Van tim và bệnh lý van tim

(4.15) - 31 đánh giá

Tài liệu này cung cấp kiến thức tổng quan về bệnh van tim. Có bốn tài liệu riêng biệt cho biết chi tiết về bốn bệnh van tim thông thường – hẹp van hai lá, hở van hai lá, hẹp van động mạch chủ và hở van động mạch chủ.

Hình 1. Mặt cắt ngang tim bình thường

Kiến thức cơ bản về tim

Trái tim có bốn buồng – hai tâm nhĩ và hai tâm thất. Các thành của những buồng tim này chủ yếu được cấu tạo từ cơ tim đặc biệt.

Trong mỗi chu kì co bóp, hai tâm nhĩ bóp trước để bơm máu vào hai tâm thất. Sau đó, cả hai tâm thất co bóp bơm máu ra khỏi tim để vào các động mạch. Có van một chiều giữa tâm nhĩ và tâm thất cũng như giữa các tâm thất và các động mạch lớn bắt nguồn từ tim. Cụ thể hơn:

  • Van hai lá – giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái.
  • Van ba lá – giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải.
  • Van động mạch phổi – giữa tâm thất phải và động mạch phổi. (Động mạch phổi là động mạch chính dẫn máu từ tim đến phổi để lấy oxy).
  • Van động mạch chủ – giữa tâm thất trái và động mạch chủ. (Động mạch chủ là động mạch chính dẫn máu giàu oxy từ tim đi nuôi cơ thể).

Các van một chiều giúp cho khi tâm nhĩ hoặc tâm thất co bóp, máu chỉ chảy theo hướng từ tim vào các động mạch.

Bệnh van tim là gì?

Là khi van tim bị bệnh lý hoặc bị tổn thương và có thể ảnh hưởng đến dòng máu chảy qua tim. Có hai loại bệnh van tim chính:

  • Hẹp van: Nghĩa là việc mở van bị giới hạn và van không mở ra hoàn toàn. Vì vậy, làm hạn chế lưu lượng máu chảy qua van.
  • Hở van: Nghĩa là van không đóng đúng cách và có dòng máu phụt ngược qua van bị hở. Đôi khi còn được gọi là thiểu năng van, hoặc rò van.

Bất kỳ van nào cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những vấn đề này. Tuy nhiên, van hai lá và van động mạch chủ thường bị bệnh hơn.

Xem các tài liệu riêng biệt về hẹp van hai lá, hở van hai lá, hẹp van động mạch chủ và hở van động mạch chủ để biết thêm chi tiết.

Các triệu chứng của bệnh van tim là gì?

Về cơ bản, van càng hẹp hoặc càng hở nhiều thì bệnh càng nặng. Một số trường hợp hẹp hoặc hở ít có thể không gây ra vấn đề hoặc triệu chứng gì. Tuy nhiên:

  • Nếu hẹp nặng – tim phải co bóp/bơm máu mạnh hơn để có thể đưa được máu qua chỗ hẹp.
  • Nếu bị hở nặng – tim phải co bóp/bơm nhiều hơn để tống lượng máu trào ngược lại, ngoài lượng máu thông thường phải chảy qua van.

Trong cả hai trường hợp, đều làm gia tăng hoạt động của tim. Có thể gây ra sự tăng áp lực lên các cấu trúc sau van bệnh lý. Áp lực này có thể làm ứ máu và dịch trong phổi hoặc phần khác cơ thể (tùy thuộc vào van nào bị ảnh hưởng).

Các triệu chứng do bệnh van tim có thể bao gồm:

  • Khó thở. Lúc đầu chủ yếu bị khi gắng sức, nhưng khi nặng hơn có thể xuất hiện cả lúc nghỉ ngơi.
  • Mệt mỏi, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
  • Rối loạn nhịp tim có thể gây ra cảm giác “hồi hộp” “đánh trống ngực” và các cảm giác khó chịu khác.
  • Sưng phù các mô mềm do ứ dịch.
  • Đau ngực hoặc đau thắt ngực từng cơn. Có thể xảy ra nếu không đủ lượng máu cung cấp cho các động mạch dẫn máu đến nuôi cơ tim (động mạch vành).

Các biến chứng khác nhau có thể tiến triển, tùy thuộc vào van bị ảnh hưởng và mức độ nặng của bệnh lý.

Nguyên nhân gây bệnh van tim là gì?

Thoái hoá van

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến của bệnh hở van tim. Các cấu trúc hỗ trợ van tim yếu đi và dãn ra theo thời gian và làm cho các van đóng không kín.

Bệnh thấp tim (Rheumatic heart disease)

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh van tim.

Bệnh thấp tim là một thuật ngữ chung cho bất kỳ vấn đề về tim nào xảy ra sau khi có một cơn sốt thấp (rheumatic fever).

Sốt thấp là một tình trạng đôi khi xảy ra sau đợt nhiễm khuẩn do Streptococcus. Cơ thể người bệnh tạo ra kháng thể chống lại vi khuẩn để khỏi nhiễm trùng. Tuy nhiên, ở một số người, các kháng thể này cũng tấn công các bộ phận khác nhau của cơ thể – đặc biệt là van tim. Tình trạng viêm của một hoặc nhiều van có thể tiến triển và gây tổn thương vĩnh viễn, dẫn đến dày và xơ sẹo nhiều năm sau đó.

