Trong thời gian mang thai, mẹ bầu sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm thường quy để đảm bảo sức khỏe của bạn và bé cưng.
Trong số những xét nghiệm thường quy có những xét nghiệm bạn chỉ cần thực hiện một lần, có những xét nghiệm cần thực hiện đều đặn mỗi khi đi khám thai. Ngoài ra, căn cứ vào độ tuổi mang thai, tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, lượng thai nhi mà bạn đang mang, kết quả các xét nghiệm thai kỳ trước đó… mà bác sĩ có thể chỉ định mẹ bầu làm một số xét nghiệm bổ sung như chọc dò ối, lấy mẫu lông nhung màng đệm…
Thăm khám và các xét nghiệm thường quy khi mang thai
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu thường được chỉ định thực hiện các thăm khám và xét nghiệm sau:
1. Kiểm tra cân nặng
Không chỉ phản ánh sức khỏe của thai phụ mà cân nặng của mẹ bầu còn cho thấy sự phát triển của bào thai trong tử cung. Do đó, mẹ bầu thường được yêu cầu kiểm tra cân nặng mỗi lần đi khám thai.
Mức tăng cân của mẹ bầu được ước tính dựa vào cân nặng trước khi mang thai.
Nếu bạn có cân nặng bình thường trước khi mang thai, tức là chỉ số khối cơ thể (BMI) nằm trong khoảng 18.5 – 24.9, mức tăng cân lý tưởng của người mẹ là 10 – 12 kg, cụ thể như sau:
- 3 tháng đầu: Tăng 1 kg
- 3 tháng giữa: Tăng 4 – 5 kg
- 3 tháng cuối: Tăng 5 – 6 kg
Nếu mẹ bầu nhẹ cân (BMI: <18,5), trong thai kỳ mức tăng cân nên đạt khoảng 1/4 so với cân nặng trước khi mang thai, thông thường là 13 – 18 kg.
Nếu trước khi mang thai mẹ bị thừa cân, béo phì (BMI từ 25 trở lên): mức tăng cân lý tưởng là 15% cân nặng trước khi mang thai, thông thường là 7 – 11 kg.
Trường hợp mang song thai, mẹ bầu cần tăng khoảng 16 – 20,5 kg.
2. Kiểm tra huyết áp
Mỗi lần đi khám thai, mẹ bầu sẽ được kiểm tra huyết áp. Đây là một xét nghiệm không xâm lấn, không gây đau. Thông qua các chỉ số đo được, bác sĩ sẽ xác định được bạn có bị cao huyết áp không.
Cao huyết áp chính là một trong những nguy cơ dẫn đến tiền sản giật. Ngoài ra, huyết áp cao có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thận và gan của mẹ bầu. Việc phát hiện sớm cao huyết áp thai kỳ giúp bạn được điều trị đúng cách, ngăn ngừa các biến chứng xấu.
3. Kiểm tra vùng chậu
Việc kiểm tra vùng chậu của mẹ bầu giúp các bác sĩ phần nào đánh giá được kích thước, vị trí của âm đạo, cổ tử cung, tử cung và buồng trứng.
Bác sĩ hoặc y tá sẽ chèn một hoặc hai ngón tay đeo găng của một bàn tay vào âm đạo, bàn tay còn lại ấn lên bụng dưới. Bác sĩ sẽ nhẹ nhàng ấn xuống bụng và di chuyển các ngón tay xung quanh bên trong âm đạo để có thể cảm nhận kích thước, hình dạng và kết cấu của tử cung và buồng trứng. Trong thủ thuật này, các bác sĩ có thể phát hiện bất kỳ sự tăng trưởng bất thường nào.
4. Xét nghiệm nước tiểu
Đây cũng là 1 xét nghiệm mà bạn phải thực hiện mỗi khi đi khám thai. Xét nghiệm này giúp các bác sĩ đánh giá xem bạn có bị nhiễm trùng bàng quang, thận hoặc lượng protein thừa trong nước tiểu (đạm niệu) hay không. Việc có quá nhiều protein trong nước tiểu là dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật mà mẹ bầu cần hết sức lưu tâm.
5. Xét nghiệm máu tổng quát quý I
Kỹ thuật viên sẽ tiến hành lấy máu của bạn từ tĩnh mạch trên cánh tay để đem đi xét nghiệm. Bạn có thể cảm thấy hơi đau một chút.
Xét nghiệm này sẽ kiểm tra về chức năng gan của mẹ bầu, kiểm tra xem bạn có bị nhiễm virus, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan B, HIV hay không. Ngoài ra, thông qua các chỉ số xét nghiệm, các bác sĩ sẽ đánh giá được mẹ bầu có nguy cơ đái tháo đường hay không, bị thiếu máu hay không, nhóm máu và yếu tố Rh của mẹ bầu (một điều kiện đo lường khả năng tương thích giữa máu của mẹ bầu với máu của em bé).
Nếu kết quả xét nghiệm chỉ ra rằng mẹ bầu đang trong tình trạng thiếu máu, bác sĩ có thể hướng dẫn cách ăn uống hoặc cho dùng thuốc để cải thiện tình hình.
Việc xác định nhóm máu rất quan trọng, phòng khi mẹ bầu gặp tình trạng cấp cứu sẽ có nhóm máu để truyền kịp thời.
6. Xét nghiệm tầm soát nguy cơ bất thường bẩm sinh
Mẹ bầu thường được chỉ định làm các xét nghiệm sau:
- Combined test: thực hiện vào quý I (11 – 13 tuần 6 ngày), tầm soát nguy cơ các hội chứng Down, Edward, Patau, bất thường nhiễm sắc thể giới tính X
- Triple test: thực hiện vào quý II (15 – 20 tuần), tầm soát nguy cơ hội chứng Down, Edward, dị tật ống thần kinh
- NIPT: thực hiện từ tuần thai thứ 10, tầm soát nguy cơ các hội chứng trên, độ chính xác đến 99% đối với bệnh Down.
7. Xét nghiệm sàng lọc nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B
Xét nghiệm này được thực hiện nhằm tìm kiếm một loại vi khuẩn (GBS) gây viêm phổi và tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng khác ở trẻ sơ sinh. Mẹ bầu sẽ tiến hành làm xét nghiệm này trong khoảng từ 35 đến 37 tuần của thai kỳ. Để thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ sẽ dùng tăm bông quét dịch trong trực tràng và âm đạo rồi cho vào ống nghiệm để các kỹ thuật viên kiểm tra. Việc thực hiện sẽ không gây đau.
Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính với vi khuẩn, bác sĩ sẽ cho mẹ bầu dùng kháng sinh khi chuyển dạ nhằm giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn cho trẻ.
8. Đo bề cao tử cung
Từ tuần thứ 16 của thai kỳ, mỗi khi bạn đi khám thai, bác sĩ sẽ tiến hành đo bề cao tử cung để đánh giá sự phát triển của thai nhi. Thông thường, độ dài đo được (bằng cemtimet) sẽ tương ứng với tuổi thai (tính theo tuần).
9. Nghiệm pháp dung nạp đường
Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao mắc đái tháo đường, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm xét nghiệm này từ rất sớm trong giai đoạn đầu thai kỳ.
Nếu bạn không có nguy cơ gì, trong khoảng thời gian từ 24 đến 28 tuần của thai kỳ, bạn thường được chỉ định thực hiện xét nghiệm này nhằm kiểm tra nồng độ glucose trong máu để tầm soát tình trạng đái tháo đường thai kỳ.
Hiện nay ở Việt Nam thực hiện phổ biến nghiệm pháp này với việc lấy máu 3 lần như sau:
- Mẹ bầu được yêu cầu nhịn ăn 8 – 10 giờ trước khi làm xét nghiệm (chỉ được uống nước lọc)
- Rút máu lần 1 lúc đói
- Sau khi rút máu lần 1, mẹ bầu được cho uống 75g glucose. 1 giờ sau khi uống đường, mẹ bầu sẽ được rút máu lần 2
- Lần rút máu thứ 3 là 2 giờ sau uống đường, tức sau lần rút máu thứ 2 là 1 giờ.
Kết quả được cho là bình thường khi cả 3 chỉ số bình thường.
