Ngất

(3.73) - 74 đánh giá

Ngất là sự mất ý thức tạm thời (xỉu) xảy ra khi thiếu oxy não. Ngất xảy ra đột ngột, chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn và bạn hồi phục hoàn toàn sau đó. Ngất thường được gọi là choáng váng hoặc xỉu. Ngất khác với động kinh gây co giật. Nếu bị ngất, bạn cần đi khám vì nguyên nhân gây ngất có thể do một bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng gây ra. Các nguyên nhân gây ngất thường gặp nhất sẽ được đề cập trong bài viết dưới đây.

Ngất là gì?

Ngất là khi bạn bị mất ý thức trong một vài giây. Ngất còn được gọi là xỉu hoặc bất tỉnh. Bạn có thể cảm thấy không khỏe và đổ mồ hôi trước khi bị ngất hoặc bị ngất mà không có dấu hiệu cảnh báo nào trước đó. Khi bị ngất, bạn ngã xuống đất. Điều này khác với cơn động kinh làm bạn co giật. Bạn thường hồi tỉnh sau vài giây và cảm thấy bình thường trở lại. Một vài người cảm thấy rất mệt mỏi sau khi tỉnh lại.

Thông thường, ngất xảy ra là có nguyên nhân, chẳng hạn như khi bạn bị đau hoặc bạn phải đứng trong một thời gian dài ở một nơi nóng nực. Rất ít khi ngất liên quan đến một vấn đề nghiêm trọng. Nguyên nhân của ngất là não cần được cung cấp một lượng oxy nhất định và khi lượng oxy này giảm đến một mức nào đó, chúng ta sẽ ngã xuống đất cho tới khi máu giàu oxy hơn được cung cấp cho não.

Ngất có thường gặp không?

Ngất thường gặp ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng đến 4 trong 10 người ít nhất một lần trong đời. Hầu hết mọi người không bao giờ cần đến sự giúp đỡ về y tế. Đa số (95%) có cơn ngất đầu tiên trước 40 tuổi. Nếu bị ngất lần đầu khi hơn 40 tuổi, có nhiều khả năng ngất liên quan đến một vấn đề nghiêm trọng. Nguyên nhân thường gặp nhất là ngất do trung gian thần kinh. Các cơn ngất này thường xảy ra lần đầu ở tuổi thanh thiếu niên và gặp ở nữ nhiều hơn nam. Ở người lớn tuổi hơn, ngất thường do bệnh lý tim mạch, huyết áp thấp hoặc do tác dụng phụ của thuốc.

Các vấn đề nào có thể gây ngất

Danh sách sau đây không bao gồm tất cả các nguyên nhân gây ngất mà chỉ liệt kê những nguyên nhân thường gặp hơn:

Ngất do trung gian thần kinh: còn được gọi là ngất phế vị. Đây là nguyên nhân gây ngất thường gặp nhất. Ngất do trung gian thần kinh có thể xảy ra trong nhiều tình huống khác nhau, bao gồm sợ hãi, đau đớn hoặc suy sụp tinh thần, sau vận động nặng, trong khi nôn ói hoặc khi mặc áo có cổ chật gây bóp nghẹt cổ. Trong cơn ngất, bạn có thể trông xanh xao và vã mồ hôi. Thông thường bạn vẫn sẽ mở mắt.

Hạ huyết áp tư thế: là sự giảm huyết áp khi đứng có thể gây ngất. Tình trạng này có thể do thuốc hạ áp, xảy ra sau khi đứng lâu, đặc biệt ở nơi nóng nực (điều này giải thích tại sao những người lính trong cuộc diễu binh có thể bị ngất), có thể do các bệnh lý thần kinh như bệnh Parkinson hoặc sau một bữa ăn lớn.

Ngất do tim: xảy ra do một vấn đề tim mạch. Trong tiền sử gia đình có thể có người bị đột tử. Ngất có thể xảy ra sau đau ngực hoặc hồi hộp đánh trống ngực và có thể xảy ra sau gắng sức.