Sốt thấp đã từng phổ biến ở Anh trong thời đại trước khi có thuốc kháng sinh nhưng hiện nay hiếm gặp. Bệnh này vẫn còn khá nhiều ở một số nước đang phát triển.

Nguyên nhân khác

Các nguyên nhân khác của bệnh van tim bao gồm:

  • Tích tụ calci (vôi hóa) lên các bộ phận của van. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây hẹp động mạch chủ ở người cao tuổi.
  • Sa van tim là một nguyên nhân thường gặp gây hở van hai lá nhẹ.
  • Một số bệnh tim bẩm sinh. Bệnh van tim thường là một phần của những dị dạng tim phức tạp.
  • Nhiễm trùng van tim (viêm nội tâm mạc nhiễm trùng).
  • Van tim bị hở đôi khi có thể xảy ra sau khi phẫu thuật van tim.
  • Biến chứng của các bệnh không phổ biến khác.

Điều trị bệnh van tim như thế nào?

  • Nếu chỉ hẹp hoặc hở nhẹ và bạn không có triệu chứng, bạn không cần điều trị thường xuyên.
  • Nếu các triệu chứng tiến triển hoặc có biến chứng, nhiều loại thuốc có thể được dùng để làm giảm các triệu chứng. Có thể cần phải phẫu thuật nong rộng, sửa chữa hoặc thay thế van trong một số trường hợp.
  • Phẫu thuật điều trị có rất nhiều tiến bộ cho nhiều trường hợp bệnh van tim nặng. Các phẫu thuật tim hiện nay đã được thực hiện dễ dàng, an toàn với độ thành công cao hơn nhờ sự hỗ trợ của các kỹ thuật mới.
  • Can thiệp tim mạch cũng đã có nhiều tiến bộ giúp nhiều bệnh nhân giải quyết được tình hình mà không phải mổ hở (mở lồng ngực) như trước đây.

Bệnh van tim và viêm nội tâm mạc

Nếu bạn bị bệnh van tim thì viêm nội tâm mạc là một biến chứng có thể xảy ra về sau.

  • Viêm nội tâm mạc là tình trạng nhiễm trùng tại van tim vì các van bị hư hỏng dễ bị nhiễm trùng hơn bình thường. Viêm nội tâm mạc có thể tiến triển nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.
  • Kháng sinh cần được sử dụng cho tất cả những người bị bệnh van tim trước khi điều trị nha khoa và một số thủ thuật phẫu thuật khác để ngăn ngừa viêm nội tâm mạc. Hãy hỏi thêm bác sĩ điều trị về việc bạn có cần uống kháng sinh hay không.

Tài liệu tham khảo

https://patient.info/health/heart-valves-and-valve-disease

Biên dịch - Hiệu đính

BS. Nguyễn Phúc Quang Điền - BS.TS. Phạm Nguyên Quý
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Dị tật tim bẩm sinh

(30)
Thiết diện dọc của 1 quả tim bình thường Tần suất dị tật tim bẩm sinh chiếm khoảng 1 phần trăm tổng trẻ sơ sinh. Hầu hết những người trẻ bị dị ... [xem thêm]

Đau thắt ngực

(34)
Đau thắt ngực là một cơn đau xuất phát từ tim. Nguyên nhân thường do hẹp động mạch vành (tim). Điều trị thông thường bao gồm một loại thuốc statin để ... [xem thêm]

Nhồi máu cơ tim (cơn đau tim)

(28)
Tổng quan Nhồi máu cơ tim là gì? Nhồi máu cơ tim (còn được gọi là cơn đau tim hay hội chứng vành cấp) xảy ra khi một phần của cơ tim bị phá hủy hoặc ... [xem thêm]

Rối loạn nhịp tim

(75)
TỔNG QUAN Rối loạn nhịp (tim) là gì? Tim thường đập theo nhịp với chu kỳ không đổi. Rối loạn nhịp tim là sự thay đổi ở nhịp tim. Rối loạn ... [xem thêm]

Ngất

(74)
Ngất là sự mất ý thức tạm thời (xỉu) xảy ra khi thiếu oxy não. Ngất xảy ra đột ngột, chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn và bạn hồi phục hoàn toàn ... [xem thêm]

Bệnh Buerger

(58)
Bệnh Buerger là nguyên nhân gây viêm các mạch máu ở chân và tay, đặc biệt là ở bàn tay và bàn chân. Bệnh này làm thu hẹp và tắc nghẽn các mạch máu nên lưu ... [xem thêm]

Viêm màng ngoài tim

(83)
Màng ngoài tim là một túi bao quanh tim. Viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm xảy ra ở túi/ màng này. Viêm màng ngoài tim gây ra triệu chứng đau ngực. Hầu hết ... [xem thêm]

Bệnh động mạch vành

(92)
TỔNG QUAN Bệnh động mạch vành là gì? Động mạch vành là những mạch máu mang máu đến nuôi cơ tim. Bệnh động mạch vành (còn gọi là bệnh tim thiếu ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN