Trật khớp háng bẩm sinh là tình trạng có thể xảy ra nếu bạn mang thai lần đầu và tử cung chưa mở rộng đủ để bé cử động.
Việc kiểm tra sức khỏe của trẻ sơ sinh sau khi chào đời hoặc lúc chuẩn bị xuất viện rất quan trọng vì sẽ giúp bạn phát hiện tình trạng bất thường ở con yêu. Trật khớp háng bẩm sinh nằm trong danh sách cần được rà soát và chẩn đoán sớm. Nếu để quá lâu, bệnh sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến khả năng vận động của bé. Bài viết sau, Chúng tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu về hiện tượng trật khớp háng cũng như cách điều trị tình trạng này.
Trật khớp háng bẩm sinh là gì?
Trật khớp háng bẩm sinh (CHD) xảy ra khi trẻ nhỏ chào đời với tình trạng khớp háng không ổn định. Nguyên nhân là do sự hình thành bất thường của khớp háng trong giai đoạn đầu phát triển của thai nhi. Một tên gọi khác của tình trạng này là chứng loạn sản phát triển xương hông. Sự bất ổn này sẽ có xu hướng nghiêm trọng hơn khi bé lớn lên.
Khớp cầu ở hông trẻ đôi khi có thể bị trật khiến các bộ phận không thể kết hợp nhịp nhàng với nhau trong các chuyển động, tình trạng này diễn ra từ nhẹ đến nặng. Theo Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ, cứ 1.000 trẻ sơ sinh thì có một bé mắc phải chứng trật khớp háng.
Nguyên nhân gây trật khớp háng bẩm sinh
Nguyên nhân gây ra trật khớp háng bẩm sinh khá đa dạng và tùy vào trường hợp cụ thể. Các yếu tố tác động bao gồm lượng nước ối trong tử cung thấp, thai ngôi mông và bệnh sử gia đình về tình trạng này. Tử cung nhỏ cũng có thể gây ra trật khớp háng hoặc có tác động vào nó. Đây là lý do tại sao em bé của bạn có nhiều khả năng gặp phải tình trạng này nếu bạn mang thai lần đầu tiên.
Đối tượng có nguy cơ mắc phải
Trật khớp háng bẩm sinh phổ biến ở bé gái hơn so với bé trai. Nhưng bạn không thể xem nhẹ bởi bất kỳ trẻ sơ sinh nào cũng có khả năng mắc phải. Đây là lý do vì sao bác sĩ sẽ thường xuyên kiểm tra trẻ sơ sinh để tìm dấu hiệu trật khớp háng và tiếp tục thực hiện công việc này trong năm đầu tiên sau khi bé chào đời.
Dấu hiệu của trật khớp háng
Trật khớp háng bẩm sinh không có dấu hiệu cụ thể nhưng thay vào đó, bác sĩ và y tá sẽ thường xuyên kiểm tra để phát hiện tình trạng này. Nếu con xuất hiện các triệu chứng, chúng có thể bao gồm:
- Chân hướng ra ngoài hoặc chiều dài mỗi chân khác nhau
- Chuyển động bị hạn chế
- Nếp gấp trên chân và mông không đều nhau khi chân mở rộng
- Chậm phát triển kỹ năng vận động thô, từ đó ảnh hưởng đến cách con ngồi, bò và đi.
Chẩn đoán trật khớp háng bẩm sinh
Sàng lọc chẩn đoán trật khớp háng bẩm sinh sẽ được thực hiện khi bé chào đời và trong suốt năm đầu tiên. Phương pháp sàng lọc phổ biến nhất là khám sức khỏe. Bác sĩ sẽ nhẹ nhàng điều khiển hông và chân của con bạn trong khi lắng nghe tiếng “rắc” mà có thể chỉ xảy ra do trật khớp. Bài kiểm tra này bao gồm hai phần:
- Trong bài kiểm tra Ortolani, bác sĩ nhi khoa sẽ tác động lực lên hông khi bé dang thân dưới ra
- Trong bài kiểm tra Barlow, bác sĩ nhi khoa sẽ tác động lực hướng xuống trong khi bé di chuyển hông sang ngang
Những xét nghiệm này chỉ chính xác trước khi con bạn được 3 tháng tuổi. Ở những bé lớn tuổi, các dấu hiệu để phát hiện bệnh bao gồm đi khập khiễng, hạn chế trong chuyển động và sự khác biệt về chiều dài 2 chân. Xét nghiệm hình ảnh có thể xác nhận chẩn đoán trật khớp háng bẩm sinh. Phương pháp siêu âm dành cho trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi. Chụp X-quang sẽ phù hợp với các bé lớn hơn.
Trật khớp háng bẩm sinh được điều trị như thế nào?
Nếu em bé nhỏ hơn 6 tháng tuổi và được chẩn đoán mắc chứng trật khớp háng bẩm sinh thì có khả năng bé sẽ cần sử dụng dây nịt Pavlik. Sản phẩm này sẽ ép các khớp háng của con vào đúng vị trí cũng như hỗ trợ cơ hông bằng cách tác động chân của bé ở tư thế giống ếch. Con yêu có thể đeo dây nịt trong vòng 6 đến 12 tuần, tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ nghiêm trọng của tình trạng cũng như sử dụng sản phẩm toàn thời gian hoặc bán thời gian.
Nếu điều trị bằng dây nịt không đem lại kết quả như mong đợi hoặc nếu bé lớn hơn, bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc phẫu thuật. Phương pháp này bao gồm gây mê toàn thân và nắn chỉnh hình hông sao cho bộ phận này vào đúng vị trí của khớp.
Ngoài ra, hình thức phẫu thuật kéo dài gân cũng được áp dụng, dây chằng và loại bỏ các chướng ngại vật khác trước khi định vị hông. Phương pháp này được gọi là kết hợp xương bên trong. Sau khi mọi thứ đã vào vị trí, hông và chân của bé sẽ cần được nằm yên trong vòng ít nhất 12 tuần.
Nếu con bạn từ 18 tháng tuổi trở lên hoặc không đáp ứng tốt với các liệu trình điều trị, bé có thể cần phẫu thuật xương đùi hoặc xương chậu để tái tạo xương hông. Điều này có nghĩa là bác sĩ phẫu thuật sẽ phân tách hoặc định hình lại đầu xương đùi.
Trừ khi vấn đề được khắc phục trước khi bé bắt đầu tăng cân, nếu không tổn thương hông lâu dài có thể xảy ra, ảnh hưởng đến các cử động trong sinh hoạt về sau.
Làm thế nào để ngăn ngừa trật khớp háng bẩm sinh?
Bạn không thể ngăn chặn tình trạng này. Do vậy, việc đưa con đi kiểm tra thường xuyên để bác sĩ xác định và điều trị căn bệnh càng sớm càng tốt là rất quan trọng. Bạn có thể xác định với bác sĩ về trật khớp háng bẩm sinh trước khi xuất viện.
Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị thành công, trẻ có thể phát triển khớp háng bình thường và không bị giới hạn chức năng. Nếu không được điều trị, trật khớp háng bẩm sinh có thể dẫn đến đau và viêm xương khớp khi bé trưởng thành, đồng thời tạo ra sự khác biệt về chiều dài chân hoặc giảm sự nhanh nhẹn.
Ngay cả với phương pháp điều trị thích hợp, biến dạng hông và viêm xương khớp vẫn có khả năng phát triển nếu quá trình chữa bệnh tiến hành sau 2 tuổi.
Tình trạng trật khớp háng cũng có thể xảy ra ở người lớn, bạn có thể xem thêm bài Trật khớp háng là gì để hiểu thêm về điều này nhé.
Phương Uyên/HELLO BACSI