Các xét nghiệm nào nên được thực hiện?

Bác sĩ sẽ muốn biết nhiều hơn về việc bạn đang làm khi bạn bị ngất.

Bạn sẽ được hỏi xem bạn có vừa được kê uống một loại thuốc mới hay không. Hãy cố gắng nhớ lại bất kì dấu hiệu nào xảy ra trước khi bị ngất. Có ai thấy bạn bị ngất không? Bạn cảm thấy như thế nào khi tỉnh lại? Những chi tiết này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán. Bác sĩ của bạn sẽ thăm khám cho bạn. Họ sẽ kiểm tra tim của bạn, bao gồm cả việc đo huyết áp của bạn khi ngồi và khi đứng cũng như bắt mạch cho bạn. Bạn có thể sẽ được yêu cầu đo điện tâm đồ (ECG). Bạn có thể cần xét nghiệm máu để tầm soát thiếu máu và bệnh đái tháo đường. Những xét nghiệm chuyên sâu hơn về tim mạch và hệ thần kinh cũng có thể cần phải làm.

Còn vấn đề gì khác?

Nguyên nhân thường gặp nhất của mất ý thức tạm thời là ngất. Những nguyên nhân khác bao gồm động kinh, ngất liên quan đến tâm thần kinh do lo lắng (tình trạng giả ngất có nguồn gốc tâm thần kinh) và các nguyên nhân hiếm gặp khác.

Các tình trạng mất ý thức khác có thể do đường máu thấp (hạ đường huyết), thiếu oxy do nhiều nguyên nhân (hạ oxy máu) và thở quá nhanh (tăng thông khí).

Bạn cũng có thể mất ý thức sau khi bị té, bị đánh vào đầu hoặc do uống quá nhiều rượu hay các thuốc khác.

Đột quỵ và cơn thoáng thiếu máu não cũng có thể dẫn đến mất ý thức.

Tình trạng mất ý thức kéo dài, lú lẫn sau một biến cố, hồi phục không hoàn toàn và cắn phải lưỡi đều gợi ý một nguyên nhân khác không phải là ngất đơn thuần.

Nên điều trị như thế nào?

Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngất. Bạn có thể được yêu cầu phải ghi lại nhật ký các tình huống ngất xảy ra. Hầu hết các trường hợp sẽ được xử trí bởi bác sĩ đa khoa của bạn nhưng bạn cũng có thể được hội chẩn cho các thăm dò chuyên sâu hơn và điều trị tại bệnh viện.

Bạn có thể làm gì nếu bạn cảm thấy sắp bị ngất?

  • Nằm xuống với hai chân kê lên ghế hoặc tựa vào tường, hoặc ngồi xuống với đầu bạn ở giữa hai đầu gối.
  • Ngồi xổm xuống có thể rất hiệu quả và ít bị chú ý ở nơi công cộng.
  • Khi cảm thấy khỏe hơn, hãy đứng dậy từ từ. Nếu triệu chứng xuất hiện trở lại, quay lại tư thế cũ.
  • Thảo luận với bác sĩ của bạn để ngưng bất kì loại thuốc nào có thể là nguyên nhân gây ngất.
  • Tránh uống rượu.
  • Uống nhiều nước.
  • Nâng cao đầu giường.
  • Đeo vớ y khoa.
  • Tập các bài tập bắt chéo chân và căng cơ cánh tay.

Lái xe và ngất

Lái xe không phải là vấn đề với cơn ngất đơn thuần nhưng cần hạn chế nếu tình trạng ngất trở nên phức tạp hơn hoặc nếu chẩn đoán không rõ ràng.

Nếu nghi ngờ, hãy liên hệ với chi cục giao thông vận tải. Chi cục này không cần được thông báo về một cơn ngất đơn thuần nhưng cần phải biết các tình trạng có thể dẫn đến án phạt.

Bạn nên làm gì tiếp theo?

Bạn nên gọi xe cứu thương nếu bị ngất trong lúc gắng sức hoặc đang nằm, nếu bạn có tiền sử gia đình bị đột tử hoặc tử vong không rõ nguyên nhân hoặc nếu bạn bị đau ngực hay hồi hộp đánh trống ngực. Nếu cơn ngất tái phát hoặc bạn không hồi phục hoàn toàn sau ngất, bạn cũng nên tìm sự hỗ trợ y tế khẩn cấp. Nếu bạn bị ngất nhiều lần, hoặc bạn bị thương bởi các cơn ngất, bác sĩ gia đình của bạn sẽ muốn bạn đến khám bác sĩ chuyên khoa. Họ cũng sẽ muốn chuyên gia cho lời khuyên nếu các cơn ngất ảnh hưởng đến quá trình lái xe của bạn. Trong mọi trường hợp, bạn nên đến gặp bác sĩ của mình.

Làm thế nào tôi có thể phòng ngừa bị ngất?

Bạn sẽ cần tìm nguyên nhân gây ngất và cố gắng giải quyết nó nếu có thể. Các cơn ngất do trung gian thần kinh là những nguyên nhân thường gặp nhất. Nhiều người biết khi nào ngất sắp xảy ra và làm thế nào để tránh bị ngất.

Tiên lượng thế nào?

Điều này tùy thuộc và nguyên nhân gây ngất nhưng nhìn chung tiên lượng rất tốt. Ở người trẻ khi ngất không liên quan đến các vấn đề tim mạch hay hệ thần kinh thì không có sự gia tăng nguy cơ nào. Ở người già, bất cứ sự gia tăng nguy cơ nào đều có liên quan đến nguyên nhân gây ngất và nguy cơ từ việc té ngã do ngất.

Tài liệu tham khảo

http://www.patient.co.uk/health/syncopecollapse

Biên dịch - Hiệu đính

BS. Lưu Ngọc Mai - BS. Nguyễn Trường Duy
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Ngất

(74)
Ngất là sự mất ý thức tạm thời (xỉu) xảy ra khi thiếu oxy não. Ngất xảy ra đột ngột, chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn và bạn hồi phục hoàn toàn ... [xem thêm]

Dị tật tim bẩm sinh

(30)
Thiết diện dọc của 1 quả tim bình thường Tần suất dị tật tim bẩm sinh chiếm khoảng 1 phần trăm tổng trẻ sơ sinh. Hầu hết những người trẻ bị dị ... [xem thêm]

Viêm cơ tim

(11)
Viêm cơ tim là một tình trạng viêm của cơ tim. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó thường gặp là do siêu vi. Tùy thuộc vào nguyên nhân và ... [xem thêm]

Suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính

(42)
Giãn tĩnh mạch chi dưới là các tĩnh mạch dưới da với đường kính ≥3 mm (varix, varices, và varicosities). Rối loạn tĩnh mạch mạn tính chi dưới bao gồm cả ... [xem thêm]

Van tim và bệnh lý van tim

(31)
Tài liệu này cung cấp kiến thức tổng quan về bệnh van tim. Có bốn tài liệu riêng biệt cho biết chi tiết về bốn bệnh van tim thông thường – hẹp van hai lá, ... [xem thêm]

Hồi hộp

(71)
Hồi hộp là gì ? Hồi hộp là cảm giác tim đập nhanh, cảm giác rung động, đánh trống ngực mà chúng ta cảm thấy ở bên ngực trái, thường là ... [xem thêm]

Bệnh động mạch vành

(92)
TỔNG QUAN Bệnh động mạch vành là gì? Động mạch vành là những mạch máu mang máu đến nuôi cơ tim. Bệnh động mạch vành (còn gọi là bệnh tim thiếu ... [xem thêm]

Suy tim

(64)
TỔNG QUAN Suy tim là gì? Suy tim có nghĩa là tim không bơm máu tốt như chức năng cần có. Suy tim không có nghĩa là tim ngưng hoạt động hoặc bị đau tim ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN