Bạn thấy chân sưng sau khi đi giày chật nhưng vài ngày sau vẫn chưa hết? Đó có thể là dấu hiệu của bàn chân cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm đấy.
Dấu hiệu sưng chân hay mắt cá chân bình thường có thể tự khỏi sau khi nghỉ ngơi, nhưng cũng có thể tiết lộ nhiều nguy cơ sức khỏe cần đề phòng. Bạn nên tìm gặp bác sĩ kịp thời trước khi những nguy cơ về sức khỏe trở nên trầm trọng và khó điều trị hơn.
1. Nguy cơ tắc tĩnh mạch
Khi hệ thống tĩnh mạch của bạn hoạt động theo đúng chức năng bình thường, các van trong tĩnh mạch sẽ không để máu chảy xuống dưới chân. Nhưng theo thời gian, các van sẽ hoạt động yếu dần đi, khiến máu bị ứ đọng lại ở chân.
Huyết khối tĩnh mạch sâu là một vấn đề khác liên quan đến van trong tĩnh mạch có thể khiến chân bạn bị sưng. Huyết khối (cục máu đông) sẽ ngăn chặn sự lưu thông trở lại của máu từ chân đến tim, khiến máu đọng ở chân. Nếu không điều trị, tình trạng này sẽ trở nên nguy hiểm vì các cục máu đông có thể gây tắc mạch phổi hoặc đột quỵ.
2. Sức khỏe tim mạch không tốt
Tình trạng chân bị sưng hoặc hoặc phù nề cũng có thể là những dấu hiệu cảnh báo suy tim. Khi tim không đủ sức bơm máu, máu từ chân của bạn sẽ không thể lưu thông đến phần trên cơ thể.
Các van tim bị rò rỉ cũng thường khiến bàn chân và mắt cá chân sưng phồng lên. Đặc biệt, nếu tình trạng này còn đi kèm với các triệu chứng như đau ngực, mệt mỏi và khó thở thì bạn hãy đi kiểm tra sức khỏe tim mạch càng sớm càng tốt.
3. Thận đang gặp vấn đề
Một trong những chức năng chính của thận chính là lọc máu trong cơ thể. Khi thận không thể thực hiện hiệu quả chức năng này, nước và natri sẽ tích tụ trong cơ thể và gây tình trạng sưng.
Sưng chính là biểu hiện của nhiễm trùng đường tiết niệu gây tổn thương cho hệ thống thoát nước của thận. Triệu chứng phù do suy thận thường có thể quan sát thấy ở chân và quanh mắt.
4. Nguy cơ bệnh xơ gan
Khi bạn mắc bệnh xơ gan, gan có thể hình thành sẹo và dòng máu chảy vào gan bị hạn chế, gây tăng huyết áp và sưng chân. Xơ gan cũng có thể tác động tới sự sản sinh albumin, một loại protein đóng vai trò điều hòa dòng máu chảy trong gan. Khi mức độ albumin giảm, bàn chân và mắt cá chân có thể bị sưng phù.
5. Hệ thống bạch huyết tắc nghẽn
Cùng với các mạch máu, các mạch bạch huyết (bạch mạch) cũng giữ vai trò cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các mô, cơ quan, đồng thời loại bỏ chất thải và CO2. Khi các mạch bạch huyết bị tắc nghẽn và không thực hiện được chức năng dẫn lưu có thể dẫn đến sự tích tụ chất lỏng gây nên tình trạng phù bạch huyết.
Phù bạch huyết có thể xảy ra do nhiễm trùng, phẫu thuật, chấn thương, phóng xạ, điều trị ung thư và các yếu tố khác.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: 7 nguyên nhân có thể khiến bạn bị phù nề chân.
6. Thuốc điều trị không phù hợp
Tình trạng sưng ở bàn chân và mắt cá chân có thể do tác dụng phụ của các loại thuốc bạn đang dùng. Những loại thuốc này có thể là thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc tránh thai và nhiều loại thuốc khác.
Nếu chân bị sưng, hãy tạm ngưng sử dụng loại thuốc đang sử dụng trong vài ngày để xem đó có phải là nguyên nhân không và nhờ đến bác sĩ để tìm thuốc thay thế phù hợp.
Trường hợp bàn chân và mắt cá chân bị sưng do đi giày không thoải mái hoặc đứng lâu, bạn nên nghỉ ngơi thoải mái tại nhà và nằm gác chân lên cao. Tuy nhiên, nếu tình trạng này vẫn không cải thiện trong một thời gian dài thì bạn nên tìm đến bác sĩ để kiểm tra tình trạng bệnh lý mà mình có thể mắc phải.
Tuyết Trinh | HELLO BACSI