Tên gốc: Thủy tiên
Tên khoa học: Narcissus tazetta L
Tên tiếng Anh: Daffodil
Tổng quan
Tìm hiểu chung
Thủy tiên là một loại cây lâu năm, thuộc họ Thủy tiên (Amaryllidaceae) được trồng vào mùa thu, hoa nở vào cuối đông, đầu xuân. Loài cây này có khoảng từ 50 – 100 loài, có nguồn gốc ở các vùng của châu Âu, châu Á và Bắc Phi. Hầu hết các loài cây này nở hoa vào cuối đông, đầu xuân, một vài loài nở vào mùa thu.
Hoa có thể có màu vàng hoặc trắng. Hoa có sáu cánh. Loài cây này có dạng thân củ, có từ 1 – 20 hoa/bụi. Hoa thủy tiên thường được trồng làm cảnh giữa những cây bụi, trồng thành hàng. Các loài thực vật thuộc họ loa kèn là 1 trong số 20 họ thực vật được coi là dược liệu phổ biến nhất do các hợp chất hoạt tính dược lý của chúng.
Bộ phận dùng
Một số ít nơi dùng thân rễ của thủy tiên để làm thuốc nhưng vị thuốc có độc, dùng phải hết sức cẩn thận.
Tác dụng, công dụng
Công dụng của cây thủy tiên
1. Chống ung thư
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Structure đã phát hiện ra rằng chiết xuất tự nhiên từ hoa thủy tiên vàng có đặc tính tiêu diệt tế bào ung thư.
Denis Lafontaine, công tác tại khoa Khoa học trường Đại học Libre de Bruxelles (ULB) tại Bỉ, đã tiến hành thử nghiệm các đặc tính chống ung thư của hợp chất hemanthamine (HAE) tự nhiên có trong chiết xuất hoa thủy tiên. Trong nghiên cứu mới này, Lafontaine và các đồng nghiệp đã khẳng định, hemanthamine là một tác nhân chống ung thư mới, kích hoạt con đường chống ung thư và giết chết các tế bào gây bệnh.
2. Hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer
Các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh hiệu quả của loại thảo dược này trong việc hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer. Hợp chất galantamine được xem một liệu pháp giúp điều trị các triệu chứng của bệnh Alzheimer từ nhẹ đến trung bình. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, hợp chất galantamine chiết xuất từ hoa thủy tiên giúp cải thiện đáng kể chức năng nhận thức so với giả dược ở những bệnh nhân Alzheimer.
3. Tác dụng giảm đau
Các thí nghiệm tiến hành trên động vật đã chứng minh hai hợp chất của cây thủy tiên là galantamine và galanthine có hoạt tính giảm đau. Điều này có thể giải thích cho việc sử dụng chất chiết xuất từ loại cây này trong việc điều trị đau cơ, bong gân và đau khớp.
Kết quả của các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy ảnh hưởng của galantamine đối với việc dẫn truyền tín hiệu đau trong hệ thần kinh trung ương do tác động của nó lên hệ thống chất trung gian hóa học dẫn truyền các xung động thần kinh và hiệu ứng gây tê cục bộ, riêng biệt trên các tế bào thần kinh cảm giác.
4. Các tác dụng khác
Trong các thí nghiệm, galantamine và lycorine đều có hoạt tính kháng viêm. Ngoài ra, hợp chất lycorine được chiết xuất từ cây thủy tiên có hoạt tính chống ung thư, gây nôn bằng cách tác động lên hệ thần kinh trung ương. Ở chó, tình trạng nôn kéo dài lên đến ba giờ sau khi dùng lycorine dưới da.
Củ thủy tiên có tác dụng làm ức chế hệ thần kinh và gây mê.
