Tình trạng ung thư phổi khi mang thai đang dần trở nên phổ biến hơn. Mặc dù có nhiều rủi ro nhưng nhiều phụ nữ đã tiếp nhận điều trị bệnh và sinh con khỏe mạnh.
Nhiều người thường ngạc nhiên khi biết rằng họ có thể mắc ung thư phổi khi mang thai. Hầu hết mọi người đều nghĩ ung thư phổi thường xảy ra ở người lớn tuổi và có tiền sử hút thuốc. Tuy nhiên, sự thật không phải lúc nào cũng như vậy.
Ung thư phổi vẫn có khả năng xảy ra ở những người trẻ tuổi và tỷ lệ này ngày càng gia tăng. Thực tế, nhóm đối tượng mắc ung thư phổi đang tăng lên là phụ nữ trẻ tuổi và chưa từng hút thuốc.
Bài viết bạn có thể quan tâm: “Vì sao phụ nữ mắc ung thư phổi ngày càng nhiều hơn?“.
Tình trạng ung thư phổi khi mang thai không phổ biến lắm. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh cụ thể chưa có dữ liệu chắc chắn nhưng tính đến năm 2017, có ít hơn 70 trường hợp ung thư phổi khi mang thai được đề cập đến trong các tài liệu y khoa.
Ung thư phổi khi mang thai có gì khác biệt?
Tuy không có đủ điều kiện nghiên cứu sâu về tình trạng ung thư phổi khi mang thai nhưng chắc chắn các biểu hiện của bệnh sẽ khác nhau giữa các đối tượng như người trẻ và người cao tuổi, nam và nữ, hút thuốc và không hút thuốc. Bài viết dưới dây sẽ đề cập đến những điểm khác biệt này.
Loại ung thư phổi
Các nhà nghiên cứu cho rằng ung thư biểu mô tuyến, một loại ung thư phổi không tế bào nhỏ, chiếm khoảng 85% tình trạng ung thư phổi khi mang thai. Đây cũng là loại ung thư phổi thường được phát hiện ở những người trẻ tuổi và chưa từng hút thuốc.
Khó chẩn đoán bệnh
Nguyên nhân dẫn đến việc khó chẩn đoán ung thư phổi khi mang thai là do bác sĩ thường cố gắng tránh để bạn bị phơi nhiễm phóng xạ, do đó hạn chế chụp X–quang hay CT phổi khi mang thai.
Ung thư phổi được chia thành 2 kiểu chính: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó, 80% trường hợp là thuộc kiểu ung thư phổi không tế bào nhỏ. Loại ung thư phổi này tiếp tục được phân loại thành ung thư biểu mô tế bào tuyến (chiếm 50%), ung thư biểu mô tế bào vảy (chiếm 30%) và ung thư biểu mô tế bào lớn.
Ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư biểu mô tế bào vảy có xu hướng xuất hiện ở gần đường thở lớn. Khi đó gây ra những triệu chứng bệnh sớm như ho, nhiễm trùng tái phát do tắc nghẽn đường thở hoặc ho ra máu. Ngược lại, ung thư biểu mô tế bào tuyến lại thường phát triển ở ngoại vi vùng phổi và phát triển đến kích thước khá lớn trước khi gây ra các triệu chứng. Các biểu hiện ban đầu thường không rõ ràng như khó thở chậm tiến triển, lúc đầu sẽ xảy ra khi thở gắng sức hay gây cảm giác mệt mỏi. Bởi vì những dấu hiệu không đặc trưng, phụ nữ mang thai thường không nghĩ đến tình trạng ung thư phổi, đặc biệt khi họ chưa từng hút thuốc.
Đột biến gene (gien)
Đối với những người trẻ tuổi chưa từng hút thuốc và nữ giới khi mắc ung thư phổi thường có tỷ lệ “gene đột biến” cao hơn. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là các khối u ở người trẻ tuổi có nhiều khả năng có những thay đổi di truyền mà các liệu pháp nhắm mục tiêu mới có thể mang lại hiệu quả. Do đó, những phụ nữ được chẩn đoán ung thư phổi khi mang thai, cũng như những người trẻ tuổi mắc bệnh khác, nên thực hiện xét nghiệm gen để có được hồ sơ phân tử liên quan đến khối u trong phổi. Một số thay đổi bao gồm đột biến EGFR, sắp xếp lại ALK, sắp xếp lại ROS1…
Chẩn đoán ung thư phổi khi mang thai
Làm thế nào để chẩn đoán và điều trị ung thư phổi khi mang thai mà giảm thiểu phơi nhiễm phóng xạ ảnh hưởng đến thai nhi? Bác sĩ sẽ có nhiều lựa chọn dùng để chẩn đoán, chụp MRI không sử dụng phóng xạ được coi là tương đối an toàn trong thai kỳ. Các xét nghiệm hình ảnh dùng tia X như chụp CT vẫn có thể thực hiện khi cần thiết nếu thai nhi được bảo vệ, tránh tiếp xúc với phóng xạ.
Đối mặt với ung thư phổi khi mang thai
Bạn không nên quá tuyệt vọng, đau buồn khi nhận được chẩn đoán mắc ung thư phổi khi đang mang thai. Bạn nên biết rằng có nhiều phụ nữ mang thai đã điều trị ung thư phổi và sinh ra những em bé hoàn toàn khỏe mạnh. Một số phương pháp điều trị, chẳng hạn như hóa trị, tương đối an toàn với em bé trong những giai đoạn sau của thai kỳ (không điều trị ở 3 tháng đầu thai kỳ).
Những phương pháp điều trị
Phẫu thuật sẽ là phương pháp tốt nhất để điều trị ung thư phổi khi bệnh đang ở các giai đoạn đầu (giai đoạn 1, 2 và 3). Phẫu thuật lồng ngực có thể được thực hiện trên phụ nữ mang thai và cần phải có sự chăm sóc đặc biệt để theo dõi sức khỏe của cả hai người. Đội ngũ y bác sĩ sẽ làm việc cùng nhau để xác định cách chăm sóc tối ưu cho cả mẹ và bé.
Trong khoảng thời gian 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ, hóa trị thường không tạo ra những tác động gây quái thai. Rủi ro có thể xảy ra là em bé nhẹ cân lúc sinh hay có nguy cơ chậm phát triển trong tử cung.
Một nghiên cứu vào năm 2010 cho thấy tỷ lệ khối u di căn sang thai nhi là khoảng 26%. Do đó, bác sĩ sản khoa có thể xem xét để bạn sinh con trước ngày sinh dự kiến. Trong một nghiên cứu khác, phụ nữ mang thai mắc ung thư phổi được điều trị bằng hóa trị thì không có tình trạng khối u di căn đến nhau thai hay thai nhi.
Các liệu pháp nhắm mục tiêu, ví dụ như Tarceva (erlotinib) cho các đột biến EGFR, không nên sử dụng khi điều trị ung thư phổi ở phụ nữ mang thai. Những phụ nữ trẻ tuổi, đối tượng có khả năng mang thai, thường có nhiều khả năng bị đột biến trên gene nên được khuyến cáo thực hiện xét nghiệm gene (làm hồ sơ phân tử) trên khối u.
Khả năng sinh sản sau khi điều trị ung thư phổi
Thực tế, một số loại thuốc hóa trị có thể gây vô sinh và bạn sẽ cảm thấy lo lắng khi vẫn muốn mang thai trong tương lai. Khi đó, bạn hãy hỏi bác sĩ về những lựa chọn phù hợp mà bạn có thể thực hiện nếu như muốn tiếp tục sinh nở. Chẳng hạn như tiến hành đông lạnh phôi trước khi bắt đầu điều trị cũng là một lựa chọn tốt.