Ngoài mang thai, có rất nhiều nguyên nhân trễ kinh, từ việc hormone trong cơ thể mất cân bằng đến các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.
Thật ra, có 2 thời điểm trong cuộc đời mà sự bất thường của kinh nguyệt lại không đáng lo ngại: giai đoạn bắt đầu dậy thì và giai đoạn mãn kinh. Khi cơ thể bạn trải qua quá trình chuyển đổi, chu kỳ kinh nguyệt bình thường có thể trở nên không đều. Tuy nhiên, bạn cũng không thể chủ quan nếu tình trạng này kéo dài. Bài viết sau, Hello Bacsi sẽ chia sẻ nguyên nhân khiến chu kỳ kinh nguyệt không đều.
1. Căng thẳng
Căng thẳng có thể ảnh hưởng xấu đến lượng hormone của phái nữ, làm thay đổi thói quen hàng ngày và thậm chí ảnh hưởng đến bộ não của bạn trong việc điều chỉnh các chu kỳ. Theo thời gian, căng thẳng sẽ khiến cơ thể bạn yếu đi, tăng hoặc giảm cân đột ngột và khiến kinh nguyệt bất thường.
Nếu bạn nghĩ rằng căng thẳng tác động đến chu kỳ hàng tháng, hãy thử thực hành các bài tập giúp thư giãn và thay đổi lối sống. Bạn nên vận động nhiều hơn để giúp cơ thể trở lại bình thường.
2. Nhẹ cân
Phụ nữ bị rối loạn ăn uống như chứng chán ăn tâm thần và ói, có thể trải qua giai đoạn mất kinh nguyệt. Cân nặng dưới mức bình thường khoảng 10% so với chiều cao sẽ thay đổi cách cơ thể bạn hoạt động và ngừng việc rụng trứng. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ trở lại bình thường nếu chứng rối loạn ăn uống được điều trị và cân nặng được nâng lên. Những phụ nữ tham gia các hoạt động thể thao với cường độ nặng như chạy marathon cũng có thể bị chậm kinh nguyệt.
3. Béo phì
Giống như nhẹ cân có thể gây ra sự thay đổi hormone, tình trạng thừa cân, béo phì cũng mang lại ảnh hưởng tương tự. Hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn về chế độ ăn uống và tập luyện. Ngoài ra, béo phì còn ảnh hưởng đến khả năng mang thai của phụ nữ nữa đấy.
4. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là tình trạng làm cho cơ thể sản sinh ra nhiều hormone androgen nam giới dẫn đến việc các u nang hình thành từ buồng trứng xuất hiện. Điều này có thể làm cho việc rụng trứng không đều hoặc dừng lại hoàn toàn.
5. Thuốc ngừa thai
Một số người có thể gặp phải sự thay đổi trong chu kỳ của mình khi sử dụng hoặc ngưng dùng thuốc ngừa thai. Thuốc ngừa thai có chứa các hormone estrogen và progestin, ngăn ngừa buồng trứng không giải phóng trứng. Đôi khi sẽ mất đến 6 tháng để chu kỳ trở lại sau khi ngưng sử dụng thuốc. Các loại thuốc tránh thai dạng cấy ghép hoặc tiêm cũng khiến kinh nguyệt diễn ra không đều hoặc thậm chí không có.
6. Bệnh mạn tính
Các loại bệnh mạn tính như tiểu đường và celiac cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Sự thay đổi lượng đường trong máu có liên quan đến việc các hormone thay đổi. Do đó, dù hiếm gặp nhưng nếu bệnh đái tháo đường không kiểm soát tốt sẽ làm cho chu kỳ rối loạn. Bên cạnh đó, bệnh celiac gây ra viêm nhiễm sẽ tổn thương đến ruột non, từ đó ngăn cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng khiến kinh nguyệt không đều.
7. Các vấn đề về tuyến giáp
Tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc không hoạt động cũng có thể là nguyên nhân trễ kinh hoặc mất kinh. Tuyến giáp có nhiệm vụ điều chỉnh sự trao đổi chất của cơ thể. Do đó, mức hormone cũng có thể bị ảnh hưởng theo. Các vấn đề về tuyến giáp thường có thể được điều trị bằng thuốc và chu kỳ sẽ trở lại bình thường sau đó.