Rễ hoặc củ loại cây này giã nát trộn với mật ong dùng đắp ngoài da để trị phỏng, sẹo vết thâm tím, sưng khớp, đau gót chân, đau tai…
Nước sắc từ rễ loại dược liệu này là liều thuốc gây nôn rất hiệu quả. Củ loài cây này nghiền nát trộn với bột bánh lúa mạch nướng dùng bôi ngoài da để làm mềm các chỗ sưng cứng, rút ra gai, mảnh vụn găm vào thịt. Củ hoa thủy tiên có thể dùng đắp mặt giúp làm mờ vết tàn nhang.
Các loại bột hoa thủy tiên đã được sử dụng như một chất gây nôn. Loài hoa này cũng được sử dụng như một chất chống co thắt. Dầu cây được dùng để trị bệnh hói đầu và kích thích tình dục. Hoa và củ loại thảo dược này còn được người La mã cổ đại dùng để trị chứng cuồng loạn và động kinh.
Loài cây này có chứa nhiều độc tố có thể gây hại đến sức khỏe, nhưng vẫn được dùng để trị ho gà, cảm lạnh và hen suyễn.
Ngoài ra, người ta còn bào chế một loại thuốc nhuộm màu vàng từ hoa thủy tiên vàng.
Cách dùng, dạng dùng
Cây thủy tiên có thể dùng ở những dạng nào?
Loại thảo dược này có thể được dùng ở dạng:
- Chiết xuất
- Dầu
- Bột.
Liều dùng thông thường của thủy tiên là gì?
Có nhiều cách để dùng thuốc từ cây thủy tiên. Bạn có thể dùng chiết xuất của cây thủy tiên để gây nôn mửa. Để chữa bệnh đường hô hấp, bạn có thể sử dụng 2g/ngày. Bạn cũng có thể bôi thuốc từ thủy tiên lên da để chữa bệnh đau khớp, viêm, làm lành vết thương.
Liều dùng của cây thủy tiên có thể khác nhau ở từng người. Liều lượng dựa trên tuổi của bạn, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Tại thời điểm này chưa có đủ thông tin khoa học để xác định liều lượng thích hợp về việc dùng thủy tiên. Hãy lưu ý rằng các thảo dược không phải luôn an toàn và việc tuân thủ đúng liều lượng là rất cần thiết. Hãy tuân thủ các hướng dẫn nhãn sản phẩm và tham khảo ý kiến của thầy thuốc đông y hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi sử dụng.
Tác dụng phụ
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thủy tiên?
Cây thủy tiên có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Tê liệt, nhạy cảm với trời lạnh, ớn lạnh
- Suy tim
- Sưng miệng, cổ họng, lưỡi
- Buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, tiết nước bọt
- Phản ứng mẫn cảm, viêm da tiếp xúc, ngứa
- Run rẩy, co giật, tê liệt
- Suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ.
Lưu ý, thận trọng
Trước khi dùng thủy tiên, bạn nên biết những gì?
Bạn nên cẩn thận khi dùng lá, củ và hoa thủy tiên vì chúng rất độc và có thể gây tử vong. Không nên dùng loại thảo dược này trừ khi được bác sĩ hoặc thầy thuốc chỉ định và có sự giám sát chặt chẽ.
Những quy định cho thảo mộc ít nghiêm ngặt hơn những quy định của tân dược. Cần nghiên cứu sâu hơn để xác định độ an toàn của vị thuốc này. Bạn nên cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng loại cây này với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.
Mức độ an toàn của thủy tiên như thế nào?
Cây, lá, củ, hoa thủy tiên không an toàn đối với phụ nữ mang thai và cho con bú dù là dùng ngoài da hay dùng đường uống. Ngoài ra, cũng không dùng loại thảo mộc này cho trẻ em hoặc người nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào của cây thuốc này.
Việc dùng cây thủy tiên như một dược liệu không đúng cách và đúng liều lượng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng và thậm chí có thể gây tử vong.
Thủy tiên có thể tương tác với những gì?
Loại thảo mộc này có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Hãy luôn tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.
Cây thủy tiên sẽ làm tăng hấp thụ khoáng chất từ thuốc hoặc từ thực phẩm.