởi
Bưởi là một loại trái cây giàu vitamin. Tuy nhiên, nếu bạn bị rung tâm nhĩ thì bưởi không phải là một thức ăn tốt. Trong nước ép bưởi có chứa một lượng hóa chất naringenin. Hóa chất này có thể can thiệp vào hiệu quả của thuốc chống loạn nhịp tim như amiodarone (Cordarone) và dofetilide (Tikosyn).
Nước ép bưởi cũng có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc khác được hấp thụ qua đường máu và ruột non.
Người bị rung tâm nhĩ nên ăn uống như thế nào để cải thiện bệnh?
Bên cạnh các loại thực phẩm cần tránh, người bị bệnh rung nhĩ cũng cần lưu ý đến những thực phẩm có lợi cho sức khỏe tim mạch. Chúng đặc biệt hữu ích trong việc kiểm soát rung tâm nhĩ và ngăn ngừa các biến chứng. Theo đó, người bệnh nên thực hiện theo hướng dẫn sau để có một chế độ ăn hoàn hảo:
– Đối với bữa sáng, hãy chọn những thực phẩm nguyên chất và nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, rau xanh
– Hãy chắc chắn rằng bạn không tiêu thụ hơn 2.400 mg muối mỗi ngày
– Tránh chất béo động vật, sữa tươi
– Chia nhỏ khẩu phần ăn, thay vì ăn 3 bữa lớn bạn có thể ăn thành 5 bữa nhỏ hơn
– Không uống rượu bia, đặc biệt là trước giờ ngủ
– Không ăn thực phẩm chiên xào và được phủ bơ hoặc đường
– Tăng cường các khoáng chất thiết yếu như magiê và kali
Nghiên cứu cho thấy mức magiê thấp trong cơ thể sẽ tác động tiêu cực đến nhịp tim của bạn. Hãy tăng lượng magiê bằng cách thêm các thực phẩm sau vào bữa ăn hằng ngày:
– Các loại hạt (đặc biệt là hạnh nhân và hạt điều)
– Quả bơ
– Các loại đậu, ngũ cốc
– Sữa chua (ít đường)
Bên cạnh đó, nồng độ kali thấp cũng có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim. Sự thiếu hụt kali là một trong những hậu quả của việc thừa natri. Loại khoáng chất này có vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Theo đó, người bị rung nhĩ cần bổ sung kali qua các thực phẩm sau:
– Trái cây (bơ, chuối, mơ, cam, mận khô)
– Rau củ (khoai lang, củ cải đường, cà chua, bí đao…)
Tuy nhiên, kali có sự tương tác với một số loại thuốc. Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ trước khi tăng cường hàm lượng kali trong chế độ ăn uống để có hướng dẫn phù hợp.
Theo Healthline, rung tâm nhĩ là một bệnh cần được điều trị sớm. Việc hạn chế ăn một số thực phẩm có thể giúp quá trình điều trị được rút ngắn. Vì vậy, người bị rung tâm nhĩ cần lưu ý đến chế độ ăn uống hằng ngày. Tốt nhất, thực đơn người bệnh cần có sự theo dõi của bác sĩ. Một chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ có lợi cho tim mạch mà còn giúp giảm huyết áp, ngăn ngừa cholesterol cao và bệnh béo phì.
Nguyễn Anh Thư / HELLO BACSI