Triệu chứng rối loạn căng thẳng cấp tính và mối liên hệ với PTSD

(4.32) - 93 đánh giá

Chúng ta thường nhầm lẫn giữa triệu chứng rối loạn căng thẳng cấp tính (ASD) và chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), hay còn gọi là sang chấn tâm lý.

Phiên bản thứ 4 của “Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần” cũng lý giải vì sao hai căn bệnh này thường đi chung với nhau. Cẩm nang mô tả một số triệu chứng của người bị rối loạn căng thẳng cấp tính khá tương đồng với tình trạng sang chấn tâm lý.

Mặc dù các chuyên gia cần ít nhất 30 ngày để chẩn đoán PTSD, nhưng một số bệnh nhân vẫn xuất hiện các dấu hiệu bất thường chỉ vài ngày sau chấn thương.

Nhận diện các triệu chứng rối loạn căng thẳng cấp tính

Rối loạn căng thẳng cấp tính là một trong những dạng rối loạn khá phổ biến về mặt tinh thần. Nó có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, không phân biệt giới tính.

Triệu chứng rối loạn căng thẳng cấp tính

Nhìn chung, các triệu chứng rối loạn căng thẳng cấp tính khá tương đồng với chứng PTSD. Điểm khác biệt của hai căn bệnh này là căng thẳng cấp tính diễn ra ngắt quãng ngay sau khi người bệnh trải qua sự kiện chấn thương.

Các triệu chứng thường gặp bao gồm: hoảng lọan, tránh né, gặp ác mộng, rối loạn giấc ngủ… Người bị rối loạn căng thẳng cấp tính sẽ bất chợt gặp phải những suy nghĩ tiêu cực, hồi ức về chấn thương được tái hiện một cách sống động. Họ trở nên nhạy cảm hơn, tránh né thái quá các tác nhân có khả năng gợi nhắc ký ức đau buồn.

Triệu chứng rối loạn căng thẳng cấp tính cũng bao gồm rối loạn phân ly. Đây là một trải nghiệm tồi tệ, người bệnh có thể cảm thấy bị ngắt kết nối với chính mình hoặc với môi trường xung quanh. Sự phân ly bắt đầu từ việc mất liên lạc (tạm thời) với những gì đang diễn ra. Nó khiến người bệnh cảm thấy có một khoảng không kéo dài trong ký ức. Thậm chí, phân ly còn khiến họ cảm thấy như đang quan sát chính mình qua đôi mắt của người khác.

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ chấn thương về tinh thần và thể chất của người bệnh. Trong từng trường hợp cụ thể, bệnh sẽ diễn biến không giống nhau và có các triệu chứng chủ quan khác.

Tiêu chí chẩn đoán rối loạn căng thẳng cấp tính

Tình trạng căng thẳng sau chấn thương có thể xảy ra ở bất cứ ai. Đó là phản ứng bình thường của con người. Vì vậy, một người phải đáp ứng những tiêu chí nhất định để có thể được chẩn đoán là bị rối loạn căng thẳng cấp tính. Các tiêu chí cụ thể bao gồm:

Tiêu chí A

Sự kiện đau thương xảy ra với các đặc điểm tăng mạnh:

  • Trực tiếp chứng kiến người thân đột ngột bị thương nặng hoặc qua đời
  • Đối mặt với mối đe dọa khủng khiếp, các thương tích nghiêm trọng
  • Cảm giác cận kề cái chết

Người bệnh phản ứng lại các sự việc này với cảm giác sợ hãi vô cớ, bất lực và kinh hoàng. Nỗi ám ảnh khiến họ thường xuyên phải gặp ác mộng.

Tiêu chí B

Sau sự kiện gây chấn thương, người bệnh phải trải qua ít nhất 3 trong số các triệu chứng dưới đây:

  • Cảm giác tê liệt toàn thân (diễn ra ngắt quãng)
  • Choáng váng, không nhận thức được mọi thứ xung quanh
  • Cảm giác con người, địa điểm, sự việc đều không có thật
  • Cá nhân hóa hoặc cảm thấy tách rời khỏi bản thân
  • Mất trí nhớ phân ly hoặc không thể nhớ lại các phần quan trọng của sự kiện gây chấn thương.

Tiêu chí C

Người bệnh thường xuyên có những suy nghĩ, ký ức hoặc giấc mơ về các sự kiện. Chúng có thể xuất hiện ở dạng hồi tưởng, những cơn ác mộng. Như vậy, sự kiện gây chấn thương nhiều lần sống lại dưới một hình thức khác trong tâm trí bệnh nhân.

Tiêu chí D

Một trong những triệu chứng rối loạn căng thẳng cấp tính đặc trưng nhất là sự tránh né. Bệnh nhân có xu hướng lẩn tránh người, địa điểm, tin tức, vật dụng nhắc nhớ họ về sự kiện gây chấn thương. Phản ứng tránh né của người bệnh thường biểu hiện một cách thái quá, dữ dội.

Tiêu chí E

Người bệnh có các triệu chứng kích thích như rối loạn giấc ngủ, khó tập trung, bất an, khó chịu…

Tiêu chí F

Tất cả các triệu chứng căng thẳng cấp tính diễn ra liên tục nhưng không kéo dài. Chúng làm sụt giảm đáng kể chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ của bệnh nhân.

Tiêu chí G

Những triệu chứng kéo dài ít nhất 2 ngày và nhiều nhất là 28 ngày sau chấn thương. Ở một số trường hợp, các triệu chứng có thể mờ nhạt hơn nhưng cũng không kéo dài quá 1 tháng.

Tiêu chí H

Tất cả triệu chứng rối loạn căng thẳng cấp tính có tính độc lập. Chúng không phải là kết quả của chất kích thích, các tình trạng y tế khác hoặc tác dụng phụ của thuốc giảm đau.

Bác sĩ tâm thần và các chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ là người đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.

Mối liên hệ giữa rối loạn căng thẳng cấp tính và rối loạn căng thẳng sau chấn thương

Rối loạn căng thẳng cấp tính là một tình trạng tâm thần nghiêm trọng. Người mắc bệnh sẽ bị sa sút tinh thần, giảm tập trung trí tuệ và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cơ thể. Hơn nữa, bệnh nhân có nguy cơ cao bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương nếu không được chữa trị kịp thời.

Do tính phân ly của căng thẳng cấp tính, người bệnh có thể không nhớ được các phần quan trọng của sự kiện, cũng như những cảm xúc mà họ phải trải qua. Điều này sẽ can thiệp vào khả năng xử lý tác động của sự kiện và cảm xúc về sự kiện, từ đó gây cản trở cho quá trình hồi phục.

Trong khi đó, tình trạng sang chấn tâm lý khá khó điều trị. Bệnh có thể gây đau tim và ảnh hưởng lớn đến khả năng cảm nhận niềm vui của người bệnh. Quá trình chẩn đoán PTSD thường không chính xác do dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng muộn của rối loạn căng thẳng cấp tính.

Chính vì vậy, các chuyên gia hy vọng có thể xác định sớm bệnh rối loạn căng thẳng cấp tính thông qua các tiêu chí chẩn đoán. Nhờ vậy, những người có nguy cơ mắc chứng sang chấn tâm lý sẽ được theo dõi tốt hơn. Đồng thời ngăn chặn sự phát triển từ căng thẳng cấp tính thành rối loạn căng thẳng sau sang chấn.

Theo Mayo Clinic, hiện có nhiều tranh cãi xung quanh việc rối loạn căng thẳng cấp tính có thể dự đoán cho PTSD hay không. Về vấn đề này, các chuyên gia cho biết phần lớn những người bị rối loạn căng thẳng cấp tính đều có nguy cơ phát triển thành PTSD, nhưng không phải bệnh nhân PTSD nào cũng có tiền sử bị rối loạn căng thẳng cấp tính.

Ngoài việc là tình trạng tiên đoán cho chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương, rối loạn căng thẳng cấp tính cũng là một bệnh lý nghiêm trọng. Bệnh nhân cần được chăm sóc và điều trị chu đáo.

Sự thật là bạn càng sớm nhận ra các triệu chứng rối loạn căng thẳng cấp tính, bạn càng có nhiều cơ hội hồi phục hơn. Đồng thời, bạn có thể ngăn ngừa sự phát triển của căn bệnh PTSD nguy hiểm. Nếu bạn nghĩ rằng ai đó đang có triệu chứng rối loạn căng thẳng cấp tính, hãy đưa họ đến gặp bác sĩ tâm thần.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

8 ngành nghề bạn nên cẩn trọng khi chọn người yêu

(13)
Khi đang đắm say trong tình yêu, bạn có thể bỏ qua nghề nghiệp của người ấy. Thật ra, một số ngành nghề sẽ khiến bạn phải cẩn trọng hơn khi quyết ... [xem thêm]

Làm sao để từ chối mà không khiến người khác phật ý?

(40)
Bạn băn khoăn làm sao để từ chối một lời mời hay sự nhờ vả vì quá lo lắng sợ bị mất lòng người khác? Mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng nếu bạn suy ... [xem thêm]

Bạo hành lời nói: Những tổn thương tâm hồn khó chữa lành

(57)
Bạo hành bằng lời nói có thể để lại những tổn thương tâm lý đau đớn chẳng kém bất kỳ hành vi bạo hành thể chất nào. Để bảo vệ bản thân, bạn ... [xem thêm]

Cách duy trì mối quan hệ để bạn luôn vui vẻ!

(83)
Khi biết cách duy trì mối quan hệ trong cuộc sống, bạn sẽ có nhiều niềm vui, sống khỏe và dễ dàng thành công trong cuộc sống. Bởi vì sự thành công không ... [xem thêm]

Cách để bạn hẹn hò với người khác khi bị nhiễm HIV

(60)
Hẹn hò đối với người nhiễm HIV là một chuyện không dễ dàng, nhưng chúng ta hãy bỏ qua định kiến để có một cuộc sống hạnh phúc ... [xem thêm]

6 chứng rối loạn ăn uống thường gặp

(63)
Các chứng rối loạn ăn uống tưởng chừng chỉ ảnh hưởng tới vóc dáng nhưng lại có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Thậm chí, chứng này có ... [xem thêm]

3 lý do vì sao phụ nữ thích làm bạn với đàn ông gay

(14)
Đừng ngạc nhiên khi thấy phụ nữ kết thân với đàn ông gay, họ thậm chí còn có rất nhiều ưu thế vượt trội để xây dựng một tình bạn lâu bền ... [xem thêm]

9 sai lầm kinh điển khiến bạn đau khổ sau chia tay

(60)
Cảm giác hụt hẫng sau khi chia tay có thể khiến chúng ta bỗng trở nên bi lụy hoặc giận dữ đến mức hành động mù quáng không thể kiểm soát được. Đây ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN