Đổ mồ hôi nhiều là vấn đề thường gặp phải ở phụ nữ mang thai. Dù không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng nó lại khiến bà bầu dễ bị mất ngủ.
Mang thai là thời điểm mà cơ thể phụ nữ phải đối mặt với rất nhiều thay đổi. Bên cạnh sự tăng lên rõ rệt về vòng eo và những thay đổi về tâm lý, bà bầu còn phải đối mặt với nhiều rắc rối khác trong thai kỳ, một trong số đó là chứng tăng tiết mồ hôi. Tại sao bà bầu lại bị đổ mồ hôi nhiều và làm thế nào để khắc phục? Hãy cùng Chúng tôi theo dõi những chia sẻ dưới đây.
Đổ mồ hôi có phải là dấu hiệu mang thai?
Đổ mồ hôi nhiều có thể là một dấu hiệu sớm của thai kỳ bên cạnh các dấu hiệu khác như thay đổi tâm trạng, ngực bị sưng, đau và mệt mỏi cực độ. Sự thay đổi hormone khi mang thai sẽ khiến khu vực não bộ điều khiển mức thân nhiệt bị ảnh hưởng, khiến bà bầu đổ mồ hôi nhiều.
Nguyên nhân gây đổ mồ hôi nhiều khi mang thai?
Trong thời gian mang thai, bà bầu thường đổ mồ hôi rất nhiều, đặc biệt là vào ban đêm. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường là do:
1. Thay đổi nội tiết tố
Thay đổi nội tiết tố là “thủ phạm” gây ra nhiều biến đổi trong cơ thể bà bầu và cũng là nguyên nhân khiến bà bầu bị đổ mồ hôi nhiều. Nội tiết tố thay đổi sẽ làm cho thân nhiệt tăng cao, kết quả là cơ thể sẽ tự động làm mát bằng cách tiết ra nhiều mồ hôi hơn.
2. Thuốc
Nếu trong thời gian mang thai mà bạn sử dụng thuốc hạ sốt, thuốc chống buồn nôn hoặc chống trầm cảm thì cơ thể có thể tăng nhiệt độ, dẫn đến tình trạng đổ mồ hôi nhiều. Ngoài ra, đổ mồ hôi cũng là tác dụng phụ thường gặp của các loại thuốc này.
3. Hoạt động mạnh
Bà bầu tập các bài tập thể dục nặng, phải thực hiện nhiều động tác cũng có thể bị đổ mồ hôi nhiều.
4. Nhiễm trùng và bệnh tật
Một nguyên nhân khác gây ra tình trạng đổ mồ hôi nhiều khi mang thai có thể là do bạn đang gặp phải vấn đề sức khỏe nào đó.
5. Thay đổi tuyến giáp
Mang thai có thể dẫn đến suy giáp. Tình trạng này có thể là nguyên nhân khiến bà bầu đổ mồ hôi nhiều.
6. Ăn nhiều thực phẩm cay, nóng và sử dụng các loại đồ uống có chứa caffeine
Những loại thực phẩm này sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể, tăng tốc độ trao đổi chất, dẫn đến tình trạng đổ mồ nhiều.
Ngoài những nguyên nhân trên, trong thời gian mang thai, cơ thể bạn còn phải chịu nhiều áp lực lớn để hỗ trợ cho sự phát triển của bé. Điều này sẽ khiến thân nhiệt tăng cao hơn bình thường và để làm mát, cơ thể sẽ tiết ra mồ hôi theo phản xạ. Do đó, nếu bạn ra nhiều mồ hôi khi mang thai thì cũng là điều dễ hiểu.
Bà bầu bị đổ mồ hôi nhiều nên làm gì?
Mặc dù đổ mồ hôi giúp làm mát cơ thể nhưng nếu không được vệ sinh sạch sẽ, mồ hôi có thể tạo cảm giác ướt át khó chịu và gây mùi. Nếu bị đổ mồ hôi nhiều trong thai kỳ, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Đổ mồ hôi sẽ khiến cơ thể bị mất nước. Nếu không bù nước kịp thời sẽ dễ gây ra các triệu chứng như chóng mặt, ngất xỉu. Vì vậy, bạn hãy chú ý uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả để bổ sung chất điện giải và bù nước cho cơ thể.
- Tránh tập thể dục nặng, đặc biệt trong ngày thời tiết oi bức. Nếu muốn, bạn có thể đi bộ nhẹ nhàng vào sáng sớm và tối hoặc tham gia lớp tập thể dục trong phòng hay đi bơi.
- Tránh mặc quá nhiều quần áo. Ngoài ra, bạn nên mặc những bộ quần áo màu sáng có chất liệu mềm, nhẹ, thoáng khí, dễ thấm hút mồ hôi.
- Trong những ngày nóng nực, hãy tránh xa ánh nắng mặt trời. Nếu có thể, hãy ở trong phòng máy lạnh cả ngày và đêm.
- Khi ngủ, bạn có thể trải thêm một lớp khăn tắm ở trên giường để giúp hấp thụ thêm mồ hôi và giữ cho bạn luôn khô ráo.
- Tránh ăn đồ cay nóng vì những món ăn này sẽ khiến mồ hôi tiết ra nhiều và không có lợi cho thai nhi. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh uống rượu hoặc dùng các có thức uống có chứa caffeine như cà phê, chocolate hoặc đồ ngọt.
- Tránh ở trong phòng kín, bạn nên mở cửa sổ cho thoáng khí.
- Bạn cũng có thể thường xuyên uống nước ép trái cây để cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết và làm mát cơ thể. Tránh uống nước ngọt và các loại nước trái cây đóng hộp có chứa nhiều đường.
- Không thoa các loại kem dưỡng, dầu dưỡng ẩm lên da.
- Tóc dài cũng có thể khiến bạn khó chịu khi ra mồ hôi nhiều. Nếu được, bạn hãy buộc tóc lên cho gọn gàng nhé.
- Luôn mang theo quạt tay để làm bốc hơi lượng mồ hôi dư thừa trên da.
- Sử dụng phấn rôm (không chứa thành phần talc) ở các khu vực dễ bị ma sát như nách, cổ… Phấn rôm sẽ hấp thụ lượng mồ hôi dư thừa và phòng ngừa rôm sảy.
- Tắm rửa thường xuyên.
Khi nào nên đi đến bác sĩ khám?
Nếu tình trạng đổ mồ hôi nhiều đi kèm với sốt cao, đau tức ngực hoặc tim đập nhanh, bạn nên đến bác sĩ khám. Đây có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư hoặc bệnh bạch cầu. Khi đi khám, hãy trình bày rõ tất cả các triệu chứng mà bạn gặp phải. Nếu cần, bạn sẽ thực hiện một vài xét nghiệm để được chẩn đoán chính xác.
Đổ mồ hôi nhiều khi mang thai là một vấn đề khá phổ biến. Tình trạng này có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, bức bối. Để giảm cảm giác này, bạn hãy thử áp dụng các biện pháp trên của Chúng tôi nhé.
Ngân Phạm/HELLO BACSI