Màng ngoài tim là một túi bao quanh tim. Viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm xảy ra ở túi/ màng này. Viêm màng ngoài tim gây ra triệu chứng đau ngực. Hầu hết các trường hợp là do nhiễm siêu vi và thường hồi phục trong vòng vài tuần. Phương pháp điều trị duy nhất trong trường hợp này là thuốc kháng viêm và hỗ trợ. Tuy nhiên, viêm màng ngoài tim cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác hiếm hơn, và cần các phương pháp điều trị khác. Các biến chứng của viêm màng ngoài tim thường ít gặp nhưng có thể nghiêm trọng.
Màng ngoài tim và viêm màng ngoài tim là gì?
Màng ngoài tim là một lớp mô mỏng giống như một cái túi nhỏ bao phủ bề mặt bên ngoài của tim. Nó giúp cố định tim và ngăn không cho tim di chuyển trong lồng ngực khi bạn di chuyển. Màng ngoài tim có 2 lớp: lớp bên trong và bên ngoài. Có một lớp dịch mỏng “bôi trơn” giữa hai lớp này
Viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm xảy ra ở màng ngoài tim.
Các nguyên nhân gây ra viêm màng ngoài tim?
Nhiễm siêu vi
Nhiễm siêu vi là nguyên nhân phổ biến nhất.
Một số siêu vi có thể gây ra viêm màng ngoài tim như Coxsackieviruses, echoviruses, cúm, adenoviruses, virus quai bị, virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và virus gây viêm gan.
Các nguyên nhân khác thường ít gặp,
- Nhiễm vi khuẩn. Điều này thường gây ra mủ tạo thành giữa các lớp trong và ngoài của màng ngoài tim. Nhiễm trùng thường lan ra từ các mô lân cận (như nhiễm trùng tim) hoặc do nhiễm trùng vết mổ sau phẫu thuật tim. Hiếm gặp, giang mai hoặc nấm có thể nhiễm vào màng ngoài tim.
- Lao: Đây thường là một phần của tình trạng nhiễm lao lan rộng từ phổi và các bộ phận khác trong cơ thể.
- Viêm màng ngoài tim do tăng ure huyết: Đây là tình trạng viêm do các chất thải tích tụ trong máu ở những người bị suy thận không được điều trị.
- Nhồi máu cơ tim cấp: Viêm màng ngoài tim có thể xảy ra nếu có tổn thương mô tim gần đó, gây ra bởi nhồi máu cơ tim cấp.
- Sau phẫu thuật tim: Tình trạng viêm có thể xảy ra vài ngày tới vài tuần sau khi phẫu thuật tim mở.
- Sau khi chấn thương : Ví dụ, sau vết thương do dao đâm, hoặc đánh mạnh vào ngực.
- Các bệnh gây viêm: Các bệnh gây viêm có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể có thể bao gồm viêm màng ngoài tim. Ví dụ như: viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, viêm đa khớp dạng thấp và lupus ban đỏ hệ thống (SLE).
- Xạ trị: Xạ trị để điều trị bệnh ung thư ở ngực.
- Ung thư di căn: Ung thư lan đến màng ngoài tim từ một phần khác của cơ thể (điều này rất hiếm).
- Viêm màng ngoài tim vô căn
Triệu chứng của viêm màng ngoài tim?
Triệu chứng của nhiễm siêu vi và viêm màng ngoài tim vô căn
Các triệu chứng điển hình là đau ngực và sốt. Đau thường ở giữa ngực hoặc hơi lệch về bên trái. Có thể có cảm giác như dao đâm. Đôi khi là một cơn đau liên tục. Đau có thể lan đến cổ và/hoặc vai. Thông thường, cơn đau sẽ tăng lên nếu bạn hít thở thật sâu, nuốt, ho, hoặc nằm xuống.
Đau có thể giảm khi ngồi dậy hoặc cúi người ra trước.
Bạn cũng có thể cảm thấy khó thở, đặc biệt là khi có dịch tích tụ gây chèn ép tim cấp (tamponade).
Triệu chứng của viêm màng ngoài tim do các nguyên nhân khác.
Chúng có thể tương tự như viêm màng ngoài tim do siêu vi. T
ùy vào nguyên nhân, một số bệnh nhân có thể có triệu chứng khác.
Những biến chứng có thể có của viêm màng ngoài tim?
Biến chứng thường ít gặp. Có thể có các biến chứng sau:
- Tích tụ dịch
- Trong nhiều trường hợp, một lượng nhỏ dịch được tạo ra giữa hai lớp màng ngoài tim, gọi là tràn dịch màng ngoài tim.