10. Siêu âm
Khi siêu âm đường bụng, bác sĩ siêu âm sẽ thoa một lớp gel lên bụng mẹ bầu và di chuyển đầu dò của thiết bị siêu âm trên bụng mẹ bầu để có được các hình ảnh về thai nhi, lượng nước ối, vị trí bám của nhau thai… Trường hợp siêu âm đầu dò âm đạo, bác sĩ sẽ đưa đầu dò kích thước khoảng hơn 1 ngón tay nhẹ nhàng vào âm đạo để khảo sát cổ tử cung, mạch máu hoặc nhìn kỹ tim thai khi thai ở giai đoạn đầu.
Thường các mẹ bầu sẽ được chỉ định siêu âm ngay lần đầu tiên đi khám thai để kiểm tra vị trí bám, kích thước của túi thai…
Nếu có nguy cơ cao (mang đa thai, mang thai khi đã lớn tuổi, từng sinh mổ, có vấn đề về sức khỏe…), mẹ bầu có thể được chỉ định siêu âm nhiều lần.
Đây là hình thức xét nghiệm không xâm lấn, dùng sóng âm để tạo ra các hình ảnh của thai nhi nên không gây đau. Các siêu âm quan trọng mà mẹ bầu phải tiến hành trong thai kỳ bao gồm:
♥ Tuần thứ 12 – 14 của thai kỳ
- Siêu âm kiểm tra số lượng thai, số lượng bánh nhau, buồng ối…
- Siêu âm kiểm tra độ mờ da gáy, giúp tầm soát hội chứng Down, một số dị tật. Xác định tuổi thai dựa vào chiều dài đầu mông, đưa ra ngày dự sinh
- Siêu âm Doppler động mạch tử cung giúp tầm soát nguy cơ bệnh tiền sản giật
♥ Tuần mang thai thứ 18 – 26
- Siêu âm kiểm tra các bất thường về cấu trúc, hình thái của thai nhi
- Phát hiện các bất thường như: sứt môi, hở hàm ếch, có tật ở cột sống, bàn tay bàn chân thiếu hoặc thừa ngón…
- Quan sát bánh nhau, nước ối, dây rốn… để đánh giá nguy cơ sinh non nhằm can thiệp kịp thời
- Đo các chỉ số sinh học của thai nhi để đánh giá sự phát triển của bé.
- Siêu âm Doppler động mạch tử cung giúp tầm soát nguy cơ bệnh tiền sản giật, đánh giá tăng trưởng thai
- Siêu âm đo lỗ trong cổ tử cung: sàng lọc bệnh lý hở eo tử cung.
♥ Tuần mang thai thứ 32 – cuối thai kỳ
- Đo các chỉ số sinh học của thai nhi để đánh giá sự tăng trưởng của bé, xem xét trẻ có nguy cơ nhẹ cân, suy dinh dưỡng hay không
- Kiểm tra sự tuần hoàn của thai nhi thông qua siêu âm Doppler các động mạch rốn, động mạch não giữa, ống tĩnh mạch… nhằm đánh giá nguy cơ bé có bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng hay không
- Kiểm tra sự bất thường trong quá trình phát triển của cơ quan, bộ phận trong cơ thể thai nhi như não phẳng, tắc ruột, hẹp tá tràng…
- Siêu âm Doppler động mạch tử cung giúp tầm soát nguy cơ bệnh tiền sản giật.
11. Bộ xét nghiệm tầm soát nguy cơ bệnh tiền sản giật
Bộ xét nghiệm này bao gồm đo huyết áp động mạch trung bình 2 tay mẹ bầu, siêu âm Doppler động mạch tử cung, xét nghiệm máu đo chỉ số SfLT1/PlGF. Kết quả giúp dự đoán nguy cơ người mẹ có thể xảy ra bệnh lý này trong thai kỳ hay không để từ đó uống thuốc dự phòng suốt thai kỳ.
Thời điểm thực hiện: có thể thực hiện 1 trong 3 thời điểm vào quý I, quý II, quý III. Nếu bác sĩ khám đánh giá mẹ bầu có nguy cơ về bệnh này thì bạn nên thực hiện ngay trong quý I để dự phòng sớm.
