Tinh dầu ngải cứu có những tác dụng khá thú vị, chẳng hạn như làm giảm đau bụng kinh, thư giãn tinh thần, ngăn ngừa cơn động kinh.
Ngải cứu là một loại thảo mộc được trồng và sử dụng rộng rãi cho nhiều mục đích chẳng hạn như làm hương liệu, làm thuốc, sử dụng như một loại rau giúp cải thiện tình trạng sức khỏe. Do đó, tinh dầu từ loại lá này cũng mang đến nhiều tác dụng tích cực.
Tác dụng của tinh dầu ngải cứu
Một số lợi ích của tinh dầu từ lá ngải cứu gồm:
1. Giảm đau bụng kinh
Tinh dầu ngải cứu có thể giúp dòng chảy kinh nguyệt lưu thông đều đặn bằng cách thúc đẩy dòng máu chảy ra khỏi tử cung và không bị cản trở. Ngoài ra, dầu còn có khả năng cải thiện những vấn đề khác liên quan đến vấn đề kinh nguyệt ở nữ giới, chẳng hạn như đau bụng, mệt mỏi, đau đầu và thậm chí buồn nôn.
Thêm vào đó, dầu ngải cứu cũng giúp duy trì sức khỏe và khả năng hoạt động của tử cung bằng cách kích thích quá trình đào thải chất độc hại cũng như tăng cường tiết ra các hormone có lợi cho bộ phận này.
Như vậy, nguy cơ gặp phải các tình trạng viêm cổ tử cung, u nang, u xơ và khối u sẽ giảm đi rất nhiều khi bạn sử dụng tinh dầu từ lá ngải cứu.
Cách dùng dầu khá đơn giản, bạn chỉ cần pha loãng dầu ngải cứu cùng dầu nền (như dừa, dầu jojoba hoặc dầu hạnh nhân) và nhẹ nhàng xoa lên vùng bụng của bạn.
2. Tốt cho não bộ
Tinh dầu ngải cứu là một phương thuốc chống động kinh và chống bệnh tâm căn hysteria tự nhiên tuyệt vời nhờ vào khả năng làm dịu.
Không chỉ vậy, dầu có thể thúc đẩy cảm giác thư giãn xuất hiện, từ đó làm giảm căng thẳng một cách hiệu quả. Đồng thời, mùi hương của ngải cứu cũng hỗ trợ bạn nâng cao hiệu suất làm việc do sự tập trung được đẩy mạnh.
Pha loãng tinh dầu ngải cứu cùng với dầu hoa oải hương và khuếch tán trong không khí sẽ thúc đẩy sự tập trung tinh thần và tăng cường trí nhớ. Ngoài ra, dầu còn có tác dụng làm dịu đối với các bệnh lý như động kinh hoặc bệnh tâm căn hysteria.
3. Tốt cho hệ tiêu hóa
Dầu ngải cứu là một phương thuốc hoàn toàn tự nhiên để chữa các rối loạn tiêu hóa hoặc các vấn đề tiêu hóa bởi dầu có thể kích thích cơ thể tiết ra mật cùng các enzyme tiêu hóa. Từ đó tạo điều kiện cho việc xử lý và hấp thụ thức ăn giúp chất dinh dưỡng từ thực phẩm được hấp thụ tốt hơn.
Không chỉ vậy, dầu từ lá ngải cứu còn giúp loại bỏ tình trạng nhiễm giun bằng cách ức chế vi khuẩn sinh sôi ở đường tiêu hóa. Đóng vai trò như một “dũng sĩ diệt giun”, những loại giun như giun tròn và sán dây sẽ bị đào thải, giúp quá trình phát triển thể chất diễn ra hiệu quả.
Hãy pha loãng tinh dầu ngải cứu với dầu nền theo tỷ lệ 1: 1 và xoa bóp lên vùng bụng dưới hoặc dạ dày của bạn để cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa.
