Ung thư vòm họng giai đoạn đầu là khái niệm được dùng khi bệnh có những biểu hiện rất nhỏ và có khả năng chữa khỏi cao bằng phương pháp phẫu thuật, xạ trị hoặc kết hợp cả 2 cách trên.
Điều trị ung thư vòm họng có thể bao gồm một trong nhiều phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, dùng thuốc hoặc kết hợp nhiều phương pháp với nhau trong cả quá trình chữa trị.
Tùy vào tình huống cụ thể của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ tìm ra hình thức điều trị phù hợp. Khi đó, những lợi ích tiềm năng của từng phương pháp phải được cân nhắc cẩn thận với những rủi ro có thể xảy ra trong suốt quá trình chữa trị cho bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn đầu.
Đối tượng dễ mắc bệnh ung thư vòm họng
Tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, tỷ lệ mắc ung thư vòm họng khá cao. Theo thống kê, có 70% bệnh nhân phát hiện ung thư vòm họng khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn lây lan và di căn. Đa phần bệnh nhân mắc ung thư vòm họng là nam giới từ 30-50 tuổi. Song điều đó không có nghĩa là nữ giới không có khả năng mắc ung thư vòm họng. Một cuộc nghiên cứu tại Singapore chỉ ra rằng ung thư vòm họng là căn bệnh phổ biến thứ 7 ở nam giới và thứ 12 ở nữ giới.
Một số ít trường hợp bị ung thư vòm họng do yếu tố di truyền. Phần lớn bệnh nhân còn lại có nguyên nhân xuất phát từ thói quen sinh hoạt, hút thuốc, môi trường và chế độ tập luyện mất cân bằng. Như vậy, cả nam giới và nữ giới đều là đối tượng dễ mắc bệnh ung thư vòm họng nếu thường xuyên hút thuốc, làm việc trong môi trường độc hại, có chế độ dinh dưỡng không khoa học và không tập luyện thể dục trong thời gian dài.
Bạn có thể đọc thêm: Ung thư vòm họng có chữa được không?
Những điều cần làm khi biết mình mắc bệnh ung thư vòm họng giai đoạn đầu
Có thể bạn sẽ cảm thấy tuyệt vọng khi biết mình mắc bệnh ung thư vòm họng. Song như đã phân tích, bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn đầu có tỷ lệ chữa khỏi rất cao nếu có hiểu biết nhất định về căn bệnh này. Điều đầu tiên bạn nên làm khi biết mình mắc bệnh là phải thật sự bình tĩnh.
♥ Bạn có thể tiến hành xét nghiệm hoặc sinh thiết ở 2, 3 cơ sở y tế khác nhau để xem kết quả chẩn đoán có trùng khớp hay không. Nếu thông tin chẩn đoán ở các cơ sở này đều kết luận bạn bị ung thư vòm họng, hãy thông báo cho người thân để cùng bước vào “cuộc chiến với ung thư”.
♥ Khi điều trị ung thư vòm họng giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ cân nhắc xem bệnh nhân có nên được xạ trị hoặc phẫu thuật để cắt bỏ các hạch bạch huyết hay không. Sở dĩ như vậy là vì trước sau gì các tế bào ung thư cũng sẽ lan rộng khắp hệ thống hạch bạch huyết ở cổ bệnh nhân. Khi điều này xảy ra, dù bạn đã khỏi bệnh hoàn toàn nhưng khả năng tái phát bệnh cũng rất cao. Đã có nhiều bằng chứng y khoa cho rằng việc loại bỏ hạch bạch huyết là lựa chọn sáng suốt để nâng cao hiệu quả điều trị ung thư vòm họng giai đoạn đầu.
♥ Một điều cần thiết khác bạn phải làm khi biết mình bị ung thư vòm họng là tuyệt đối làm theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Điều này có thể bao gồm cả liệu pháp tinh thần, chế độ dinh dưỡng, thời gian thăm khám bệnh… Trong đó, yếu tố tinh thần đối với bệnh nhân ung thư là điều cả người bệnh lẫn người nhà bệnh nhân phải lưu ý.
Bác sĩ khuyên rằng sự vui vẻ, lạc quan là yếu tố quan trọng giúp cơ thể có nhiều khả năng đáp ứng với các liệu pháp điều trị.
♥ Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cũng là điều đáng được quan tâm. Bệnh nhân ung thư vòm họng tuyệt đối không được hút thuốc, uống rượu, bia và ăn những loại thực phẩm lên men, thực phẩm chứa nhiều muối và đồ ăn quá nóng trong cả quá trình điều trị bệnh. Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh thuốc lá, đồ uống có cồn và các loại thực phẩm chứa nhiều muối sẽ tạo thêm tổn thương trên bề mặt của cả tế bào khỏe mạnh và tế bào ung thư. Đó là lý do vì sao chúng sẽ khiến bệnh ung thư vòm họng giai đoạn đầu chuyển biến nhanh hơn và khó điều trị dứt điểm hơn.
Bạn có thể đọc thêm: Ngừng “oral sex” có phải là cách phòng bệnh ung thư vọng họng tốt nhất không?
Trương Phương Đài/HELLO BACSI