12. Non-stress test
Xét nghiệm Non-stress test nhằm đo nhịp tim của em bé và kiểm tra xem em bé có nhận đủ oxy hay không. Mẹ bầu thường được chỉ định thực hiện xét nghiệm trong ba tháng cuối thai kỳ.
Để tiến hành xét nghiệm, mẹ bầu sẽ nằm thoải mái trên giường, y tá sẽ tiến hành gắn máy đo nhịp tim lên bụng bầu của bạn. Ngoài ra, mẹ bầu sẽ được cho cầm 1 thiết bị và yêu cầu bấm mỗi khi cảm nhận được em bé đạp hay chuyển động.
Lưu ý là trước khi thực hiện xét nghiệm này, mẹ bầu cần ăn uống đầy đủ, không hoạt động thể chất quá mức… để không ảnh hưởng đến kết quả. Trong khi thực hiện xét nghiệm mẹ bầu không nên ngủ quên.
13. Đếm cử động thai
Đây là một bài kiểm tra mà bạn có thể tự thực hiện tại bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào, liên quan đến việc đếm số lần cử động của thai nhi mà bạn cảm nhận được.
Bạn nên tiến hành đếm cử động thai từ khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ và không trong tình trạng đói bụng. Hãy duy trì việc đếm cử động 3 lần mỗi tuần. Thông thường bé đạp 3 – 4 lần trong 1 giờ, tuy nhiên đôi khi bé có giai đoạn ngủ. Nếu bé đạp không đủ số lần trong 2 giờ, bạn hãy đứng dậy đi tới đi lui và uống 1 cốc nước hay ăn chút gì đó, rồi đếm lại thêm 1 giờ nữa. Nếu bé vẫn đạp ít thì hãy đến bệnh viện ngay để kiểm tra. Vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bé yêu đang rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Ngoài ra, nếu các xét nghiệm tầm soát gợi ý thai nhi có nguy cơ cao mắc dị tật bẩm sinh, người mẹ có thể phải làm thêm các xét nghiệm xâm lấn để chẩn đoán xác định bệnh lý như: sinh thiết gai nhau, chọc dò nước ối.
Ích lợi khi mẹ bầu thực hiện thám khám và làm các xét nghiệm thường quy
Khi thực hiện các xét nghiệm thường quy, bạn sẽ được biết các thông tin hữu ích sau:
- Cao huyết áp: Dấu hiệu nhận biết nguy cơ tiền sản giật. Một tình trạng rất nguy hiểm.
- Mẹ bầu có bị tiểu đường thai kỳ hay không nhằm can thiệp kịp thời tránh các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và em bé. Bệnh đái tháo đường thai kỳ thường biến mất sau khi sinh nhưng lại có thể làm gia tăng nguy cơ khiến bạn mắc bệnh tiểu đường týp 2.
- Dị tật bẩm sinh và bất thường di truyền: Nhiều dị tật bẩm sinh và bất thường di truyền không phải do mang thai. Tuy nhiên, chúng có thể được phát hiện trong khi mang thai, bao gồm hội chứng Down, xơ nang và tật nứt đốt sống.
- Nhau thai tiền đạo: Điều này xảy ra khi nhau thai bao phủ cổ tử cung của người mẹ. Đây là tình trạng có thể gây chảy máu nghiêm trọng trong khi mang thai và sinh nở.
- Thai nhi ở ngôi không thuận: Thông thường vào cuối thai kỳ, đầu của thai nhi thường ở vị trí chúc xuống khung chậu của mẹ bầu. Nếu thai nhi ở vị trí ngôi mông (mông chúc xuống khung chậu thay vì đầu) hoặc ngôi ngang (em bé nằm ngang trong tử cung), điều này gây cản trở cho việc sinh thường của mẹ bầu, làm gia tăng nguy cơ phải mổ lấy thai.
Mang thai là giai đoạn nhạy cảm, do đó để đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi, mẹ bầu nên thực hiện đầy đủ việc khám thai và làm các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp kịp thời can thiệp nếu có tình huống xấu xảy ra.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Bị ngã khi mang thai và biện pháp để đảm bảo an toàn cho mẹ bầu
- Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt: Nghiêm trọng và ít ai biết
- Thai 42 tuần chưa sinh: Mẹ bầu đừng quá lo lắng