4. Đào thải độc tố
Đóng vai trò một chất lợi tiểu, dầu ngải cứu giúp loại bỏ sự tích tụ của các chất có hại, chẳng hạn như urê, axit uric, muối dư thừa, chất béo và nước, thông qua hoạt động tiểu tiện. Như vậy, cơ thể bạn sẽ được loại bỏ các chất độc hại và được làm sạch, đảm bảo hoạt động của các cơ quan quan trọng được diễn ra trơn tru, đặc biệt là ở gan và thận.
Hơn nữa, yếu tố thải độc từ dầu rất hữu ích cho những người đang bị béo phì, cao huyết áp và thậm chí thấp khớp, viêm khớp cũng như bệnh gout vì những tình trạng này được tạo ra bởi sự tích tụ độc tố trong cơ thể. Bằng cách thải độc, dầu cũng có thể giúp cân bằng mức huyết áp.
Cách dùng tinh dầu ngải cứu không hề phức tạp, bạn có thể thêm một vài giọt dầu vào bồn tắm nước ấm và ngâm mình trong vài phút để thúc đẩy quá trình thải độc.
Bên cạnh các tác dụng chính ở trên, một số lợi ích của tinh dầu ngải cứu thú vị khác mà bạn có thể tham khảo là:
- Giảm đau do mụn trứng cá, chàm và vảy nến
- Hỗ trợ cải thiện hệ thống miễn dịch trong trường hợp bạn đang mắc bệnh
- Việc nhỏ một vài giọt tinh dầu vào gối sẽ giúp bạn có được giấc ngủ ngon hơn
Cách làm tinh dầu ngải cứu
Nếu muốn tự làm cho bản thân một lọ tinh dầu từ lá ngải cứu, bạn có thể làm theo gợi ý sau:
Nguyên liệu
- Đá lạnh
- Nồi đun
- Lá ngải cứu
- Bình thủy tinh
- 1 chiếc bát nhỏ.
Cách thực hiện
♥ Bước 1: Ngâm và rửa sạch ngải cứu
♥ Bước 2: Cắt nhỏ lá, cho ngải cứu vào nồi và đổ nước đầy khoảng 1/3 nồi
♥ Bước 3: Cho bát (chén) vào giữa nồi, thả 2 – 3 viên đá nhỏ vào chén bắt đầu bật lửa nhỏ, đậy nắp nồi
♥ Bước 4: Khi đá đã tan chảy, bạn tiếp tục bỏ thêm đá vào chén. Lặp lại bước này từ 45 – 60 phút
Do được đun nóng, chiết xuất từ lá ngải cứu sẽ được tiết ra và bay theo hơi nước để bốc hơi lên trên. Khi gặp lạnh, chiết xuất ngải cứu bắt đầu ngưng tụ ở trên nắp nồi và dần rơi xuống phía miệng chén.
♥ Bước 5: Dùng ống bơm để hút lấy phần tinh dầu bên trên và đựng vào một lọ thủy tinh. Bảo quản dầu ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp.
Lưu ý khi sử dụng tinh dầu ngải cứu
- Không được trực tiếp uống dầu
- Không dùng dầu với liều lượng cao bởi có thể gây kích ứng
- Không dùng dầu cho phụ nữ mang thai vì có thể gây sảy thai
- Để điều trị giun đường ruột cho trẻ em, chỉ dùng một lượng nhỏ dầu để bôi ngoài da
- Tinh dầu ngải cứu cũng có tác dụng gây nghiện, đặc biệt là trên não và hệ thần kinh. Do đó, nếu bạn đang khuếch tán tinh dầu, hãy nhớ trộn đều với các loại tinh dầu khác và không khuếch tán quá 30 phút. Nếu cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng sau một vài lần hít vào, thì hãy dừng lại ngay lập tức.
Tinh dầu ngải cứu thường được sử dụng như một phương pháp điều trị đau bụng kinh và vô kinh. Dầu còn có thể tăng cường trí nhớ và sự tập trung khi kết hợp với các loại tinh dầu khác, chẳng hạn như tinh dầu xô thơm và tinh dầu hương thảo.
Bên cạnh lợi ích sức khỏe, loại dầu này đôi khi cũng gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, bạn hãy chú ý đến lượng dầu sử dụng để đảm bảo an toàn nhé.
Phương Uyên/HELLO BACSI