Tình trạng sức khỏe hoặc tuổi tác có thể góp phần quyết định trẻ có thể tiêm loại vacxin nào đó không. Thông thường, bác sĩ sẽ để trẻ khỏe hẳn mới chích ngừa, nhưng với những trẻ bị dị ứng phản ứng sau khi chủng ngừa thì không nên tiếp tục tiêm phòng.
Chích ngừa giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh rất nghiêm trọng và dễ lây lan. Chủng ngừa đặc biệt quan trọng đối với trẻ vì trẻ nhỏ dễ mắc các loại bệnh hơn người lớn. Hơn nữa, việc chích ngừa cũng rất quan trọng để giúp trẻ phòng bệnh trong tương lai.
Việc chích ngừa thường phải được thực hiện theo đúng lịch của Bộ Y tế vì các loại vacxin khác nhau hoạt động tốt nhất khi chúng được tiêm chủng ở một độ tuổi nhất định. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ có thể không được tiêm chủng theo đúng lịch. Đó là những trường hợp nào? Hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu nhé.
Các loại vacxin phổ biến
Các loại vacxin thường được khuyến cáo tiêm phòng cho trẻ như:
- Vacxin bạch hầu, uốn ván, ho gà (DTaP)
- Vacxin bại liệt (IPV)
- Vacxin sởi, quai bị, rubella (MMR)
- Vacxin thủy đậu (Varicella)
- Vacxin viêm gan A
- Vacxin viêm gan B
- Vacxin H influenzae (Hib)
- Vacxin pneumococcal (PCV13)
- Vacxin Rotavirus (RV)
- Vacxin phòng cúm
- Vacxin viêm màng não do cầu khuẩn (MPSV4/MCV4)
- Vacxin HPV
Trẻ nào không nên chích ngừa?
Giống như các thủ thuật y tế khác, chích ngừa cũng có nhiều rủi ro vì mỗi trẻ có các tình trạng sức khỏe khác nhau và mỗi loại vacxin sẽ tương tác với các tình trạng này. Ngoài tình trạng sức khỏe, tuổi tác cũng là một trong những yếu tố góp phần quyết định liệu trẻ có nên chủng ngừa một loại thuốc nào đó hay không. Theo nguyên tắc chung, nếu một người đang có tình trạng sức khỏe nào đó, nên đợi cho đến khi tình trạng sức khỏe của họ tốt nhất rồi mới tiêm chủng. Những trẻ trước đây đã từng bị phản ứng dị ứng sau khi chủng ngừa cũng được khuyến cáo không nên tiếp tục dùng liều bổ sung của loại vacxin đó.
Vacxin phòng cúm
Trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc hiện đang bị bệnh nên tránh chích ngừa cúm. Những bệnh nhân trước đó đã có phản ứng dị ứng khi dùng vacxin này cũng được khuyến cáo không nên dùng cùng một loại vacxin này nữa.
Trẻ hoặc bố mẹ có một hoặc nhiều tình trạng sau đây nên tham khảo kỹ lưỡng ý kiến của chuyên gia y tế trước khi tiến hành tiêm phòng:
- Trẻ dưới 2 tuổi
- Trẻ đã từng bị hen hoặc thở khò khè trước đó
- Phụ nữ đang mang thai
- Trẻ/bố mẹ có một hoặc nhiều bệnh mãn tính như bệnh tim, bệnh gan hoặc hen suyễn
- Trẻ/bố mẹ bị khó thở, có thể do một số bệnh về cơ hoặc thần kinh nào đó
- Trẻ/bố mẹ đang có hệ thống miễn dịch bị suy yếu
- Trẻ/bố mẹ đang sống với một người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương
- Trẻ/bố mẹ đã được điều trị aspirin dài hạn
Vacxin viêm gan A
Giống như các loại vacxin khác, vacxin viêm gan A thường đòi hỏi trẻ phải khỏe mạnh khi tiến hành tiêm vacxin. Phụ nữ có thai thường nên trì hoãn chích ngừa viêm gan A trừ khi có nguy cơ cao mắc bệnh này. Bệnh nhân đã có các phản ứng dị ứng do tiêm chủng viêm gan A đợt trước không tiêm liều tiếp theo. Ngoài ra, những bệnh nhân bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vacxin cũng không nên tiêm phòng.
Vacxin viêm gan B
Bệnh nhân được xác định là dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vacxin hoặc đã có các phản ứng dị ứng với vacxin không nên chủng ngừa viêm gan B. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên trì hoãn việc chủng ngừa nếu đang mắc bất kỳ tình trạng sức khỏe nào.
Vacxin HPV
Những bệnh nhân bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vacxin hoặc có phản ứng dị ứng với thuốc chủng này không nên tiêm vacxin HPV. Phụ nữ mang thai và người đang mắc bệnh cũng nên tránh dùng vacxin HPV.
Vacxin bạch hầu, uốn ván, ho gà (DTaP)
Những trẻ bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vacxin hoặc có các phản ứng phụ sau khi chủng ngừa không nên tiêm loại vacxin này. Các tác dụng phụ được biết bao gồm hôn mê, co giật, đau dữ dội và sưng tại chỗ tiêm. Điều quan trọng bạn cần lưu ý là vacxin DTaP cũng có thể có nhiều dạng khác nhau như DTP, DT hoặc Td. Những trẻ đang mắc bất kỳ loại bệnh nào đều nên tránh chích ngừa. Ngoài ra, trẻ bị động kinh hoặc đã bị hội chứng Guillain-Barré được khuyên nên thảo luận với bác sĩ trước khi tiến hành tiêm phòng.
Vacxin phòng bệnh zona
Những trẻ bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vacxin hoặc đã trải qua các phản ứng dị ứng với vacxin này không nên tiếp tục chích ngừa. Ngoài ra, trẻ/bố mẹ có các tình trạng sau đây sau đây cũng nên tránh dùng vacxin bệnh zona:
- Bệnh nhân có hệ miễn dịch bị tổn hại, có thể do AIDS, ung thư xương hoặc bạch huyết, sử dụng một số phương pháp điều trị ung thư và một số loại thuốc.
- Phụ nữ đang mang thai/có thể hoặc có ý định mang thai trong tháng tới.
- Trẻ đang hoặc gần đây bị sốt.
Vacxin viêm màng não
Trẻ bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vacxin hoặc bị phản ứng dị ứng không nên dùng vacxin viêm màng não. Ngoài ra, trẻ hiện đang bị bất kỳ một tình trạng sức khỏe nào cũng không nên dùng thuốc chích ngừa viêm màng não do cầu khuẩn.
Mai Hồng/HELLO BACSI