- Một lượng nhỏ dịch không phải là vấn đề và thường biến mất khi tình trạng viêm cải thiện. Tuy nhiên, đôi khi có rất nhiều dịch được tích tụ và gây chèn ép tim. Sự chèn ép này có thể ngăn không cho tim được đổ đầy máu cũng như bơm máu đúng cách. Tình trạng này gây nguy hiểm đến tính mạng, trừ khi dịch được rút bớt. Triệu chứng khó thở dữ dội có thể xuất hiện nhanh chóng trong vài phút hoặc vài giờ. Nếu điều này xảy ra, bạn nên gặp bác sĩ càng nhanh càng tốt.
- Viêm màng ngoài tim co rút
- Đây là tình trạng ít gặp nhưng có thể xuất hiện nếu màng ngoài tim bị viêm dai dẳng. Màng ngoài tim sẽ bị dày lên và co rút lại làm hạn chế hoạt động bơm máu của tim, gây hậu quả nghiêm trọng.
- Với cả hai biến chứng nêu trên, các triệu chứng gồm khó thở ngày càng nặng hơn. Các triệu chứng khác của viêm màng ngoài tim co thắt có thể bao gồm phù chân, phù mắt cá chân và mệt mỏi.
Làm thế nào để chẩn đoán viêm màng ngoài tim?
- Khi bác sĩ khám tim bằng ống nghe, bác sĩ có thể nghe thấy âm thanh điển hình của viêm màng ngoài tim, được gọi là tiếng cọ màng ngoài tim. Tiếng tim lạ này không xảy ra trong mọi trường hợp.
- Các bệnh khác cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự như viêm màng ngoài tim. Vì vậy, cần phải có các xét nghiệm để làm rõ chẩn đoán và loại trừ các nguyên nhân khác của đau ngực:
- Chụp X-quang ngực có thể cho thấy sự thay đổi hình dạng của tim hoặc tụ dịch trong phổi.
- Điện tâm đồ ghi nhận hoạt động điện của tim đôi khi cho thấy các dấu hiệu điển hình của viêm màng ngoài tim.
- Siêu âm tim giúp khảo sát cấu trúc của tim và các mô xung quanh. Nó có thể phát hiện dịch giữa các lớp của màng ngoài tim, dấu hiệu điển hình của viêm màng ngoài tim.
- Các xét nghiệm khác như chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể cần để tìm kiếm sự thay đổi ở màng ngoài tim. Các xét nghiệm này có xu hướng được thực hiện nếu nghi ngờ có một nguyên nhân khác ngoài nhiễm siêu vi.
- Nếu tràn dịch màng ngoài tim lượng nhiều, một mẫu dịch có thể được lấy bằng kim với ống tiêm và được đem đi phân tích tìm các bệnh nhiễm trùng như lao.
Điều trị viêm màng ngoài tim như thế nào?
- Điều trị viêm màng ngoài tim vô căn hoặc do siêu vi
- Các thuốc chống viêm như ibuprofen thường được dùng để giảm đau và giảm viêm. Nếu tình trạng viêm kéo dài hơn 14 ngày, bạn cũng có thể được cho uống thuốc colchicine, giúp cải thiện kết quả và giảm nguy cơ viêm trở lại. Nếu đau dữ dội và bạn không giảm với ibuprofen và colchicine, thuốc steroid có thể được sử dụng để giảm viêm. Đau và viêm thường biến mất trong vòng vài tuần.
- Điều trị viêm màng ngoài tim do nguyên nhân khác và điều trị biến chứng
- Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ, thuốc kháng lao cho bệnh lao, thuốc kháng sinh cho nhiễm vi khuẩn, chạy thận nhân tạo cho bệnh viêm màng ngoài tim do tăng ure huyết,… Nếu có nhiều dịch tích tụ và gây chèn ép tim cấp, dịch cần phải được rút bớt bằng kim và ống tiêm. Nếu viêm màng ngoài tim co rút làm ảnh hưởng chức năng tim, màng ngoài dày có thể cần phải được loại bỏ bằng phẫu thuật.
Tiên lượng viêm ngoài tim?
- Hầu hết những người bị viêm màng ngoài tim do siêu vi hoặc viêm màng ngoài tim vô căn phục hồi hoàn toàn trong vòng vài tuần mà không có bất kỳ biến chứng nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp các triệu chứng trở lại và “đến rồi đi” trong vài tháng.
- Viêm màng ngoài tim do nhồi máu cơ tim cấp hoặc chấn thương thường hồi phục từ một đến hai tuần. Tiên lượng cho các dạng viêm màng ngoài tim khác (tăng ure huyết, nhiễm khuẩn, lao, …) có thể thay đổi tùy thuộc vào độ nghiêm trọng của bệnh.
Tài liệu tham khảo
https://patient.info/health/pericarditis-leaflet