Đạp xe có tác dụng gì? Nếu bạn đang muốn thử luyện tập bộ môn này mà chưa rõ tác dụng của đạp xe, mời bạn tham khảo 8 lợi ích tuyệt vời của việc đạp xe ngay sau đây!
Đạp xe là một bài tập aerobic tác động thấp mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Bộ môn đạp xe cũng có nhiều cấp độ khác nhau, giúp người tập dễ dàng chọn lựa hình thức phù hợp với sức khỏe và nhu cầu của bản thân. Bạn có thể đạp xe nhẹ nhàng như một phương thức di chuyển giữa các nơi hoặc tập đạp xe chuyên sâu để phục vụ các mục đích thi thố hoặc nâng cao thể lực.
Đạp xe đạp không chỉ giúp ích về thể chất mà còn khiến tinh thần bạn luôn sảng khoái, giảm lo âu, căng thẳng. Trong bài viết sau, bạn hãy cùng tìm hiểu đạp xe có tác dụng và lợi ích gì nhé.
1. Đạp xe giúp kiểm soát cân nặng
Khi đạp xe trở thành thói quen, đặc biệt là nếu bạn đạp xe cường độ cao thường xuyên thì nó có thể làm giảm lượng mỡ trong cơ thể, giúp bạn kiểm soát trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
Ngoài ra, việc đạp xe cũng làm gia tăng sự trao đổi chất của cơ thể, xây dựng nên cơ bắp. Do đó, cơ thể bạn sẽ càng đốt cháy nhiều calorie hơn trong quá trình vận động.
2. Đạp xe có tác dụng gì? Giúp tăng trưởng cơ bắp phần thân dưới
Tác dụng của việc đạp xe không chỉ dừng lại ở việc làm giảm mỡ trong cơ thể. Nó còn giúp cơ thể tăng trưởng thêm các khối cơ bắp ở phần thân dưới. Cơ bắp nhiều hơn cũng đồng nghĩa cơ thể bạn sẽ đốt nhiều năng lượng hơn trong quá trình tập luyện. Nhờ đó mà cân nặng của bạn càng được kiểm soát tốt hơn.
Đạp xe giúp cải thiện tổng thể chức năng của phần dưới cơ thể của bạn, đồng thời tăng cường cơ bắp ở hai chân nhưng lại không khiến chúng bị quá tải. Bài tập đạp xe tăng cường các cơ như cơ mông, cơ đùi và cơ bắp chân.
3. Đạp xe giúp giảm tác động lên các khớp và nguy cơ chấn thương chân
Khi bạn chạy bộ, các khớp chân phải chịu hoàn toàn trọng lượng của cơ thể. Sự tác động trong thời gian dài có thể dẫn tới các chấn thương. Trong khi đó nếu bạn đạp xe, trọng lượng cơ thể lúc này sẽ do cơ đùi trước và cơ đùi sau chịu trách nhiệm, các khớp gối, khớp cổ chân sẽ được giảm áp lực đi rất nhiều.
Nhiều nghiên cứu đã so sánh nguy cơ tổn thương cơ bắp giữa hai nhóm người chạy bộ và đạp xe thường xuyên. Họ nhận thấy nhóm người chạy bộ có nguy cơ tổn thương cơ bắp nhiều hơn 133–134% và đau nhức cơ bắp cao hơn 87% so với người đạp xe đạp.
4. Tác dụng của đạp xe trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần
Đạp xe đạp có tốt cho tinh thần của bạn không? Câu trả lời là: Cực kỳ tốt.
Một nghiên cứu của YMCA cho thấy những người có cuộc sống năng động có số điểm sức khỏe tinh thần cao hơn 32% so với những người không thường hoạt động.
Có rất nhiều cách để việc tập luyện giúp thúc đẩy tinh thần của bạn. Đây là cách bạn phóng thích adrenalin và endorphin ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, khi tập luyện, bạn cũng sẽ trở nên tự tin hơn khi đạt được những kỹ năng và mục tiêu mới.
Đạp xe là việc kết hợp giữa tập luyện ngoài trời cũng như khám phá những khu vực mới. Bạn có thể đạp xe một mình để tận hưởng khoảng thời gian của riêng mình. Bạn cũng có thể đạp xe cùng những người bạn để mở rộng mối quan hệ cũng như gắn kết tốt hơn với những người bạn có chung sở thích.
5. Đạp xe giúp phổi khỏe mạnh hơn
Điều này nghe có vẻ phi lý vì khi đạp xe, chúng ta phải hít thở khí trời và có thể sẽ tiếp xúc nhiều khói bụi hơn so với người khác. Thế nhưng, một nghiên cứu gần đây cho thấy, những người đi xe đạp thực ra ít tiếp xúc với khói độc hại hơn so với người ngồi trong ô tô.
Trong một nghiên cứu Chiến dịch không khí lành mạnh do Kings College London và Hội đồng Camden thực hiện, những người đi xe đạp, đi bộ, đi xe bus và đi ô tô được trang bị những máy đo không khí và đi xuyên qua những tuyến đường đông đúc nhất tại London.
Kết quả cho thấy người lái xe ô tô tiếp xúc với không khí ô nhiễm gấp 5 lần so với người đi xe đạp, gấp 3,5 lần so với người đi bộ và gấp 2,5 lần so với người đi xe bus. Do đó ta có thể thấy rằng khi di chuyển bằng xe đạp, chúng ta sẽ ít phải tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm nhất.
6. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư
Tác dụng của việc đạp xe làm tăng nhịp tim, giúp máu tuần hoàn khắp cơ thể tốt hơn, đốt cháy lượng calorie dư thừa để bạn giảm cân và khỏe mạnh. Vì thế, đạp xe là một trong những bài tập được NHS (Tổ chức Y tế quốc gia Anh) khuyến nghị là bài tập lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo liên quan đến tim và ung thư.
Trong một nghiên cứu của Đại học Glasgow, điều này đã được khẳng định. Nghiên cứu được thực hiện trên 260.000 người, trong vòng 5 năm cho thấy việc đạp xe đi làm có thể làm giảm một nửa nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư.
7. Tác dụng của đạp xe giúp ích cho đời sống tình dục
Việc đạp xe sẽ giúp chúng ta xây dựng nên những nhóm cơ ở phần dưới cơ thể. Những nhóm cơ này vô cùng cần thiết cho hoạt động tình dục. Những cơ này càng được cải thiện thì việc quan hệ tình dục càng có thể kéo dài hơn và có chất lượng hơn.
Nếu chuyện “giường chiếu” của bạn trở nên suôn sẻ, bạn sẽ sống lâu và hạnh phúc hơn. Bác sĩ Michael Roizen, Chủ tịch Viện sức khỏe tại Phòng khám Cleveland, cho biết: “Một người đàn ông có trung bình 350 lần đạt cực khoái trong một năm so với những người chỉ đạt 1/4 lần cực khoái sẽ sống lâu hơn 4 năm”. Kết quả cũng tương tự đối với các nghiên cứu ở phụ nữ.
8. Tác dụng của đạp xe giúp cải thiện khả năng thăng bằng
Khi bạn cố gắng giữ cho cơ thể và xe đạp không bị đổ về một bên, vững vàng tiến về phía trước, chính lúc ấy bạn cũng đã cải thiện khả năng giữ thăng bằng, tư thế ngồi đúng và khả năng kết hợp các bộ phận của cơ thể rồi đấy.
Sự cân bằng của cơ thể có xu hướng giảm theo tuổi tác hoặc khi bạn lười vận động. Do đó, việc duy trì thăng bằng của cơ thể vô cùng quan trọng. Bộ môn đạp xe giúp bạn luyện tập sự thăng bằng, tránh được những tổn thương nghiêm trọng có thể gây gãy xương.
Vậy là bạn đã rõ đạp xe có tác dụng gì rồi đúng không? Đạp xe là một bài tập đơn giản nhưng lại mang đến những lợi ích to lớn cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Hãy cố gắng dành thời gian đạp xe 30-45 phút/ngày. Bạn có thể đạp xe một mình, dành thời gian tận hưởng những khung cảnh bạn đi qua. Còn nếu không muốn cô đơn, bạn có thể rủ người thân và bạn bè cùng tham gia. Như vậy bạn có thể gắn kết hơn với những người xung quanh, có thêm niềm vui cũng như động lực trên những cung đường.
Dù vậy, đạp xe có thể gây nguy hiểm, nhất là khi bạn đạp ở những khu vực có mật độ giao thông đông đúc. Bạn hãy nhớ luôn cẩn thận, đạp xe ở làn đường dành riêng cho xe đạp hoặc xe hai bánh. Ngoài ra, luôn đội mũ bảo hiểm để bảo vệ chính mình trong lúc tập luyện nhé.