Lưu ý: Các thông tin dưới đây chỉ là hướng dẫn tổng quát. Tùy thuộc vào từng bệnh viện, việc sắp xếp, và cách thực hiện xét nghiệm có thể khác nhau. Hãy luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ hoặc bệnh viện địa phương.
Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống được sử dụng để chẩn đoán bệnh tiểu đường loại 2 (type 2) hoặc tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết – tình trạng có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.
Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống (Nguồn ảnh: nytimes.com)
Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống?
Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống được sử dụng để kiểm tra mức độ cơ thể xử lý đường (glucose) như thế nào. Xét nghiệm này được thực hiện thông qua việc so sánh lượng đường trong máu trước và sau khi uống một đồ uống có đường. Kết quả của xét nghiệm này có thể giúp các bác sĩ phát hiện bệnh tiểu đường loại 2 hoặc tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết.
Tìm hiểu về đường huyết và insulin
Sau khi ăn, nhiều loại thức ăn được phân hủy tại ruột thành các loại đường. Loại đường chính là glucose, sẽ ngấm xuyên qua thành ruột vào máu của bạn. Một lượng đường glucose được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các tế bào, và một số khác được chuyển đổi thành glycogen hoặc chất béo (để dự trữ năng lượng). Tuy nhiên, để duy trì cơ thể khỏe mạnh, lượng đường glucose trong máu không nên ở mức quá cao hoặc quá thấp.
Insulin là một loại hormone hoạt động tại các tế bào của cơ thể và giúp các tế bào thu nhận đường glucose từ dòng máu, nhờ vậy làm giảm lượng đường glucose tồn tại trong máu. Do vậy, khi lượng đường glucose trong máu bắt đầu tăng (sau khi ăn), lượng hormone insulin cũng được điều chỉnh tăng lên. Khi mức glucose trong máu bắt đầu giảm (giữa các bữa ăn), lượng hormone insulin cũng giảm, sau đó, một lượng glycogen hoặc chất béo ở dạng dự trữ có thể được chuyển đổi trở lại thành glucose và được đưa từ tế bào trở lại vào dòng máu.
Hormone là những hợp chất hữu cơ được cơ thể tạo thành và có tác dụng điều hoà các quá trình sinh lý, hoá sinh, các hoạt động sống trong cơ thể. Hormone được sản xuất tại các tuyến nội tiết, giải phóng vào dòng máu, được dòng máu vận chuyển đến và hoạt động trên nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể. Hormone insulin được sản xuất bởi các tế bào beta của tuyến tụy. Các tế bào này là một phần của các đảo nhỏ trong tuyến tụy (các đảo tụy Langerhans).
(Tham khảo: Trần Thị Ân (chủ biên). 1979. Hóa sinh đại cương (tập I, II). NxB KH&KT. Hà Nội.)
Bệnh tiểu đường loại 2 là gì?
Bệnh tiểu đường là bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin mà nó sản xuất. Triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường là vấn đề tăng đường huyết (hay tăng lượng đường trong máu) không được kiểm soát và theo thời gian dẫn đến tác hại nghiêm trọng cho nhiều hệ thống của cơ thể, đặc biệt là các dây thần kinh và mạch máu.
Có hai loại tiểu đường chính là bệnh tiểu đường loại 1 (type 1) và bệnh tiểu đường loại 2 (type 2).
(Tham khảo: http://www.who.int/diabetes/en/ )
Với người mắc tiểu đường loại 2, diễn tiến bệnh và các triệu chứng có xu hướng phát triển dần dần (hàng tuần hoặc hàng tháng). Điều này là do cơ thể người mắc bệnh tiểu đường loại 2 vẫn có khả năng sản xuất insulin (không giống như bệnh tiểu đường loại 1, cơ thể người bệnh không có khả năng sản xuất insulin). Tuy nhiên, bạn mắc bệnh tiểu đường do:
- Tuyến tụy không sản xuất đủ insulin cho nhu cầu của cơ thể.
- Các tế bào trong cơ thể người bệnh không thể sử dụng insulin đúng cách. Hiện tượng này được gọi là “tình trạng đề kháng insulin”. Các tế bào trong cơ thể người bệnh trở nên đề kháng với mức insulin bình thường, nên người bệnh phải cần có lượng insulin nhiều hơn lượng cơ thể sản xuất bình thường để có thể duy trì mức đường huyết trong máu không bị cao.
- Cả hai lý do trên.
Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống được thực hiện như thế nào?
Đa số trường hợp chỉ cần xét nghiệm máu đơn giản là đủ căn cứ để phát hiện bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, ở một số người, kết quả xét nghiệm máu thông thường đó nằm ở “ranh giới” kết luận giữa có bệnh và không có bệnh. Bởi vậy, họ cần được làm thêm xét nghiệm dung nạp glucose đường uống để có thêm căn cứ xác định. Bên cạnh đó, dựa vào kết quả xét nghiệm dung nạp glucose đường uống có thể chỉ ra trường hợp cơ thể chưa được kiểm soát tốt lượng glucose trong máu, nhưng chưa đến giai đoạn của bệnh tiểu đường. Đây là tình trạng “rối loạn dung nạp đường huyết” (đôi khi được gọi là tiền tiểu đường) và có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.
Ở người khỏe mạnh, lượng đường glucose trong máu luôn tăng sau bữa ăn, nhưng sẽ nhanh chóng trở lại mức bình thường khi glucose được sử dụng hết hoặc chuyển thành dạng dự trữ (glycogen hoặc chất béo trong gan). Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống sẽ giúp phân biệt giữa trường hợp tăng bình thường và tình trạng tăng khi mắc bệnh đái tháo đường hay trường hợp rối loạn dung nạp đường huyết.
Trước khi thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose đường uống bạn được yêu cầu không ăn trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó, bạn sẽ được uống một đồ uống có đường. Thông thường, cơ thể sẽ nhanh chóng đưa đường glucose từ máu vào các tế bào của cơ thể, làm giảm lượng đường glucose trong các mẫu máu. Nếu việc dung nạp glucose vào trong các tế bào có vấn đề, glucose sẽ ở lại trong dòng máu, dẫn đến hệ quả là các mẫu máu xét nghiệm sẽ có lượng đường glucose cao.
Khi có các kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ so sánh mức độ glucose trong các mẫu máu được lấy sau khi bạn uống đồ uống có đường với các giá trị cụ thể, căn cứ vào đó có thể xác định xem liệu bạn có bị bệnh tiểu đường hay rối loạn dung nạp đường huyết hay không.
Quá trình xét nghiệm dung nạp glucose đường uống diễn ra như thế nào?
Trước khi thực hiện xét nghiệm bạn nên có chế độ ăn uống bình thường mà không cần hạn chế gì cả. Đêm trước khi xét nghiệm, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngừng ăn từ 8-12 giờ trước khi làm xét nghiệm. Thông thường bạn sẽ được phép uống nước, nhưng yêu cầu tránh đồ uống có đường.
Vào buổi sáng làm xét nghiệm bác sĩ hoặc y tá sẽ lấy mẫu máu của bạn trước khi bạn được cho uống một loại đồ uống có đường. Mẫu này được gọi là mẫu chứng dùng để so sánh với các kết quả xét nghiệm khác. Bạn có thể được lưu một cây kim nhỏ vào tĩnh mạch ở mặt sau của bàn tay.
Sau đó bạn sẽ được đưa cho một loại nước uống có chứa một lượng đường nhất định (ở dạng glucose).
Thời gian có thể thay đổi nhưng thường là 1-2 giờ sau khi bạn uống nước đường, bạn sẽ được lấy máu lần nữa. Trong một số trường hợp, có thể lấy mẫu máu nhiều lần hơn.
Sau đó, nhân viên y tế sẽ lấy kim trước đấy được đặt trong tĩnh mạch ở mặt sau bàn tay của bạn ra và bạn có thể về.
Nên làm gì để chuẩn bị cho xét nghiệm dung nạp glucose đường uống?
Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn về những việc cần làm để chuẩn bị cho xét nghiệm dung nạp glucose đường uống, trong đó có bao gồm thông tin về nhịn ăn trong bao lâu trước khi tiến hành xét nghiệm.
Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống có tác dụng phụ hoặc biến chứng gì không?
Ngoài một vết bầm nhỏ có thể xuất hiện ở nơi đưa kim lấy mẫu máu, thường xét nghiệm dung nạp glucose đường uống không gây ra tác dụng phụ gì. Trong một vài trường hợp có thể có hiện tượng tĩnh mạch chỗ lấy máu bị sưng; nhưng chúng sẽ trở lại bình thường trong vài ngày.
Tài liệu tham khảo
http://www.patient.co.uk/health/glucose-tolerance-test