Ngày nay, liệu pháp laser đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Nó không những được sử dụng để trị bệnh mà còn phát huy khả năng kì diệu trong thẩm mỹ. Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc ứng dụng laser trong thẩm mỹ, thậm chí còn có người thắc mắc: “Ánh sáng từ laser liệu có gây ung thư?”. Chúng ta cần hiểu rõ phương pháp trị liệu này để biết được sự thật về mối liên quan giữa liệu pháp laser và ung thư.
Liệu pháp laser là gì?
Liệu pháp laser (Khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích) sử dụng chùm sáng hội tụ để điều trị vùng da bạn mong muốn mà không gây ảnh hưởng đến những vùng chung quanh. Không giống như những loại ánh sáng thông thường, ánh sáng laser được điều chỉnh ở những bước sóng nhất định và mỗi bước sóng được ứng dụng vào một mục đích điều trị khác nhau. Ánh sáng laser là những chùm sáng mạnh có khả năng cắt cả kim loại và kim cương. Dựa theo màu của chùm sáng, ta có thể chia laser ra làm nhiều loại khác nhau.
Trong thẩm mĩ, ánh sáng laser được ứng dụng trong phẫu thuật, tái tạo bề mặt da và tẩy lông. Laser giúp tái tạo bề mặt da bằng cách loại bỏ lớp da ngoài cùng của bạn, tạo điều kiện cho lớp da mới hình thành, giúp bạn có một làn da trông mịn màng và tươi trẻ hơn. Khi bác sĩ cài đặt ánh sáng laser ở một bước sóng khác, nó được ứng dụng trong việc tẩy lông. Điều trị bằng ánh sáng laser có độ chính xác cao. So với phẫu thuật truyền thống, nó còn giúp bệnh nhân ít đau, ít sưng và ít nguy cơ bị sẹo hơn. Tuy nhiên, điều trị bằng laser yêu cầu phải điều trị nhiều lần và chi phí của quá trình điều trị tương đối cao.
Lợi ích của liệu pháp laser
Liệu pháp laser có tác dụng trên nhiều loại da và chữa được nhiều bệnh về da. Những lí do sau đây sẽ cho bạn biết vì sao liệu pháp laser được ứng dụng rộng rãi như vậy trên thế giới.
- Độ chính xác cao: Điều trị bằng laser có độ chính xác rất cao. Sử dụng chùm sáng ở các bước sóng khác nhau, bác sĩ có thể dùng tia laser để điều trị tại một khu vực nhỏ hay tại lớp da đã định trước. Vì vậy, nó giúp tránh làm tổn thương các mô xung quanh tốt hơn các phương pháp điều trị truyền thống.
- Thời gian hồi phục nhanh: Bệnh nhân ít bị đau, sưng và ít nguy cơ bị sẹo hơn khi điều trị bằng liệu pháp laser. Đây là lợi thế dễ thấy nhất khi điều trị bằng liệu pháp này.
- Bệnh nhân không cần lưu trú lâu trong bệnh viện: Thông thường, liệu pháp laser được tiến hành trong một thời gian ngắn nên bạn sẽ không phải tốn nhiều thời gian trong bệnh viện như các phương pháp khác.
Liệu pháp laser có gây ung thư?
Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi này. Tuy nhiên, đa số những người đã từng điều trị bằng liệu pháp laser không có dấu hiệu bị ung thư. Không giống như ánh nắgg mặt trời, ánh sáng laser không tác động sâu vào da mà được điều chỉnh để chỉ tác động đến những lớp da bên ngoài. Vì thế, nó không gây tổn hại đến ADN hay gây ra bất cứ loại đột biến nào. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu chuyên môn nào chứng tỏ năng lượng laser là nguyên nhân gây ung thư. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ (FDA) cho rằng năng lượng laser trong liệu trình tẩy lông sử dụng bức xạ phi ion hóa. Do đó, nó không gây ra tổn thương và đột biến ADN trong cơ thể chúng ta. Khi các bác sĩ thực hiện điều trị, họ sẽ chọn loại laser phù hợp để điều trị các vấn đề da cho bạn. Vì vậy, nếu bạn muốn điều trị bằng liệu pháp laser, bạn có thể yên tâm rằng ánh sáng laser không gây ung thư.
Nhược điểm của liệu pháp laser
Dù rằng liệu pháp laser không gây ung thư nhưng ta cũng không thể phớt lờ một số phản ứng phụ của liệu pháp này. Vùng điều trị có thể sẽ có nguy cơ bị mẩn đỏ, sẹo và đổi màu da. Hơn nữa, không phải ai cũng thích hợp áp dụng điều trị bằng liệu pháp laser. Nó phụ thuộc vào loại da của bạn. Chi phí cho mỗi lần cũng rất cao và bạn cần điều trị nhiều lần (3-7 lần) để có được kết quả tốt nhất.
Ngày nay, liệu pháp laser là một phương pháp điều trị hiện đại. Vì thế, bạn không cần phải quá lo lắng về các tác động tiêu cực của nó lên da. Nếu bạn chọn điều trị bằng laser, bạn nên nghiên cứu để hiểu rõ nó. Bên cạnh đó, bạn hãy nghe theo lời khuyên của bác sĩ để có được kết quả tốt nhất.
- Chuẩn bị gì để điều trị laser đạt hiệu quả cao nhất?
- Bạn biết gì về tái tạo bề mặt da bằng tia laser?